Hài hòa lợi ích

(PLVN) - Cuối tuần trước, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Ảnh minh họa

Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia đặc biệt quan trọng, có độ phức tạp cao và được nhiều cơ quan, đơn vị, chuyên gia, nhà khoa học cũng như các địa phương trong cả nước đặc biệt quan tâm. Đây là quy hoạch ngành quốc gia được triển khai đầu tiên theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, theo Nhiệm vụ lập Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1264/QĐ-TTg ngày 1/10/2019.

Ai cũng biết, nhu cầu điện năng ngày càng tăng lên. Trong bối cảnh tài nguyên năng lượng truyền thống như năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt và gây ô nhiêm môi trường, sản lượng dự trữ dầu thô và các mỏ dầu khí truyền thống như Bạch Hổ, Sư Tử, Rồng, Ruby đang sụt giảm; các dòng sông cơ bản đã được chặn dòng làm thủy điện; xu hướng thúc đẩy sản xuất điện từ năng lượng tái tạo trở thành xu hướng tất yếu. Điện gió, điện mặt trời đang được doanh nghiệp Việt lựa chọn là bước đi chiến lược, tạo ra một “sân chơi” lớn. Rất nhiều địa phương, nơi có tiềm năng gió đang hy vọng địa phương trở thành “thủ phủ” điện gió.

Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, không thể “mạnh ai nấy làm”, bởi sản xuất ra điện mới là một “khâu” của điện năng, còn đường truyền dẫn, bán điện cạnh tranh đến các hộ tiêu dùng.

Khi đề xuất quy hoạch, các địa phương chủ yếu căn cứ vào điều kiện tự nhiên, thuận lợi của mình mà chưa tính toán được các ràng buộc tổng thể về liên kết vùng, hiệu quả kinh tế tổng thể quốc gia. Cách tiếp cận của Bộ Công Thương, vì thế, vừa theo phương pháp tổng thể, vừa từ dưới lên nghĩa là quan tâm tới đề xuất của địa phương để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương và vừa từ trên xuống nghĩa là cân đối để tối thiểu hóa chi phí toàn hệ thống, cân đối vùng miền, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, nhà đầu tư.

Tại cuộc họp nói trên, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nêu rõ, tạo điều kiện cho các địa phương phát triển nhưng cũng tính đến tổng thể cả nước để bảo đảm hiệu quả, an ninh năng lượng, hạn chế truyền tải điện đi xa để giảm giá thành chung, vừa phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương. Trong quy hoạch, dự phòng nguồn điện cho khu vực miền Trung vẫn để ở mức lớn nhất với các lý do: lợi thế phát triển điện trong khu vực rất tốt (gồm điện gió, điện mặt trời) và các địa phương trong khu vực còn khó khăn nên cần ưu tiên.

Phó Thủ tướng khẳng định, “đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết” là quan điểm xuyên suốt trong chỉ đạo hoàn thiện Quy hoạch điện VIII của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương triển khai rà soát quy hoạch một cách toàn diện, công tâm, khoa học, khách quan.

Chỉ có phương án tối ưu chứ không có phương án hoàn hảo. Để có tối ưu cũng là bài toán khó, cần giải quyết tốt quan hệ lợi ích đất nước, địa phương.

Đọc thêm