Người dân kêu trời vì xe rác
Trao đổi với Pv Báo Pháp Luật Việt Nam, đại diện những người dân tại khu vực xóm Hang Rồng cho biết, Nhà máy xử lý chất thải nguy hại của Công ty Toàn Thắng chính thức đi vào hoạt động từ 2009 và được xây dựng tại phía Tây núi Thần Vi (Thị trấn Minh Đức). Do xây dựng khá gần khu dân cư nên nhiều năm qua, người dân phải hứng chịu khí thải cũng như khói bụi đen của Nhà máy này xả ra.
Bà Phạm Thị Hiên (53 tuổi, xóm Hang Rồng) cho biết, bà đã từng làm công nhân của Công ty Toàn Thắng trong thời gian gần 1 năm nhưng nhanh chóng phải xin nghỉ việc vì không thể chịu được khói khét nhà máy thải ra. Trong quá trình đốt rác, từ ống khói của Nhà máy này, khói đen lan tỏa sang khu dân cư xóm Hang Rồng (Thị trấn Minh Đức) và cả khu tập thể 703 Hải Quân (xã Minh Tân, Thủy Nguyên) khiến người dân, đặc biệt là người già và trẻ em tức ngực, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Suốt những năm qua, việc đốt rác chủ yếu thực hiện vào ban đêm khoảng từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng hôm sau nên khó quan sát và phát hiện.
Không chỉ vậy, khoảng hơn 1 tháng nay, hàng đoàn xe chở rác của Công ty Toàn Thắng ngày nào cũng chạy qua con đường dân sinh của khu dân cư xóm Hang Rồng khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị đảo lộn. Bà Phạm Thị Thay (75 tuổi) cho hay: “Một đêm có tới 5 chuyến xe chở rác chạy qua. Tiếng xe chạy ì ì cả đêm khiến nhà tôi không sao ngủ yên. Nhiều lần, quá bức xúc, chúng tôi đã mang đá ra chặn đường để không cho xe rác chạy qua”. Hơn thế nữa, tuyến đường dân sinh khoảng 1km này khá chật hẹp do các hộ dân sinh sống san sát, do đó mùi rác độc hại và xú uế lại càng “ủ” lại lâu hơn trong những ngày thời tiết nồm ẩm. Cư dân nơi đây lo ngại, việc hàng loạt các xe chở rác thải (gồm cả những xe có biển số ở tỉnh khác) ngày đêm chạy qua con đường dân sinh khiến cho nó có nguy cơ bị “băm nát”.
Nhằm “xoa dịu” những kiến nghị của người dân, mới đây, Công ty Toàn Thắng thuê 02 người quét dọn đường hàng ngày để giảm bớt lượng bụi do các xe rác chạy qua. Được biết, UBND xã Minh Tân và Tổ dân phố Quyết Hùng cũng đã nhiều lần “kêu cứu” tới UBND huyện Thủy Nguyên vì nhà máy xử lý chất thải này làm ảnh hưởng hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân nhưng đến nay sự việc vẫn “dậm chân tại chỗ”.
"Dấu đầu hở đuôi"
Trao đổi với Báo Pháp Luật Việt Nam, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND Thị trấn Minh Đức cho hay, trước đây, xe chở rác vào Nhà máy xử lý của công ty Toàn Thắng đi bằng con đường khác. Hơn 1 tháng nay, doanh nghiệp này chuyển sang chạy qua khu dân cư và đã vấp phải phản đối của người dân.
Nhà máy xử lý rác thải của Công ty Toàn Thắng |
Theo quan sát của phóng viên, rác thải chỉ được đựng bằng bao tải, phủ bạt sơ sài và vận chuyển bằng những chiếc xe tải thông dụng. Qua xem xét hình ảnh những chiếc xe chở rác trên, ông Lại Đức Long, Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường UBND huyện Thủy Nguyên khẳng định chúng không đảm bảo quy chuẩn về an toàn kỹ thuật cũng như bảo vệ môi trường. Toàn bộ lượng rác thải nguy hại đều không được dán nhãn rõ ràng. Xe vận chuyển cũng không có biển cảnh báo chất thải nguy hại, không được trang bị đầy đủ thiết bị bắt buộc khác như dụng cụ cứu hỏa, hộp sơ cứu vết thương.
Về sự việc trên, đại diện doanh nghiệp thừa nhận, những chuyến xe trên chở rác thải công nghiệp được thu gom tại các khu vực lân cận. Tuy nhiên, rác thải công nghiệp là hạng mục mà Công ty Toàn Thắng chưa được phép xử lý.
Công văn số 229/STNMT-KS ngày 29/01/2016 của Sở Tài nguyên & Môi trường xác định nhà máy trên nằm trong khu vực vành đai an toàn của kho 703 Hải Quân, trong khu vực ưu tiên cho nhiệm vụ quốc phòng thuộc tổng thể bố trí quốc phòng kết hợp phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn cả nước giai đoạn 2011 -2020 được Thủ tướng phê duyệt; không nằm trong Quy hoạch xử lý chất thải rắn trên địa bàn TP Hải Phòng đến năm 2025 được UBND TP phê duyệt. Bởi trên địa bàn huyện Thủy Nguyên được quy hoạch xử lý chất thải rắn tại 3 vị trí gồm: xã Gia Minh, xã Minh Tân, xã An Sơn - Lại Xuân.
Để giải quyết nhà máy xây dựng không nằm trong quy hoạch này, mới đây, ngày 16/6/2017, UBND TP Hải Phòng ban hành công văn số 3469/UBND-MT, trong đó đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng Sở Xây dựng và UBND huyện Thủy Nguyên nghiên cứu, đề xuất phương án di dời Nhà máy xử lý chất thải đến địa điểm mới phù hợp với quy hoạch.
Về lâu dài, ông Long cho biết, việc đặt nhà máy tại Thị trấn Minh Đức đều không hợp tình, hợp lý trong cả hai trường hợp: người dân đồng ý cho xe chở rác thải chạy qua khu dân cư hoặc xây dựng một con đường mới cho doanh nghiệp sử dụng. Di dời nhà máy đến một địa điểm khác phù hợp cũng là nguyện vọng bấy lâu nay của nhân dân trong vùng.
Ngày 29/3/2016, Thanh tra Sở TNMT ban hành quyết định số 05/QĐ-XPHC xử phạt hành chính đối với Công ty Toàn Thắng trong sử dụng đất và tài nguyên khoáng sản với số tiền 12 triệu đồng, đồng thời yêu cầu đơn vị khắc phục hậu quả khôi phục lại hiện trạng ban đầu trong sử dụng đất.
Theo báo cáo số 13/BC-TNMT ngày 02/3/2016 của Phòng TNMT huyện Thủy Nguyên, Công ty Toàn Thắng đã sử dụng, xây dựng các công trình trái phép trên diện tích gần 2,2 ha tại khu vực phía Tây núi Thần Vi. Trong đó, hơn 0,3 ha được UBND huyện Thủy Nguyên cho ông Đặng Kim Sơn thuê và hơn 1,8 ha còn lại do Công ty Toàn Thắng tự sử dụng và xây dựng hơn 20 hạng mục công trình.