“Đừng gọi là anh hùng”
Bão số 12 đã qua 2 tuần nhưng đến giờ, mỗi khi nhắc lại, người dân thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) vẫn còn rùng mình ám ảnh.
Điều đáng nói, hơn 200 ngư dân nơi đây thoát chết là nhờ anh Nguyễn Bá Luân cùng 7 người anh em khác đã mạo hiểm cả tính mạng đi giữa bão dữ để cứu người khi họ gặp nạn trên biển. Anh Luân hiện là Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam, chuyên đưa khách du lịch từ chân cầu cảng thị trấn Vạn Giã ra khu du lịch Điệp Sơn.
Ngồi trò chuyện, anh Luân cho biết, ngày 4/11, anh cùng 7 người khác là nhân viên của công ty thu dọn vật dụng và đồ đạc tại công ty để tránh bão.
Trước sự việc trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi thư khen anh Luân cùng các thành viên trong Công ty TNHH Sơn Nam. Trong thư, Thủ tướng viết: “Tôi rất xúc động được biết trong khi cơn bão số 12 còn đang hoành hành, anh Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Công ty TNHH Sơn Nam và một số đồng nghiệp đã bất chấp hiểm nguy, dũng cảm đưa ca nô ra biển cùng các lực lượng chức năng kịp thời cứu được nhiều người dân gặp nạn trên biển. Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương, đánh giá cao tinh thần nghĩa hiệp, trách nhiệm và tình người sâu sắc của anh Nguyễn Bá Luân và các đồng nghiệp. Hành động cao cả, đáng trân trọng này thể hiện truyền thống tốt đẹp, tương thân tương ái, thương người như thể thương thân của dân tộc ta”.
Lúc này bão gây gió dữ dội, cuồng phong cuốn bay toàn bộ lồng bè của người dân tại vịnh Vân Phong, thấy một vài chủ lồng bè cố sức bơi vào bờ cầu cứu. Đoán chắc nhiều người đang bị mắc kẹt trên biển cần giúp đỡ, anh Luân liền cùng 7 người trong công ty chia nhau trên 3 chiếc ca nô ra vịnh Vân Phong để tìm kiếm những người gặp nạn.
Dù sóng biển cao 2 đến 3m, gió biển vẫn giật rít liên hồi, nhóm của anh Luân vẫn lao về phía biển. Nhóm chia làm 3 hướng: một hướng đi về vùng biển phía bắc huyện Vạn Ninh, một hướng đi về phía nam và một hướng đâm thẳng ra Bãi Giếng ở phía đông.
Ca nô của anh Luân nghe tin có một đoàn người bị nạn ở đảo Hòn Dung. Không 1 giây phút chần chừ, anh lập tức cho ca nô đi về phía Hòn Dung cách thị trấn Vạn Giã nhiều hải lý. Khi đến nơi, biết đoàn người mắc nạn có lẽ đã được cứu, anh liền cho ca nô đi quần thảo ở vùng đảo Hòn Ó tìm cứu người bị nạn.
Theo anh Luân, cảnh tượng khi ấy thật khủng khiếp, hoang tàn, đổ nát, tất cả mọi thứ nằm ngổn ngang, lộn xộn trên mặt nước. Phần lớn bè nuôi hải sản của người dân đều bị đánh chìm. Nhiều ngư dân bám víu vào thùng phuy hoặc bất cứ vật gì nổi trên mặt nước. Không ít người đã cạn kiệt sức lực do gió, sóng biển đánh tới tấp.
“Chuyến đầu tiên, ca nô tôi tấp vô đảo, cứu được khoảng 8 người. Họ đang co ro trong lạnh lẽo bên mép đảo”, anh Luân kinh hoàng kể lại.
Cứ thế, 3 ca nô của anh Luân quần thảo khắp các hòn đảo trên Vịnh Vân Phong để tìm người bị nạn. Đó là những người làm thuê ở lại trên các bè gỗ nuôi tôm hùm, cá bớp, cá chẽm… trên biển. Khi bão ập vào, các bè gỗ này bị đánh tan từng mảnh và họ nằm xấp lên đó trôi dạt.
Đêm đến, trời tối đen, gió sóng gầm rú, các ca nô của anh Luân vẫn không ngừng rẽ sóng tìm kiếm. Hễ phát hiện có bất cứ đồ vật nào nhấp nhô trên mặt nước là anh cho ca nô di chuyển tới, rọi đèn pin tìm kiếm. Đến 22h cùng ngày, anh Luân cứu thành công chuyến thứ 2 đưa thêm hơn 30 người vào bờ.
Trong khi đó, một ca nô do anh Hồ Thành Phi cầm lái, lao về phía biển Xuân Vinh để cứu nhóm 4 người cột nhau vào một thùng phuy nhựa trôi dạt ở giữa biển. “Họ bị đói rét và đuối sức nhưng vẫn ráng giơ một miếng xốp vẫy ca nô và kêu cứu thảm thiết. Anh em chúng tôi kéo chà họ lên boong”, anh Phi kể lại.
“Từ đầu giờ chiều ngày 4/11, anh em chúng tôi tiến hành cứu người bị nạn cho đến sáng hôm nay. Cứ hết chuyến này đến chuyến khác, chúng tôi tiếp tục quay ra cứu các ngư dân. Có hơn 200 ngư dân bị gặp nạn được anh em đưa vào bờ an toàn”, anh Luân nhẩm tính.
Ông Dương kể lại sự việc mình được nhóm người của anh Luân cứu trên biển |
“Nhờ có anh Luân… mà chồng tôi mới được cứu”
Vẫn chưa hoàn hồn sau những gì vừa trải qua, ông Nguyễn Tấn Linh (ngụ thị trấn Vạn Giã) kể lại: “Chúng tôi nghe thông báo bão nhưng do Khánh Hoà lâu lắm rồi không bị bão nên cũng chủ quan, cố nán lại để giữ bè hải sản. Ngờ đâu bão vào thiệt. Gió giật làm quật nát bè hải sản, tôi cũng rơi xuống biển. Tôi ôm cái thùng nhựa làm phao, rồi may mắn được cứu. May phước, không là khó sống”.
Nói rồi, ông Linh bảo: “Thời điểm ấy chỉ có bộ đội biên phòng với nhóm của anh Luân ra cứu người gặp nạn chứ không ai dám ra cả. Nếu không nhờ nhóm người anh Luân đến cứu hộ thì không biết bây giờ chúng tôi ra sao. Người dân ở đây biết ơn các chiến sĩ và người của Công ty TNHH Sơn Nam lắm”.
Ông Đặng Văn Hạnh (ngụ thị trấn Vạn Giã) đến khi được cứu vẫn không biết cơn bão đã tàn phá đất liền và khu vực nhà ông như thế nào. Ông nhảy khỏi bè cá để lên Hòn Nung khi bè cá bắt đầu bị xé ra từng mảnh trôi tung toé.
Khi được cứu, ông Hạnh co ro vì lạnh và đói. “Biết là chắc sẽ được cứu nhưng tôi nghĩ phải nắng lên, gió lặng hẳn thì mới có người ra cứu”, ông Hạnh nói.
Ông Ngô Hữu Dương (ngụ thị trấn Vạn Giã) cho biết, do mấy chục năm chưa có bão đổ bộ vào vùng biển này nên người dân có phần lơ là, thiếu cảnh giác. Bên cạnh đó, lồng bè nuôi thủy sản là cả cơ nghiệp của ngư dân nên nhiều người vẫn bất chấp cơn bão, ra biển để bảo vệ lồng bè.
“Nếu so với cơn bão năm 1993 thì nó không là gì với cơn bão này. Gió to lắm, chỉ mấy phút mà những luồng gió đã xoáy mạnh, đánh chìm toàn bộ bè cá của người dân ở đây. Nhiều người trên bè bị rơi xuống biển chỉ biết bấu víu vào mấy chiếc thùng nhựa với hy vọng sống sót”, ông Dương cho hay.
Là một trong số các gia đình có người thân được nhóm anh Luân ứng cứu giữa lúc lâm nguy, bà Nguyễn Thị Thanh (ngụ thị trấn Vạn Giã), xúc động nói:
“Nhờ có anh Luân và nhân viên của anh ấy mà chồng tôi mới được cứu. Lúc đó, tôi không có điện thoại, không biết liên lạc. Ở trong này khóc lóc không biết chồng chết hay sống, không biết thông tin. Lúc nghe nhóm của anh Luân ra chở thì trong này bắt đầu xuống cảng chờ. Lúc anh Luân chở vô thì vợ chồng gặp nhau mà mừng, mà khóc”.
“Mong báo chí không sử dụng hình ảnh của chúng tôi”
Trò chuyện với chúng tôi, anh Hoàng Quốc Trường, một trong những người tham gia cứu ngư dân, cho biết: “Điều may mắn là lúc cứu người, ca nô không bị chết máy hay hư hỏng giữa biển. Một số người nhà đưa tiền biếu nhưng chúng tôi không lấy. Tôi nghĩ tới số người chưa cứu được cũng rất buồn”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh xác nhận, anh Luân cùng 7 nhân viên trong công ty của mình đã tham gia cứu hơn 200 người dân trong bão số 12.
“Chúng tôi đã lên phương án phòng chống thiệt hại từ trước, huyện đã yêu cầu doanh nghiệp phối hợp giúp người dân rời khỏi lồng bè vào bờ cho an toàn. Đối với trường hợp của doanh nghiệp anh Luân, công dân làm việc tốt, chúng tôi biểu dương tinh thần nghĩa hiệp của các anh, quên mình cứu người trong bão dữ”, ông Bảo cho biết.
Bão số 12 gây thiệt hại khủng khiếp
106 người đã thiệt mạng, 25 người mất tích do mưa bão. Tại Khánh Hòa, nơi tâm bão đi qua, từ khi bão vào đất liền đến lúc bão đi qua, chỉ vài giờ ngắn ngủi nhưng đã lấy đi của người dân những sản nghiệp tích luỹ cả cuộc đời. Bà con đang làm đêm khấm khá, chỉ sau một đêm sạt nghiệp.
Chỉ sau 1 ngày tràn qua Tây Nguyên, bão số 12 đã khiến cho hàng ngàn nông dân rơi vào cảnh trắng tay. Xuất phát từ tâm lý xưa nay Tây Nguyên không có bão, người dân không chú trọng kiên cố hóa nhà cửa nên thiệt hại là rất lớn.
Mặc dù đã được dự báo, cảnh báo từ rất sớm và có thời gian để các tỉnh triển khai ứng phó, nhưng hậu quả của cơn bão số 12 được báo cáo tại cuộc họp trực tiếp do Thủ tướng chủ trì vẫn quá mức tưởng tượng về mức độ tàn phá cũng như những nguy cơ do bão gây ra. Sau cơn bão, những lỗ hổng của công tác điều hành, chỉ đạo của chính quyền cơ sở đã lộ ra bao điều đáng để suy ngẫm.
Bão dữ đi qua để lại quá nhiều mất mát, nhưng cũng từ trong khổ đau mất mát đó, có những chuyện thấm đẫm tình người.