Những định hướng chính của TP Hải Phòng trong việc triển khai xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, chương trình xây dựng NTM đã được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và nhân dân Hải Phòng tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai thực hiện và thực sự trở thành phong trào lớn.
Để tiếp bước trên hành trình xây dựng NTM, Hải Phòng đã đặt ra những mục tiêu cụ thể để hoàn thành theo từng giai đoạn, trong đó, giai đoạn 2021 - 2025, chú trọng việc xây dựng NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu tại các địa phương.
Việc xây dựng NTM nhằm góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 15/10/2020 Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đồng thời, cụ thể hóa các mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM trên địa bàn.
Cũng giống như hành trình 10 năm vừa rồi, người dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình xây dựng NTM; hướng tới việc người dân có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao. Mục tiêu nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn là trách nhiệm, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Để đi đến “đích”, Hải Phòng xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; tập trung nguồn lực, đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với quá trình đô thị hoá, đặc biệt là chuẩn bị cơ sở hạ tầng cho việc chuyển đổi một số huyện thành quận, TP trong tương lai. Cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh; xây dựng nông thôn bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa với phát triển thành thị, theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.
Hải Phòng cũng định hướng xây dựng NTM gắn với phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả, đa giá trị, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên việc huy động nguồn lực để đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hình thành thêm nhiều khu sản xuất nông nghiệp tập trung, sử dụng công nghệ cao, sản xuất ra các sản phẩm nông nghiệp sạch, có giá trị thương phẩm cao.
Trên chặng đường xây dựng NTM trong giai đoạn mới, Hải Phòng phấn đấu đi đầu trong cả nước với mục tiêu đến năm 2025, 100% số xã (137 xã) đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; huyện Bạch Long Vĩ đạt chuẩn huyện NTM (theo tiêu chí đặc thù sau khi có hướng dẫn của Trung ương); 4 huyện gồm Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, An Lão, Kiến Thụy đạt chuẩn huyện NTM nâng cao; 2 huyện An Dương, Thủy Nguyên thực hiện xây dựng huyện NTM nâng cao gắn với thực hiện xây dựng để chuyển đổi thành đô thị trước năm 2025.
|
Đường nông thôn Hải Phòng khang trang, đầy đủ vỉa hè. (Ảnh: PV). |
Với mục tiêu cao như trên, ông có thể chia sẻ những khó khăn phát sinh từ thực tế của các địa phương khi triển khai xây dựng NTM trong giai đoạn mới?
- Hiện nay, các địa phương đang triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu, tất yếu, có khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai.
Thời gian qua, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất có sự biến động theo chiều hướng tăng nhanh đã dẫn đến một thực tế, nhiều hộ dân chỉ hiến đất mở rộng đủ mặt đường giao thông, không hiến đất làm vỉa hè. Một số vị trí nhà dân đã xây dựng kiên cố hoặc diện tích nhỏ nếu thực hiện hỗ trợ vật kiến trúc hoặc tái định cư thì kinh phí rất lớn. Do đó, một số công trình giao thông sau đầu tư chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu tiêu chí, nhất là yêu cầu về vỉa hè, hệ thống cây xanh đối với loại đường 7m, 9m.
Việc triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp còn chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu. Tỷ lệ nông sản sản xuất theo các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP… còn thấp, chưa có nhiều các sản phẩm OCOP so với tiềm năng của TP.
Chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang sản xuất rau màu và cây ăn quả chưa thực mạnh mẽ; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp chậm hình thành. Việc đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp có chuyển biến nhưng kết quả chưa cao, nhiều HTX nông nghiệp có quy mô hoạt động nhỏ, sức cạnh tranh thấp, năng lực quản trị, khả năng tài chính hạn chế. Phần lớn các chuỗi liên kết sản xuất quy mô còn nhỏ lẻ, tỷ lệ chuỗi liên kết sản xuất nông sản theo các tiêu chuẩn, chất lượng bền vững còn thấp, thiếu tính bền vững; công tác xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực chưa được đầu tư tương xứng. Việc hình thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ người sản xuất (nông dân/tổ hợp tác/hợp tác xã) đến doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ tỷ lệ còn hạn chế; vẫn còn tình trạng bỏ ruộng ở khu vực nông thôn.
Môi trường và cảnh quan nông thôn mặc dù đã được quan tâm, nhưng chưa thường xuyên, liên tục, chưa có nhiều mô hình hiệu quả về bảo vệ môi trường, phân loại rác thải đầu nguồn để nhân rộng, tạo thành phong trào rộng khắp.
|
Một tuyến đường xây dựng từ phong trào nông thôn mới tại huyện An Dương. (Ảnh: PV) |
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai NTM, một nhiệm vụ quan trọng là phân bổ nguồn vốn theo từng giai đoạn đối với các địa phương. Hải Phòng thực hiện điều này ra sao?
- Hải Phòng đặt ra nguyên tắc của việc phân bổ vốn là có trọng tâm, trọng điểm, tập trung, không phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn để đầu tư; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong NTM.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn ngân sách TP bố trí trực tiếp là khoảng 15.475 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư công là trên 15.307 tỷ đồng. 8 xã thí điểm xây dựng NTM kiểu mẫu từ năm 2020 đã phân bổ 385,6 tỷ đồng. 84 xã gồm: 14 xã thực hiện từ năm 2021; 35 xã thực hiện từ năm 2022; 35 xã thực hiện từ năm 2023 được phân bổ 9.747 tỷ đồng. 45 xã còn lại được phân bổ 5.175 tỷ đồng.
Như vậy, trung bình mỗi xã được phân bổ khoảng 115 tỷ đồng, giảm 10 tỷ đồng/xã so với Nghị quyết 14/2021/NQ-HĐND. Điều này xuất phát từ thực tế, các địa phương thực hiện xây dựng các tiêu chí ở mức tối thiểu, điều chỉnh không thực hiện đầu tư trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung cấp xã.
Trong nguồn vốn sự nghiệp trên 168 tỷ đồng, Hải Phòng đã phân bổ trên 18 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2022. Số còn lại được phân bổ trong thời gian tiếp theo.
|
Huyện Thủy Nguyên từng bước xây dựng trở thành TP trực thuộc Hải Phòng. (Ảnh: PV) |
Để huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia vào phong trào xây dựng NTM, Hải Phòng đã ban hành các nghị quyết để các địa phương triển khai thực hiện đồng thời lồng ghép các chương trình, dự án khác trên địa bàn. Theo đó, Hải Phòng miễn thu lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do tặng cho một phần diện tích của thửa đất trên Giấy chứng nhận đã cấp để xây dựng, mở rộng các công trình NTM kiểu mẫu.
Để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa tập trung, ngân sách TP Hải Phòng cũng hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng; hỗ trợ kinh phí đánh giá chứng nhận đạt cơ sở áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, chăn nuôi an toàn dịch bệnh; hỗ trợ cho tem truy xuất nguồn gốc bằng mã QR Code (QR); hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn… Không chỉ vậy, theo chính sách đặc thù hỗ trợ người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo về thu nhập hàng tháng và mức đóng BHYT; …
Với hàng loạt các chính sách đặc thù có ý nghĩa trên, tôi hy vọng, Hải Phòng sẽ cán “đích” sớm trên chặng đường mới này.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
* Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương