Hạn hán đã “bức tử” 50.000ha đất nông nghiệp

(PLO) - Tổng kim ngạch xuất khẩu 6 tháng của ngành nông nghiệp  ước đạt 14,42 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2014. Theo Bộ NN & PTNT, hạn hán khốc liệt đã kéo tốc độ tăng trưởng của ngành trong 6 tháng đầu năm tụt dốc. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.  
Ngành nông nghiệp điêu đứng vì hạn hán xảy ra trên diện rộng. Ảnh minh họa nguồn Internet
50.000ha phải ngưng sản xuất
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng GDP nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm nay đạt 2,36%, mức này thấp hơn so với năm 2014 (2,9%); giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 489.000 tỷ đồng, tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2014.  
Đáng chú ý, trồng trọt là lĩnh vực có tốc độ tăng thấp nhất chỉ đạt 1,08% (mức tăng 6 tháng của năm 2014 là 2,8%), trong khi lại chiếm tỷ trọng cao nhất (50,7%) nên đã kéo tốc độ tăng của ngành nông nghiệp xuống thấp. Nguyên nhân chính được xác định là do tình hình thời tiết cực đoan, bất thường như: mùa đông ấm ở miền Bắc, hạn hán gay gắt xảy ra trên diện rộng ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. 
Con số thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT)  cho thấy tính chất khốc liệt của hạn hán năm nay. Khu vực Nam Trung bộ, nhất là tỉnh Ninh Thuận và Khánh Hòa được cho là hạn hán khốc liệt nhất trong vòng 40 năm. Hiện tại, các hồ chứa ở Ninh Thuận cơ bản hết nước, dung tích đều dưới 10%; ở Khánh Hòa dung tích các hồ chứa còn khoảng 17%. Vụ hè thu, dự kiến Ninh Thuận dừng sản xuất khoảng 10.229 ha, chiếm 34%, còn Khánh Hòa dự kiến dừng sản xuất 10.400ha, chiếm 24%.  
Trong thời điểm hạn hán cao nhất, có khoảng 122.000 ha ở các vùng Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Nam Trung bộ, trong đó nhiều nhất là Đắk Lắk 61.000 ha, Đắk Nông 17.000ha… bị ảnh hưởng. Theo ước tính, diện tích gieo cấy lúa đông xuân cả nước đạt 3,112 triệu ha, giảm 4.300ha so với năm 2014, sản lượng ước đạt 20,7 triệu tấn, giảm 153.000 tấn (tương đương giảm 0,7%).
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết với tình hình hạn hán hiện nay, các tỉnh như Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Quảng Trị sẽ có khoảng 50.000 ha không thể trồng được bất kỳ cây gì. 
Giải pháp mở rộng thị trường 
Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ 150,6 tỷ đồng cho 8 địa phương và 3 công ty của Bộ NN&PTNT từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2015 để khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn vụ đông xuân năm 2014-2015. Bộ NN&PTNT cũng đã bàn với các địa phương và Chính phủ cùng hỗ trợ để nông dân chuyển sang trồng cây sử dụng ít nước như ngô, đậu đỗ, cỏ. 
Tuy nhiên, trong cuộc họp sơ kết 6 tháng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết thêm, ngoài hạn hán, ngành nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn về thị trường tiêu thụ nông sản. Theo ông Phát, trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, các hiệp hội và doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. 
Tuy vậy, đến nay vẫn còn 5/12 mặt hàng có giá và kim ngạch xuất khẩu giảm, đó là chè, cao su, gạo, cà phê, thủy sản. Trước thực trạng khó khăn như vậy, Bộ NN&PTNT cho biết trong 6 tháng cuối năm Bộ sẽ thúc đẩy tăng trưởng sản xuất nông nghiệp mạnh hơn bằng cách sẽ rà soát lại các chuỗi giá trị đối với những sản phẩm có thị trường, có thể mở rộng sản xuất.   
Chẳng hạn như đối với lúa gạo, sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân sản xuất lúa gạo có chất lượng cao hơn để tiêu thụ trong nước, đồng thời theo dõi diễn biến thị trường thế giới và phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hướng dẫn sản xuất vụ lúa thu đông với quy mô lớn hơn, đáp ứng của thị trường thế giới. 
“Bởi vụ lúa thu đông thường cho năng suất cao hơn, chất lượng cũng tốt hơn và được giá hơn so với các vụ khác và trong điều kiện các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam cũng đang gặp những khó khăn về hạn hán” – Bộ trưởng Phát so sánh.
Theo ông Phát, Bộ đã chỉ đạo với các Tổng cục, Cục, Vụ làm việc với từng thị trường cụ thể để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho nông sản trong nước có thể xâm nhập vào các thị trường. 
“Nhiều hiệp định tự do thương mại sẽ tiếp tục được ký kết, tinh thần của các hiệp định hầu hết là giảm thuế, nhưng vướng mắc nhất hiện nay ở các thị trường là các rào cản về kỹ thuật và thủ tục hành chính. Để tháo gỡ được các rào cản đó, chúng ta cần làm việc cụ thể với từng thị trường, trong đó trong 6 tháng cuối năm bên cạnh việc tăng cường mở cửa thị trường với thủy sản, các sản phẩm trồng trọt thì một trong những trọng tâm là mở cửa thị trường cho sản phẩm chăn nuôi” – ông Phát nhấn mạnh.

Đọc thêm