Con của nông dân chế máy phục vụ nhà nông
Sinh ra trong gia đình bần nông, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông Mạnh từng bôn ba qua nhiều công việc. Có thời gian ông đi cày thuê cho chủ, máy bị hỏng, không có kinh phí đưa ra cửa hàng, ông tự mày mò sửa chữa.
Ông Mạnh bảo, thôn Cư Thạnh quê ông có nghề làm nấm rơm, nhưng để đem rơm từ đồng ruộng về nhà rất vất vả. Xuất phát từ hoàn cảnh đó, đầu năm 2014, ông nảy ra ý định làm một chiếc máy để giúp bà con dễ dàng hơn trong việc thu gom rơm.
Khi ông chia sẻ ý tưởng làm chiếc máy cào rơm, có người bảo là ý tưởng của một lão khùng. Nhưng mặc cho mọi người nghĩ gì, ông vẫn lao vào làm, mày mò mua các phế liệu sắt, thép, tận dụng các ống thủy lực giá rẻ để chế tạo, lắp ráp.
“Tôi có nhiều ý tưởng làm những máy khác nữa, nhưng đó chỉ là ý định thôi chứ chưa biết bệnh tình của tôi thế nào mà nói. Xưa nhà nghèo không được học hành tử tế, giờ về già sống không được bao lâu nữa, đam mê thì làm thôi, phục vụ bà con là trên hết”, ông Mạnh chia sẻ.
Vậy là sau 4 tháng lao tâm khổ tứ, thức đêm thức hôm, cuối cùng chiếc máy cuộn rơm cũng ra đời. Để kiểm tra chất lượng của máy, những ngày đầu ông Mạnh có dịp trình diễn trên các cánh đồng thu rơm ở Diên Khánh cùng các dòng máy ngoại. Kết quả, nông dân đánh giá máy của ông không thua kém gì máy Nhật.
So với máy cuộn rơm hiện có trên thị trường, máy của ông Mạnh có nhiều cải tiến như máy chỉ sử dụng 1 sợi sên (xích) điều khiển toàn bộ hoạt động việc đóng bánh, cấu hình đơn giản, gọn nhẹ, khi hoạt động không cần máy kéo; bánh rơm tự động buộc chặt nhờ áp dụng nguyên lý nam châm điện; sử dụng động cơ Kubota Nhật 22 mã lực.
Điều đáng nói: không một bộ phận nào của chiếc máy cuộn rơm của ông Mạnh là đồ mới cả. Khung máy là một bộ phận bỏ đi từ một chiếc xe chở khách, các ống thủy lực được ông mua lại từ các xưởng cơ khí trên địa bàn.
“Toàn đồ cũ cả, chẳng có cái nào mới, từ bình xăng đến ghế ngồi toàn đồ mua và xin cả. Đồ cũ nhưng chiếc máy lại mới. Cả nước này có lẽ chiếc máy cuộn rơm của tôi là chiếc đầu tiên, không đụng hàng của ai hết”, ông Mạnh vừa nói vừa cười.
Máy cuộn rơm của ông Mạnh không cần máy cày dẫn đường nên không lo rơm rạ bị vấy bẩn do 4 bánh máy cày dẫm đạp. Do vậy nếu thu hoạch lúa ở vụ hè thu, thông thường ruộng hay ngập nước, sình lầy thì chất lượng bánh rơm vẫn đảm bảo. Đó là đánh giá của nhiều nông dân khi chứng kiến máy cuộn rơm hoạt động trên ruộng bùn.
“Hiện máy hoạt động 1 ngày (8 giờ) tốn khoảng 12 lít dầu, nhưng bù lại cuộn được 500 bánh rơm, mỗi bánh có đường kính 0,55m, chiều cao 0,7m, khối lượng 17 đến 18 kg và giá 25.000 đồng/bánh giao tại chỗ”, ông Mạnh cho biết.
Nhờ tiện ích từ máy cuộn rơm đem lại, nhiều khách hàng đã liên hệ với ông để đặt hàng, nhưng làm không xuể. Ông mong muốn ngành chức năng quan tâm hỗ trợ vốn để ông có thể thực hiện dự án cung cấp máy cuộn rơm do mình sản xuất. Nếu được hỗ trợ kinh phí khoảng 200 triệu đồng, ông sẽ thực hiện dự án chế tạo, chuyển giao máy cuộn rơm cho các hợp tác xã và nông dân.
Chiếc máy cuộn rơm do ông Mạnh sáng chế |
Trước khi sáng chế chiếc máy cuộc rơm vài tháng, khi đang cày đất thuê, ông Mạnh bị ngất lịm giữa đồng. Kết quả xét nghiệm phát hiện bị ung thư đại tràng khiến ông chết lặng. Chứng kiến cha ngày càng tiều tụy, 2 người con trai đang là sinh viên muốn bỏ học đi làm để san sẻ gánh nặng chi tiêu với mẹ.
Gia sản trong nhà lần lượt đội nón ra đi, nợ nần chồng chất. Buồn phiền với lời tâm sự của con, hình ảnh người vợ tảo tần đã thôi thúc ông không tuyệt vọng, gắng gượng qua bệnh tật. Cũng từ bệnh tật, rồi nhìn người nông dân vất vả đưa rơm từ đồng ruộng về nhà khiến ông nghĩ phải làm gì đó để quên đi bệnh tật.
Mặc dù đang mang trong mình căn bệnh ung thư, đã qua nhiều lần hóa trị, nhà cũng không khá giả gì, thế nhưng lúc nào bệnh tình thuyên giảm là ông Mạnh lại cặm cụi sáng chế.
Ông bảo mình có nhiều ý định làm ra những chiếc máy khác nhằm giúp đỡ bà con. Hiện ông đang sáng chế một chiếc máy ép lon đa năng. Cỗ máy nén ép phế liệu đa năng của ông biến các vỏ lon, đồ nhựa và giấy thành những khối nhỏ rắn chắc, không cần cột dây để dễ vận chuyển đường dài.
“Tôi có nhiều ý tưởng làm những máy khác nữa, nhưng đó là ý định thôi chứ bệnh tình của tôi thì không biết thế nào mà nói. Không có gì thú vị bằng việc làm những gì mình đam mê”, ông Mạnh bộc bạch.
Theo ông Trần Văn Kính - Chủ tịch UBND xã Suối Hiệp, địa phương hiện có hơn 2.500 hộ, ngoài nuôi trồng nông nghiệp, người dân còn mưu sinh nhờ vào phát triển làm nấm rơm. Máy cuộn rơm của ông Mạnh là sáng chế đầu tiên ở địa phương giúp người dân giảm được công sức, tạo hiệu quả cao sản xuất nấm rơm.
“Ông Mạnh không than vãn về căn bệnh mà luôn tỏ ra lạc quan, điều đó đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người ở địa phương cùng cảnh ngộ. Chúng tôi sẽ bàn với hợp tác xã có phương án hỗ trợ, ứng dụng rộng những máy sáng chế của ông Mạnh”, ông Kính cho biết.