Bình bầu chọn người dôi dư
Ngày 1/4/2016, UBND TP Hải Phòng có Quyết định số 537/QĐ-UBND về việc phân bổ chỉ tiêu biên chế công chức hành chính, số người làm việc trong đơn vị sự nghiệp của thành phố năm 2016. Trong đó, giao Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ thực hiện việc giãn lớp khối THPT và điều động giáo viên từ nơi thừa về nơi thiếu, đảm bảo số lượng và cơ cấu bộ môn; thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Nghị định 108/2015/NĐ-CP của Chính phủ đối với các giáo viên dôi dư ở các trường phổ thông công lập thuộc Sở GĐ&ĐT. Văn bản này hoàn toàn phù hợp với chính sách tinh giản biên chế ngành Giáo dục giai đoạn 2015-2021.
Ngày 20/4/2016, Sở GĐ&ĐT Hải Phòng có Thông báo số 92 gửi Trường THPT Lê Hồng Phong thông báo về số người làm việc trong đơn vị này năm học 2015-2016 là 62 người, số lượng dôi dư là 4 người.
Ngày 24/8/2016, Sở GD&ĐT có tiếp Văn bản số 1035 gửi Trường THPT Lê Hồng Phong thông báo về kế hoạch tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị; yêu cầu đơn vị lập kế hoạch số lượng người làm việc năm 2017 và báo cáo về việc điều chuyển số lượng người dôi dư.
Theo đó, Trường THPT Lê Hồng Phong đã tiến hành sắp xếp lại đội ngũ giáo viên và lập kế hoạch số lượng người làm việc năm 2017, xác định 62 người làm việc, dôi dư 2 người. Để xác định được đối tượng dôi dư, Trường THPT Lê Hồng Phong đã thực hiện cơ chế bình bầu để tìm kiếm 2 suất dôi dư này.
Các tổ bộ môn đã thực hiện việc đánh giá, bình xét và lập danh sách dôi dư theo nguyên tắc, người nào đứng chót bảng xếp hạng thi đua năm 2015-2016, thuộc các môn học thừa giáo viên thì sẽ trở thành người không may mắn có tên trong danh sách không ai mong muốn này.
Trên cơ sở bình xét của các tổ bộ môn, ngày 1/9/2016, Hội đồng rà soát đã họp và bình xét, rà soát đối tượng dôi dư. Kết quả bình xét, hai giáo viên là bà Phạm Thị Thu Hà (môn Tiếng Anh) và ông Nguyễn Danh Hiếu (môn thể dục) là các giáo viên có kết quả đánh giá viên chức và điểm thi đua năm học 2015 - 2016 thấp nhất nên được đưa vào diện dôi dư, đề nghị Sở GD&ĐT điều chuyển đến các đơn vị khác. Kết quả đã được công khai và báo cáo Sở GD&ĐT.
Ngay khi biết mình có tên trong danh sách dôi dư, bà Phạm Thị Thu Hà và ông Nguyễn Danh Hiếu đã phản ứng bằng những lá đơn kiến nghị gửi Sở GD&ĐT, trong đó có nội dung “tố” Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lệ trù dập.
Trở lực lớn với chính sách cải tổ giáo dục
Trong đơn gửi Sở GD&ĐT, bà Hà cho rằng, Hiệu trưởng trù dập, không khách quan trong việc bình xét thi đua nên dẫn đến việc bà không được xếp loại thi đua là “Lao động tiên tiến” nên mới bị đưa vào danh sách dôi dư. Ông Hiếu thì kiến nghị “làm sáng tỏ” 20 nội dung chứng minh việc Hiệu trưởng lạm quyền, mất dân chủ, vi phạm quy chế chuyên môn. Những nội dung được ông Hiếu liệt kê không có tài liệu kèm theo chứng minh Hiệu trưởng không công bằng trong việc lập danh sách dôi dư, đề nghị điều chuyển.
Phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam đã có buổi làm việc với Trường THPT Lê Hồng Phong. Theo báo cáo của ông Vũ Thế Thuy - Phó Hiệu trưởng thì việc bà Hà trở thành một trong hai giáo viên dôi dư là kết quả của một quá trình sàng lọc khách quan, dân chủ.
Theo đó, Tổ ngoại ngữ có 8 giáo viên đã họp đến 4 lần để bình xét người thuộc danh sách dôi dư theo tiêu chí đánh giá kết quả công việc và bình xét thi đua năm học 2015-2016. Bà Hà là viên chức có kết quả xếp loại viên chức “hoàn thành nhiệm vụ” và điểm thi đua là 189,45 điểm, đứng cuối danh sách này.
Danh sách thi đua khen thưởng do tổ bộ môn bình bầu và Hội đồng Thi đua, khen thưởng của Trường quyết định, không phải quyết định của Hiệu trưởng và việc rà soát dôi dư cũng dựa vào kết quả này nên việc cho rằng Hiệu trưởng trù dập 2 giáo viên là không có căn cứ. Mặc dù không có bằng chứng cho thấy Hiệu trưởng trù dập nhưng với việc các giáo viên này phản ứng bằng cách gửi đơn kiến nghị cho thấy sự phản ứng tiêu cực đối với quá trình cải tổ bộ máy giáo dục.
Trở lại sự việc với hai giáo viên, ông Hiếu bị cho là còn phản ứng bằng cách không nghe theo góp ý của Hiệu trưởng trong việc để học sinh lớp 10C7 học thể dục dưới trời nắng, đồng thời tố Hiệu trưởng can thiệp thô bạo vào công tác chuyên môn. Sự việc này đã đẩy mâu thuẫn khiến giữa cán bộ, giáo viên trong trường lên mức cao.
Việc để học sinh học dưới nắng đã bị một số phụ huynh học sinh phản ứng gay gắt, khiến cho mối quan hệ giữa nhà trường và phụ huynh học sinh cũng nảy sinh những rạn nứt không đáng có. Hiện Trường THPT Lê Hồng Phong đang xác minh, làm rõ sự việc.
Việc giáo viên kiến nghị hay tố cáo người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập là không khách quan hay trù dập ngay khi việc sắp xếp lại bộ máy mới được bắt đầu tại cơ sở cho thấy sự phức tạp của tiến trình cải cách bộ máy giáo dục.