Hải Phòng: Xưởng may Phong Ích vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp lệnh cấm

(PLO) - Mặc dù Sở Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng đã ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động của xưởng may mũ giầy Phong Ích (thôn Tân Lập, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo) từ ngày 29/3 đến 28/4/2018 để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tuy nhiên suốt thời gian qua, xưởng may này vẫn hoạt động bình thường như chưa có gì xảy ra.
Công nhân tụ tập cạnh xưởng may để đòi nợ
Công nhân tụ tập cạnh xưởng may để đòi nợ

Phớt lờ quyết định tạm đình chỉ

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã thông tin trong các số báo trước, xưởng may mũ giày Phong Ích nằm ngay trên trục đường chính vào trụ sở UBND xã Cao Minh với diện tích trên 1.000 mét vuông. Xưởng may đi vào hoạt động 1 tháng qua với số lượng công nhân lớn, tuy nhiên lại chưa hoàn thiện bất cứ thủ tục pháp lý nào theo quy định pháp luật.

Khi phát hiện xưởng may mũ giày Phong Ích chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu công trình PCCC theo quy định đồng thời chưa xây dựng phương án chữa cháy cơ sở, chưa thành lập Đội PCCC cơ sở, Phòng Cảnh sát PCCC số 10 đã yêu cầu chủ cơ sở trình hồ sơ thiết kế công trình về cơ quan Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng để tiến hành thẩm duyệt và chỉ được hoạt động khi đã hoàn thiện mọi thủ tục. 

Cùng với đó, Đại tá Phạm Viết Dũng, Phó giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hải Phòng đã ký Quyết định tạm đình chỉ hoạt động đối với xưởng may mũ giày Phong Ích (điểm kinh doanh số 5 của Cty TNHH sản xuất Hải Lâm do bà Lê Thúy Hằng làm giám đốc) tại thôn Tân Lập, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo trong thời gian 1 tháng từ 29/3/2018 đến 28/4/2018. Quyết định ban hành là vậy, tuy nhiên, trên thực tế, chủ cơ sở đã không chấp hành. Xưởng may vẫn tiếp tục hoạt động nhộn nhịp từ 7 giờ sáng đến 19 giờ tối hàng ngày trong suốt thời gian qua.

Ngày 2/4/2018, Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND huyện Vĩnh Bảo do Trưởng phòng Lao động & Xã hội Nguyễn Đình Duy làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với đại diện doanh nghiệp. Tại thời điểm kiểm tra, cơ sở có 50 lao động, trong đó có 2 người nước ngoài chưa được cấp phép lao động. Doanh nghiệp cũng chưa xây dựng và đăng ký với Nội quy lao động với Sở Lao động TB & XH, chưa tham gia BHYT, BHXH, BHTN cho tất cả công nhân, chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bảo vệ môi trường. 

Kết luận buổi kiểm tra, ông Nguyễn Đình Duy yêu cầu doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc quyết định tạm đình chỉ của Cảnh sát PCCC. Đồng thời trong thời gian tạm đình chỉ, doanh nghiệp phải hoàn thiện các thủ tục về pháp luật lao động như: Phải ký kết lại hợp đồng lao động với người lao động, đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động như tham gia đầy đủ BHXH, BHYT, BHTN; xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở tại nơi làm việc. Ngoài ra, doanh nghiệp phải chấp hành các yêu cầu liên quan đến việc bảo vệ môi trường như: đăng ký kế hoạch BVMT với cơ quan có thẩm quyền, ký hợp đồng thu gom xử lý rác thải công nghiệp và nguy hại với đơn vị đủ chức năng, thực hiện giám sát môi trường định kỳ 6 tháng/lần.

Theo phản ánh của người dân địa phương, trên thực tế, tại nhà xưởng có 4 người Trung Quốc đang ở và làm việc nhưng chưa đăng ký tạm trú hay lưu trú. Do đó, Đoàn kiểm tra cũng yêu cầu chủ cơ sở phải báo cáo bằng văn bản với Đội an ninh Công an huyện Vĩnh Bảo, ký hợp đồng đảm bảo an ninh trật tự với công an xã Cao Minh. 

Xe máy của người lao động trong sân của xưởng may cho thấy xưởng may vẫn hoạt động khi đã bị tạm đình chỉ vì vi phạm quy định về PCCC.
Xe máy của người lao động trong sân của xưởng may cho thấy xưởng may vẫn hoạt động khi đã bị tạm đình chỉ vì vi phạm quy định về PCCC.

Với hàng loạt các sai phạm trên, tuy nhiên, ông Đặng Văn Chúc, Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Bảo cho hay đơn vị này không bị xử phạt do Đoàn kiểm tra không đề xuất. Đồng thời sau biên bản kiểm tra này được lập, UBND huyện Vĩnh Bảo cũng không ban hành thông báo hay văn bản cụ thể nào để xử lý việc hoạt động “chui” của đơn vị. 

Lý giải về việc không chấp hành quyết định tạm đình chỉ, bà Lê Thúy Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Lâm cho biết, việc dừng hoạt động sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ của những hợp đồng kinh tế mà doanh nghiệp đã ký với đối tác.

Vẫn nợ tiền công lao động?

Liên tiếp từ chiều 17/4 đến sáng 18/4, hàng chục công nhân từng làm việc tại xưởng may mũ giày Phong Ích đã tụ tập tại cổng doanh nghiệp để đòi “nợ”. Chị P.T.L. (xã Liên Am, huyện Vĩnh Bảo) cho biết, “do có nhu cầu thay đổi công việc, mình nghỉ làm tại xưởng may này. Giờ vẫn còn 14 ngày công chưa được thanh toán tính trong thời gian từ ngày 1 đến 17/3/2018. Tuy nhiên, mình cũng đã liên lạc với chủ xưởng may nhiều lần để đòi nợ nhưng chưa có dấu hiệu khả quan”.

Ngoài chị L, còn có tới hơn 30 công nhân khác cũng chịu chung cảnh. Chị N.T.T (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo) cũng thông tin: “Thực tình, tiền nợ của tôi cũng chỉ còn hơn 1 triệu. Tuy nhiên, đó là mồ hôi và công sức mà tôi bỏ ra nửa tháng trời. Tôi mong sớm được thanh toán nốt khoản nợ này để ổn định tìm kế sinh nhai khác”.

Về vấn đề này, bà Hằng cho biết, những công nhân trên đã tự ý nghỉ việc không có lý do và không nộp đơn xin thôi việc theo hợp đồng đã ký nên doanh nghiệp sẽ không thanh toán khoản tiền trên trừ trường hợp họ quay lại làm việc tại xưởng may mũ giầy Phong Ích. 

Tuy nhiên, các công nhân cũ cho rằng, họ chỉ nộp hồ sơ xin việc tại xưởng may và vào làm việc mà không được ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp, do vậy, không thể cho rằng họ phá vỡ cam kết trong hợp đồng. 

Thiết nghĩ, UBND huyện Vĩnh Bảo, UBND TP Hải Phòng cần nhanh chóng vào cuộc để xử lý vấn đề nợ tiền công lao động nói trên, đảm bảo quyền lợi cho người lao động và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Đọc thêm