"Bị hại" trở thành bị cáo
Vụ án cố ý gây thương tích do TAND huyện Thanh Hà xét xử ngày 28/9 là một vụ án mà lẽ ra bị cáo và bị hại không phải đưa nhau ra tòa vì thương tích của bị hại rất ít, nguyên nhân dẫn đến vụ án cũng chính do bị hại là người gây ra. Thế nhưng, phiên tòa đã diễn ra căng thẳng vì VKS cố buộc tội còn bị cáo thì một mực kêu oan.
Sự việc xảy ra chiều ngày 27/10/2015 tại khu vực thôn Tiêu Xá, xã Liêm Mạc, huyện Thanh Hà. Khi anh Dương Văn Thược đang đứng nói chuyện với người cháu bên ven đường liên thôn thì bất ngờ bị xe mô tô do Nguyễn Xuân Lượng điều khiển đâm va vào người. Sau cú đâm xe này, không những không xin lỗi người bị đâm, Nguyễn Xuân Lượng còn chửi anh Thược và dẫn đến việc hai bên lao vào đánh nhau. Tuy nhiên, được sự can ngăn của một số người có mặt, hai người đàn ông này đã chấm dứt cuộc xung đột.
Tuy nhiên, sau khi về nhà cất xe máy, anh Lượng lại trở lại chỗ cũ để tìm anh Thược và gây sự, cãi chửi nhau. Cuộc xung đột bằng tay chân lại tiếp diễn. Thậm chí hai bên còn nhặt gạch ven đường để ném về phía đối thủ. Theo cáo trạng của VKS huyện Thanh Hà, khi cúi xuống nhặt gạch để tiếp tục ném anh Thược, anh Lượng đã bị ném trúng 2 phát, bị thương vào vùng chẩm và cánh tay phải nên được đưa đi cấp cứu. Cơ quan giám định đã xác định hai thương tích trên của anh Nguyễn Xuân Lượng tổn hại 5% sức khỏe.
Với tổn hại sức khỏe này, anh Lượng được xác định là bị hại nên đã yêu cầu khởi tố đối với anh Thược về tội cố ý gây thương tích. Bên cạnh đó, vì hành vi gây gỗ đánh nhau, gây mất trật tự công cộng, Công an huyện Thanh Hà cũng ra quyết định xử phạt hành chính đối với Nguyễn Xuân Lượng.
Thiếu căn cứ, VKS vẫn đòi xử bị cáo 6 tháng tù
Nếu như việc xử phạt hành chính đối với anh Lượng là thỏa đáng thì việc truy tố đối với anh Thược, người bị gây sự trong vụ việc này lại gây ra phản ứng gay gắt. Bị cáo kêu oan vi cho rằng, không có chuyện ném gạch trúng người anh Lượng như cáo trạng quy kết. Phiên tòa xử vụ án nhỏ này được mở ngày 28/9/2016, do Phó Viện trưởng VKS huyện Thanh Hà giữ quyền công tố, phần nào cho thấy tính phức tạp của vụ án mà bị cáo kêu oan này.
Theo Luật sư Vũ Quang Ninh, vụ án có dấu hiệu không khách quan khi bị hại và nhân chứng đột ngột thay đổi lời khai để khớp với việc buộc tội cho bị cáo. Khi vụ án mới được khởi tố, bản thân bị hại đã khai là chỉ duy nhất một lần bị "đập gạch vào gáy". Sau đó, bị hại thay đổi lời khai, với nội dung là bị cáo đứng từ xa, ném 2 phát gạch vào gáy và cánh tay, gây thương tích. Các nhân chứng của vụ án là ông Tuấn và ông Tú cũng thay đổi lời khai, từ chỗ khẳng định "không biết ai ném", chuyển thành lời khẳng định là anh Dương Văn Thược ném gạch trúng đầu bị hại. Nội dung khai này xuất hiện trong hồ sơ khi Kiểm sát viên Phạm Văn Bình thụ lý vụ án và nội dung cáo trạng cũng sử dụng các lời khai mới này.
Một nhóm nhân chứng khác là ông Vĩ và ông Thuật thì khẳng định, không có việc anh Lượng bị ném vào đầu mà thực tế là bị hại bị ngã vào đống gạch nên đã bị thương. Với lời khai này của các nhân chứng, cùng với việc bị hại thay đổi lời khai bất thường, Luật sư Vũ Quang Ninh cho rằng, đây chính là bằng chứng cho thấy có việc không khách quan trong việc đánh giá chứng cứ và truy tố bị cáo.
Luật sư Vũ Quang Ninh đề nghị điều tra lại do chứng cứ không đầy đủ và thiếu tin cậy để chứng minh việc bị hại bị thương do bị ngã hay bị ném, đồng thời cũng chỉ ra nhiều lỗi của VKS trong việc kiểm sát điều tra vụ án, như: không có quyết định phân công kiểm sát viên thực hiện kiểm sát điều tra; bản cung không có chữ ký của bị can; hồ sơ giám định sai sót nghiêm trọng. Đại diện VKS cũng phải thừa nhận lỗi này nhưng giải thích rằng, quyết định phân công kiểm sát viên bị quên không đưa vào hồ sơ. Mặc dù nhận lỗi này nhưng VKS vẫn đề nghị Tòa xử bị cáo Thược 6 tháng tù vì lý do bị cáo không thừa nhận tội trạng.
Đánh giá về vụ án này, Luật sư Trần Việt Hùng, ĐLS Hà Nội nhận xét, việc thu thập, đánh giá chứng cứ thiếu khách quan có thể làm oan sai cho bị cáo trong bất cứ vụ án nào. Với vụ án này thì việc xác định tội danh sai có thể khiến bị cáo bị oan. Theo nội dung án, bị hại là người gây ra việc chửi, đánh nhau với bị cáo. Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, dẫn đến hai bên sử dụng gạch ném nhau. Vi phạm pháp luật của bị hại đã bị xử lý hành chính và chính vi phạm này đã dẫn đến việc ném gạch của bị cáo, nên việc gây thươn tích (nếu có) xuất phát là sự kích động rất mạnh, do hành vi trái đạo đức và pháp luật của bị hại gây ra thì bị cáo không thể phạm tội cố ý gây thương tích.
"Hành vi trái pháp luật của bị hại là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc ném gạch về phía nhau và việc ông Thược ném gạch về phía ông Lượng rõ ràng là ở trong trạng thái bị kích động rất mạnh do sự tấn công hiện hữu từ phía ông Lượng nên nếu việc ném gạch có gây ra thương tích thì phải thuộc hợp "gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh", thương tích phải từ 31% trở lên mới bị xử lý hình sự", Luật sư Trần Việt Hùng khẳng định.