Cuộc sống đảo lộn vì phân gà
Trang trại gà đẻ siêu trứng của vợ chồng bà Lưu Thị Tám và ông Phạm Văn Lợi thuộc phường Ái Quốc, TP. Hải Dương có diện tích trên 4 hecta, gồm 14 chuồng. Thời điểm phát triển nhiều nhất lên tới 150.000 con gà công nghiệp, trong đó có khoảng 120.000 con gà đẻ. Mặc dù đi vào hoạt động từ năm 2003, nhưng vấn đề xử lý phân và chất thải của trại còn nan giải, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong nhiều năm, người dân sống xung quanh phải gồng mình sống chung với mùi hôi thối, khó chịu bốc lên từ chính trại gà này. Cùng với đó là mối lo về nguy cơ phát sinh mầm bệnh, tình trạng ruồi, muỗi, côn trùng bu bám dày đặc gây mất vệ sinh, cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn.
Ông Hoàng Văn Vĩnh, Chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh của khu dân cư Tiến Đạt cho biết, khoảng 7 giờ sáng và 7 giờ tối, mùi khó chịu, thối khăm khẳm từ trang trại lại bốc lên. Mỗi khi có gió đông nam thì người dân thôn Tiến Đạt, Ngọc Trì phải hứng chịu. Gió tây bắc, khu vực thôn Tiền Trung sẽ “lãnh đủ”. Mùi ngột ngạt luôn bao trùm không khí nơi đây, rất nhiều lần ông Vĩnh gặp trực tiếp chủ trang trại để phản ánh nhưng tình hình không khả quan. “Vợ chồng họ đều là người địa phương. Họ làm trang trại không chỉ làm giàu cho chính họ mà cho cả quê hương nhưng cần phải xử lý mùi cẩn thận, để tình trạng ô nhiễm không khí nặng sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống của bà con”, ông Vĩnh chia sẻ.
Không riêng ông Vĩnh, rất nhiều người dân liên tục phản ánh, dù chủ trang trại đã dùng rất nhiều biện pháp để giảm ô nhiễm nhưng vẫn không thể chịu nổi vì mùi từ phân gà bốc lên quá nặng. Mỗi khi gió đổi chiều, mùi ammoniac từ những luồng khí quạt thông gió của trang trại bay ra làm nhức mũi, ảnh hưởng đường hô hấp. Ngày cũng như đêm, nhà ai cũng phải đóng cửa thật chặt để ngăn chặn mùi ô nhiễm từ trại gà. Nhiều lúc đang ăn cơm, cả gia đình phải bỏ bữa vì mùi hôi thối xông vào.
Nhiều vi phạm về bảo vệ môi trường
Trước những phản ánh từ người dân, chủ trại gà thừa nhận, mùi phân gà của trang trại có ảnh hưởng tới người dân xung quanh. Trước đây, lượng phân gà ra tới đâu đều được người dân chăn nuôi cá tiêu thụ nhanh chóng, kịp thời. Nhưng nay do nhu cầu sử dụng của người mua, trại gà phải ủ phân rồi tiêu thụ theo hướng khác. Đó là trộn trấu, men vi sinh vào phân cho nhanh mục, giảm mùi và bán cho người trồng cây. Thời gian ủ phân cũng lâu, đôi khi phải thu gom, trộn đảo có làm phát trán mùi ra môi trường xung quanh.
Phân gà chất thành từng đống lớn trong nhà ủ phân |
Mỗi ngày, gà của trang trại thải ra cả chục tấn phân, nếu ủ trong 3 tháng, lượng phân lên tới hàng trăm tấn. Vì vậy, năm 2016, chủ trang trại đã đầu tư xây dựng một nhà ủ phân rộng khoẳng 1.500m2 để tiện cho việc xử lý. Trang trại cũng xây dựng hệ thống thu gom phân gà tự động, sử dụng bơm hút áp lực cao để thug om toàn bộ chất thải hàng ngày.
Tuy nhiên, hơn một tháng qua, do máy móc thiết bị (cụ thể là máy xúc) ở bộ phận xử lý phân gà bị hỏng, dẫn đến lượng phân bị ùn ứ, chưa kịp xử lý, gặp lúc mưa lúc nắng làm mùi phân bốc lên, ảnh hưởng tới người dân xung quanh. Bà Lưu Thị Tám cho biết, gia đình luôn chấp hành quy định của pháp luật. Hiện tại, vợ chồng bà đang tìm mọi cách để khắc phục.
Theo kết quả quan trắc định kỳ về môi trường những năm gần đây mà Trại gà Tám Lợi cung cấp thì các thông số liên quan đến không khí, nước thải đều đạt và thấp hơn so với quy định. Nhưng tại biên bản làm việc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương ngày 18/8/2017, đoàn kiểm tra của Sở đã nêu lên rất nhiều tồn tại, vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Trại gà Tám Lợi. Cụ thể, cơ sở nằm trong danh sách cơ sở gây ô nhiễm môi trường (nước thải); xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải vào môi trường; Chưa lập, phê duyệt và niêm yết công khai kế hoạch quản lý môi trường theo quy đinh, chưa được cấp xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; chưa đăng ký chủ nguồn chất thải nguy hại và một loạt lỗi vi phạm khác.
Chăn nuôi làm ảnh hưởng đến môi trường đang là thách thức chung và ngày càng cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý vi phạm. Các chủ trang trại mở rộng đầu tư về chăn nuôi cần được khuyến khích song bên cạnh đó họ cũng cần tự giác hơn trong việc xây dựng các công trình thu gom, xử lý chất thải, áp dụng các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm môi trường, bảo đảm hiệu quả kinh tế và sức khỏe của người dân.