Hải Phòng: Phá cam kết với hàng xóm, doanh nghiệp lộ vi phạm khi cải tạo trụ sở

(PLO) - Việc Công ty CP Công nghiệp tàu thủy và xây dựng Hồng Bàng (số 169 đường Bạch Đằng, phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cải tạo trụ sở làm việc không đảm bảo các quy định liên quan đến an toàn xây dựng, vệ sinh môi trường đã khiến cuộc sống của những hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hải Phòng: Phá cam kết với hàng xóm, doanh nghiệp lộ vi phạm khi cải tạo trụ sở

Cam kết một đằng, làm một nẻo

Ngày 5/6/2017, Công ty CP Công nghiệp tàu thủy và xây dựng Hồng Bàng được UBND quận Hồng Bàng cấp giấy phép xây dựng có thời hạn số 01/GPCTH  để “đại tu” văn phòng làm việc. Khi đó, văn phòng làm việc của doanh nghiệp là một tòa nhà cũ kỹ được xây dựng khoảng 30 năm trước, nhiều phần tường có dấu hiệu xuống cấp.

Theo giấy phép xây dựng, doanh nghiệp được xây dựng 2 phần chính: Phần xây dựng quy định trong giấy phép là 2 tầng; chiều cao công trình là 8m. Tổng diện tích sàn được cấp phép là 185,36m2, trong đó diện tích xây dựng tầng 1 là 92,68m2. Phần lắp ghép nhà tạm bằng được cấp phép bằng vật liệu nhẹ, không kiên cố, dễ di chuyển tháo dỡ thuận lợi. 

Do công trình nằm trong đất quy hoạch nên UBND quận Hồng Bàng yêu cầu chủ đầu tư phải tự dỡ bỏ công trình, không được đòi hỏi bồi thường phần công trình xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn khi Nhà nước thực hiện quy hoạch.

Do mặt sau công trình giáp ngõ đi chung của nhiều hộ dân nên để việc xây dựng không ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng xóm, ngày 30/6, ông Lê Văn Minh, Tổng giám đốc Cty CP Công nghiệp tàu thủy và xây dựng Hồng Bàng đã ký biên bản cam kết với Tổ dân phố số 1, phường Thượng Lý. Cụ thể, doanh nghiệp phải thực hiện đúng nội dung giấy phép; không trổ cửa đi ra phía sau để gây bất tiện cho tổ dân phố; có biện pháp che chắn, chống đỡ thi công đảm bảo các điều kiện an toàn lao động và công tác vệ sinh môi trường cho các hộ xung quanh; chịu trách nhiệm về sự ổn định, an toàn công trình được cấp phép xây dựng trong quá trình thi công và thời gian bảo hành.

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp đã không thực hiện đúng cam kết trên. Đầu tiên, doanh nghiệp mở một cửa nhỏ ra phía sau ngõ 1 đường Hùng Duệ Vương với lý do đây là yêu cầu của cơ quan Cảnh sát phòng cháy chữa cháy về cửa thoát hiểm. Việc làm này được nhân dân xung quanh tạm chấp thuận. Nhưng sau đó ít lâu, doanh nghiệp này tiếp tục xin mở thêm 4 cửa đại ra phía sau trước sự ngỡ ngàng và bất bình của người dân sử dụng ngõ đi chung này. 

Ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng ban công tác mặt trận tổ dân phố Xi măng 1 bức xúc cho biết: “Công ty đã cam kết với chúng tôi không trổ cửa, giờ lại bội ước như vậy thì thật là quá mất niềm tin”.

Hé lộ những bất thường trong giấy phép và việc xây dựng

Ngày 24/11/2017, UBND quận Hồng Bàng cấp giấy phép điều chỉnh giấy phép xây dựng, cho phép doanh nghiệp cải tạo công trình cao hơn nhưng không ghi rõ bao nhiêu tầng. Trong đó, giấy phép vẫn quy định phần lắp ghép nhà tạm bằng vật liệu nhẹ, không kiên cố, dễ di chuyển tháo dỡ thuận lợi nhưng chiều cao lắp dựng được nâng lên là 26,15m, gấp nhiều lần so với giấy phép ban đầu. Nhìn vào kết quả hoàn thiện của công trình này thì thấy, rất có thể giấy phép bổ sung nhằm hợp thức hoá cho phần công trình đã xây vượt phép trước đó.

Đã có mặt tiền là đại lộ (1), chủ đầu tư vẫn muốn mở nhiều cổng ra ngõ dân sinh khiến người dân phản ứng (2)
Đã có mặt tiền là đại lộ (1), chủ đầu tư vẫn muốn mở nhiều cổng ra ngõ dân sinh khiến người dân phản ứng (2)

Ông Nguyễn Hồng Văn (số nhà 10, ngõ 1 đường Hùng Duệ Vương) cho hay ban đầu, trụ sở làm việc của doanh nghiệp chỉ có 2 tầng. Cách đây vài năm, doanh nghiệp đã cải tạo công trình thành 4 tầng. Trong khi người dân chưa hiểu doanh nghiệp được phép xây mấy tầng theo giấy phép điều chỉnh kia thì rất nhanh chóng, doanh nghiệp tiếp tục xây tường và cải tạo công trình lên 6 tầng. Điều đáng lo ngại đối với người dân sống gần với công trình này là phần móng công trình đã xây dựng cách đây hơn 30 năm và phần diện tích xây mới đều không có bất cứ biện pháp gia cố nền móng thì có đủ khả năng để chịu lực nên có thể gây hoạ cho người sống liền kề.

Bà Đoàn Thị Bình, trú tại số nhà 16, ngõ 1 đường Hùng Duệ Vương còn bức xúc, trong quá trình thi công, doanh nghiệp đã để vật liệu xây dựng tràn lan ra ngõ đi chung, gây cản trở giao thông. Không những vậy, xây dựng tại khu vực dân cư đông đúc nhưng doanh nghiệp không có biện pháp che chắn theo đúng quy định, gây mất vệ sinh môi trường và đã gây thiệt hại đến tài sản của một số hộ dân. 

Do chủ đầu tư sửa chữa toà nhà bội tín nên người dân sống xung quanh toà nhà đã bắt đầu lo lắng và phát hiện nhiều việc làm sai với giấy phép được cấp. Cụ thể là, giấy phép xây dựng ghi rõ, chủ đầu tư chỉ được lắp dựng vật liệu nhẹ, không kiên cố, dễ tháo dời đối với phần công trình được cải tạo. Nhưng trên thực tế, chủ công trình đã lắp khung sắt, cột đổ bê tông và hoàn thiện tường bằng vật liệu gạch. Đây là công trình mà bằng mắt thường cũng có thể xác định là công trình kiên cố, bằng vật liệu nặng chứ không phải công trình xây dựng bằng vật liệu nhẹ.

Với những gì đang xảy ra với công trình xây dựng của Công ty CP Công nghiệp tàu thủy và xây dựng Hồng Bàng, rất nhiều câu hỏi đặt ra về tính hợp pháp của giấy phép cấp cho doanh nghiệp này cũng như việc chấp hành pháp luật xây dựng của chủ đầu tư. Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin. 

Đọc thêm