Nhập hộ khẩu… ốc đảo
Chúng tôi đến thăm Cồn Chim vào những ngày thượng tuần tháng mười một. Đây là thời điểm mà người dân miền Trung thấp thỏm lo âu vì mùa mưa bão về. Từ bến đò phía bên này đất liền của xã Phước Sơn nhìn về bên kia đảo Cồn Chim, chỉ thấy mái nhà thấp nhỏ lô nhô giữa màu xanh của rừng đước và rợn ngợp sóng nước.
Chuyến đò sớm cập bến đảo sau khoảng mười lăm phút. Trước mắt tôi là một con ngõ nhỏ lênh láng nước lọt thỏm giữa những dãy nhà. Con đường cũng là một dòng sông cạn, lềnh bềnh những bụi lục bình trôi dạt. Đó là lối đi dẫn vào điểm trường Cồn Chim. Cũng chính tại Cồn Chim này, cách đây 22 năm, Cô giáo Thanh Loan (quê ở Phước Hòa, Tuy Phước, Bình Định) bắt đầu đến công tác.
Khi ấy, Cồn Chim còn thưa mái nhà, người dân sống chật vật trong cảnh cách trở với đất liền, thiếu điện, thiếu nước. Cơ sở vật chất của điểm trường Cồn Chim thì ọp ẹp, trang thiết bị dạy học vô cùng thiếu thốn, chỉ có ngôi nhà cấp bốn xập xệ, mấy chiếc ghế gỗ “già nua” và tấm bảng đen cũ sờn.
Yêu trẻ, tâm huyết với nghề như gắn thêm động lực để cô Loan hằng ngày đội nắng mưa trên những chuyến đò chòng chành qua đảo. Không ít lần có cơ hội lựa chọn một nơi nào đó đầy đủ, tiện nghi hơn nhưng cô vẫn quyết định ở lại, buồn vui cùng các em học sinh nơi xóm đảo. Yêu người, mến đất, tận tâm với con trẻ cứ thế đắp bồi duyên nợ của người nữ giáo viên với vùng đất này.
Sau này, cô Loan làm dâu xóm đảo. Cứ sau mỗi buổi lên lớp, cô lại phụ chồng đắp bờ, nuôi tôm cá sinh kế.
Cô Loan hồi tưởng lại những ngày đầu về Cồn Chim, lớp học trống huơ, trống hoác. Số học trò chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Để lớp học có học trò, cô vận động các phụ huynh trong xóm đảo tạo điều kiện để các em đi học. Không chỉ có vậy, cô còn vận động các tấm lòng hảo tâm và dân xóm đảo đóng góp để dần dà sắm sửa trang thiết bị dạy học chu đáo hơn.
Đã nhiều năm đi qua, nhưng hành trình gieo chữ ngoài Cồn Chim chưa bao giờ hết nhọc nhằn. Những chuyến đò mùa mưa gió như một nỗi ám ảnh. Cô Loan cho hay, cách đây không lâu, một cô giáo khi bước xuống đò bị ngã gãy tay. Việc giảng dạy thêm phần khó khăn. Bởi, so với các em trong đất liền, trẻ ở Cồn Chim tiếp nhận bài học chậm hơn.
Chúng tôi gặp chị Đặng Thị Mỹ Trang, một phụ huynh có con đang theo học tại điểm trường Cồn Chim. Người phụ nữ đội chiếc nón đã ngả màu úa bạc vì phơi nắng, phơi sương.
Chị thật thà tâm sự rằng công việc của vợ chồng chị cũng như nhiều hộ dân ở Cồn Chim là làm bờ, nuôi tôm cá. Đêm đến thả lưới, giăng câu mưu sinh trên đầm Thị Nại. Chủ yếu làm ban đêm. Sáng sớm ra phải tất tả mang cá tôm vào bờ để bán. Quỹ thời gian dành cho con cái không nhiều. Chuyện chỉ dạy con cái học hành chữ nghĩa dường như nằm ngoài tầm với.
Xót xa hơn, khi nghe câu chuyện của một cô học trò tên O ở đảo. Em thỏ thẻ rằng, gia đình em thường xuyên “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Mẹ mê đánh bài. Ba nghiên rượu nặng. Vậy là, O chỉ biết tìm lấy niềm vui nơi bè bạn, và thầy cô mỗi khi đến lớp. Lớp học như là gia đình thứ hai của em.
Con đường đến điểm trường Cồn Chim thường xuyên bị ngập úng |
“Cô giáo như như mẹ hiền”…
Thăm lớp học của chị Loan, lặng lẽ để không phá vỡ không gian học tập sôi nổi của các bé khối Mầm non, chúng tôi chọn cho mình một góc nhỏ để chăm chú lắng nghe bài học của các cô trò.
Bài học về câu chuyện kể những loài vật bằng thơ khiến các em thích thú đọc đồng thanh, rõ rành: “…Hôm nay đến lớp/ Thấy vắng Thỏ Nâu/ Các bạn hỏi nhau/ Thỏ đi đâu thế?/ Gấu liền nói khẽ:/ “Thỏ bị ốm rồi!/ Này các bạn ơi!/Đi thăm Thỏ nhé!...”.
Những câu nói ê a, những phát âm trong trẻo như thổi sức sống vào mảnh đất còn lắm nhọc nhằn này. Ở đây, chúng tôi còn thấy hình ảnh một người giáo viên ân cần, tỉ mỉ, tâm lý, một người mẹ hiền từ thường trực ánh nhìn đầy yêu thương với con trẻ.
Suốt hơn 20 năm qua, cô Loan vừa là giáo viên vừa là người mẹ hiền uốn nắn, dạy dỗ cho những đứa trẻ nơi xóm đảo bằng tất cả tình yêu của người mẹ, người thầy. Hiền lành, chịu khó cùng sự nhiệt tâm với người, với nghề, chị được không chỉ học trò, đồng nghiệp mà cả những ai ừa mới tiếp xúc cũng thấy cảm mến.
“Chị Loan không chỉ là người rất hiền lành, yêu trẻ lại nhiệt tâm, chân thành. Khi bọn em vừa qua đây công tác, chính chị là người hướng dẫn bọn em trong công việc quản lý học sinh, tương tác với phụ huynh học sinh để tạo điều kiện tốt nhất cho việc học tập của các em”, cô giáo Đỗ Thị Tuyết Nga, giáo viên tại điểm trường Cồn Chim, chia sẻ.
Khi tâm sự cùng chúng tôi, cô Huỳnh Thị Thanh Thân, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phước Sơn cũng cho hay rằng cô giáo Mai Thị Thanh Loan là một giáo viên có năng lực chuyên môn tốt, rất nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Hơn nữa, chị là người có lối sống giản dị, gần gũi, ham thích học hỏi, luôn được học trò, đồng nghiệp, bạn bè yêu mến.
Trong sự nghiệp giáo dục của mình, cô Loan nhận được nhiều bằng khen và danh hiệu cao quý. Nhiều năm liền, cô là chiến sĩ thi đua, giáo viên dạy giỏi. Nhưng danh hiệu ý nghĩa hơn cả mà cô vừa nhận được là Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục, đánh dấu chặng đường hơn một phần tư thế kỷ gắn với nghiệp “trồng người”.
Ngược chuyến đò rời ốc đảo, những con sóng râm ran va đập làm con đò thêm chòng chành. Nhưng khi nhớ về những nụ cười trẻ nhỏ và sự tận tụy của người nữ giáo viên từ điểm trường Cồn Chim khiến chúng tôi thấy ấm lòng và thêm tin yêu vào nghề giáo cao quý.