Hải Phòng nỗ lực đưa ngành Du lịch bứt phá

(PLVN) - Hải Phòng không chỉ là một TP cảng công nghiệp, mà còn là một trong những nơi có tiềm năng du lịch rất lớn: Từ những giá trị do thiên nhiên ban tặng đến những giá trị nhân văn đặc trưng về văn hóa, ẩm thực hay các lễ hội truyền thống của vùng đất cửa biển. Tuy nhiên, để giúp du lịch TP có thể cất cánh trong tương lai cần nhiều hơn nữa những quan tâm đầu tư của Nhà nước cũng như sự chủ động, nỗ lực của những người làm du lịch.
Tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long được Tổ chức Kỷ lục Guinness trao chứng nhận tuyến cáp có trụ cáp treo cao nhất thế giới.
Tuyến cáp treo Cát Hải – Phù Long được Tổ chức Kỷ lục Guinness trao chứng nhận tuyến cáp có trụ cáp treo cao nhất thế giới.

Nhiều tiềm năng 

Hải Phòng là một trong ít địa phương có đầy đủ các hạ tầng giao thông từ đường sắt, đường bộ, đường hàng không đến đường biển, đây là một lợi thế được tạo ra nhằm thúc đẩy du lịch phát triển của mảnh đất nhiều tiềm năng này.

Thời gian qua, bên cạnh sự đầu tư lớn của TP cho các cơ sở hạ tầng như: sân bay, đường cao tốc thì Hải Phòng cũng đón nhận rất nhiều sự quan tâm, đầu tư của các tập đoàn lớn, những đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch dịch vụ như: Vingroup, Sungroup, Flamingo,… mang lại cho du lịch Hải Phòng sự đa dạng hơn về sản phẩm phục vụ du khách. Đây vừa là cơ hội nhưng cũng chính là thách thức với những người làm du lịch của TP Cảng. 

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Hải Phòng được đánh giá là điểm sáng của cả nước thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa chống dịch, vừa đảm bảo phát triển kinh tế. Cùng với việc triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống Covid-19, TP Hải Phòng còn đặt ra quyết tâm giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các ngành kinh tế mũi nhọn.

Ngay sau khi ngừng giãn cách xã hội, thành phố đã tập trung tổ chức khởi công, khánh thành, động thổ 15 dự án trọng điểm; trong đó Tập đoàn Geleximco với Dự án Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng có vốn đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng; Dự án Tổ hợp nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo Cát Bà Beach Resort với tổng số vốn đầu tư trên 4.028 tỷ đồng, cáp treo Cát Hải - Phù Long với quy mô xây dựng khoảng 2.207 tỷ đồng,…

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Tùng đã nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; lãnh đạo TP Hải Phòng luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư nước ngoài, chủ động đón bắt làn sóng FDI mới đến đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần thay đổi diện mạo TP, đưa Hải Phòng trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao tầm quốc tế với dịch vụ chất lượng cao, mua sắm, giải trí, điểm đến của du khách trên thế giới.

Đa dạng sản phẩm du lịch

Không giữ tư duy “Bắc nước chờ gạo người”, du lịch Hải Phòng đã có những bước chuyển mình thực sự, từ những hội nghị, hội thảo về quảng bá, xúc tiến của các địa phương liên tục được tổ chức tại Hải Phòng nhằm tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch nhỏ và vừa có điều kiện tiếp cận với các nguồn khách đến và đi tại Hải Phòng. Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch nhiều lần tổ chức giới thiệu trực tiếp sản phẩm du lịch.

Không dừng lại ở đó, các đơn vị du lịch Hải Phòng cũng thường xuyên tham gia giới thiệu sản phẩm tại các địa phương khác thông qua các hội chợ du lịch uy tín trong nước cũng như quốc tế khiến cho cơ hội giao lưu, hợp tác được mở rộng hơn rất nhiều.

Con đường ven biển Cát Bà – đường biển đẹp nhất miền Bắc kéo dài hơn 20km .
 Con đường ven biển Cát Bà – đường biển đẹp nhất miền Bắc kéo dài hơn 20km .

Tiêu biểu như Hải Phòng tham dự Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam 2019 với sự tham gia của 6 doanh nghiệp nhằm giới thiệu các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, các sáng kiến bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong ngành Du lịch. Bên cạnh đó, việc quảng bá, giới thiệu du lịch thông qua những tác phẩm báo chí, những bức hình đẹp hay qua mạng xã hội cũng được những người làm du lịch Hải Phòng quan tâm. 

Ngoài lợi thế về du lịch biển và du lịch tâm linh, tham quan các công trình văn hóa kiến trúc khu vực trung tâm TP cũng là thế mạnh mà Hải Phòng đang tìm hướng phát triển trong thời gian tới. Khu di tích lịch sử Bạch Đằng Giang (Thủy Nguyên) là quần thể hội tụ những dấu ấn lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng bậc nhất của Hải Phòng, là địa danh đặc biệt gắn liền với 3 trận thủy chiến chống quân xâm lược “khét tiếng” trong lịch sử nước ta. 

Bên cạnh đó, liên quan đến khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên), nơi ghi dấu tích trận chiến Bạch Đằng năm 1288 vừa được phát hiện mới đây, UBND TP Hải Phòng đã khởi công Dự án xây dựng tuyến đường vào khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ với mục đích bảo tồn những tư liệu vật chất vô giá, là hiện vật độc đáo bổ sung cho phần thiếu khuyết của sử liệu khi nghiên cứu về cuộc chiến chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc. Những công trình trên hứa hẹn sẽ là những điểm đến tâm linh thu hút nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu.  

Hiện nay, trên toàn TP Hải Phòng có 470 di tích được xếp hạng, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là danh lam thắng cảnh quần đảo Cát Bà và khu di tích đền Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; 112 di tích cấp quốc gia và hàng trăm di tích cấp thành phố. Nhiều lễ hội lớn như: Lễ hội Chọi Trâu (Đồ Sơn), Lễ hội Hoa phượng đỏ, Lễ hội làng cá Cát Bà (Cát Hải)… được tổ chức thường niên là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân TP. 

Trong năm 2019, du lịch Hải Phòng đón và phục vụ 9.078.200 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 930.000 lượt, tăng gấp 9 lần so với năm 2003. Đây chính là kết quả của sự thay đổi của ngành du lịch Hải Phòng trong hướng đi mới.

Đọc thêm