Người của những chuyên án lớn
Trước khi về làm Trưởng công an quận Đống Đa, Đại tá Võ Hồng Phương đã từng có một thời gian dài gắn bó với Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự xã hội(PC45 - Công an TP.Hà Nội) có địa chỉ tại số 7 Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng), nơi được gọi với cái tên quen thuộc“nhà số 7”- cái tên hễ được nhắc đến là các loại tội phạm, kể cả loại cộm cán nhất cũng đều khiếp sợ. Đại tá Võ Hồng Phương đã trải qua rất nhiều cương vị ở địa chỉ huyền thoại này, từ trinh sát đến Đội trưởng Đội Đặc nhiệm, rồi Phó trưởng Phòng PC45.
Hỏi Đại tá Võ Hồng Phương rằng, ngày “cầm quân” ở Đội Đặc nhiệm- một trong những đội lính chiến tinh nhuệ nhất của Phòng PC45 - Công an TP.Hà Nội, anh nhớ nhất vụ án nào hoặc kỷ niệm nào? Với chất giọng xứ Nghệ chân tình, ấm áp, Đại tá Phương tươi cườichia sẻ: “Chúng tôi làm nhiều vụ án quá, toàn những vụ đặc biệt nghiêm trọng, biết kể vụ nào đây...”.Trong số rất nhiều vụ án ấy, cũng có không ít lần Đại tá Phương phải dùng chính tính mạng của mình để “so gan” với tội phạm.
Hẳn trong ký ức người dân Thủ đô, không ai có thể quên vụ cướp tiệm vàng Kim Trang ở 30 phố Hàng Đậu vào đêm 29/12/1998. Tại đây, kẻ cướp đã dùng súng AK bắn bị thương chủ nhà để cướp tài sản. Nhận được tin báo, Đại tá Phương cùng các chiến sĩ Đội Đặc nhiệm đã lập tức có mặt tại hiện trường và bao vây đối tượng. Thế nhưng trước những lời thuyết phục, kêu gọi đầu hàng để được khoan hồng, đối tượng lại đáp trả bằng những viên đạn bắn về phía lực lượng công an, đồng thời nổ súng vào con tin. Trước tình hình đó, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã không ngần ngại xông vào tiêu diệt đối tượng và giải cứu các nạn nhân.
Chưa đầy 1 năm sau, vào tháng 4/1999, tại Làng văn hóa Việt-Nhật ở 14 Thụy Khuê (quận Tây Hồ) lại xảy ra vụ cướp tài sản, bắt cóc trẻ em và đe dọa giết người nước ngoài. Đối tượng đã khống chế cháu bé 6 tháng tuổi người Nhật và dọa giết, đòi mẹ cháu đưa 3.000 USD, một xe ôtô taxi để tẩu thoát. Đại tá Phương cùng các trinh sát đặc nhiệm đã mưu trí, dũng cảm, bí mật bám đuổi theo. Khi xe đi đến ngã ba Than Muội- Chi Lăng - Lạng Sơn, lợi dụng lúc đối tượng sơ hở, các chiến sĩ Đội Đặc nhiệm đã nổ súng bắn trọng thương đối tượng và giải thoát cho cháu bé.
Trong giới tội phạm, cái tên Dũng “Palestin” là một nỗi khiếp đảm bởi tính chất côn đồ của đối tượng này. Chỉ trong vài tháng từ cuối 2002 đến đầu 2003, băng nhóm tội phạm của Dũng đã gây ra hàng loạt những vụ án dùng xăng đốt nhà, đánh người gây thương tích, hiếp dâm, cướp tài sản, đánh bạc, lừa đảo... gây kinh hoàng trong xã hội. Tập trung làm rõ hành vi phạm tội của các đối tượng, ngày 30/4/2003, Đội Đặc nhiệm do Đại tá Phương chỉ đạo đã hốt trọn ổ tội phạm do Dũng cầm đầu, bắt giữ 26 đối tượng. Cũng trong quá trình điều tra nhóm tội phạm của Dũng, lực lượng cảnh sát đặc nhiệm đã phát hiện thêm một số băng nhóm tội phạm nguy hiểm khác hoạt động trên địa bàn Hà Nội và liên tỉnh, trong đó nổi lên băng nhóm do Nguyễn Anh Tuấn (tức Tuấn “con”) cầm đầu, bắt giữ 27 đối tượng. Ngoài ra, cảnh sát đặc nhiệm bắt giữ 10 đối tượng một băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen do Dũng “bóng nhựa” cầm đầu...
Đối với những người lính hình sự như Đại tá Phương, khó khăn không phải là việc truy bắt tội phạm, dù là đối tượng có vũ khí, nguy hiểm đến tính mạng, mà là sự đau lòng khi phải chứng kiến cảnh máu chảy đầu rơi. Đánh án, nhất là những án mờ, liên quan đến các băng nhóm tội phạm có vũ khí, hoạt động có tổ chức quả thật là một cuộc chiến cam go. Trong vụ thanh toán nhau ở phố Đoàn Thị Điểm, một vụ án đặc biệt nghiêm trọng gây hoang mang dư luận đã khiến anh cùng đồng đội nhiều đêm thức trắng.
Vẻ hồn hậu của Đại tá Phương - người nhiều lần đối mặt với tội phạm nguy hiểm. |
Một vụ án khác mà Đại tá Phương trực tiếp tham gia với tư cách người chủ trì là vụ xả súng vào xe Civic trên đường Láng-Hòa Lạc xảy ra hồi tháng 3/2010. Anh kể, ngay sau khi nhận được tin báo, anh cùng đồng đội xuống ngay hiện trường. Lúc này, bên vệ đường chỉ còn lại chiếc ôtô bị đập phá hư hỏng, bên trong có nhiều vết máu loang lổ, 2 súng ngắn, một súng kíp cùng nhiều dao kiếm, vỏ đạn vương vãi xung quanh...Lực lượng điều tra tinh nhuệ được tung vào vụ án, chỉ sau hơn 1 tuần đã có 7 người có liên quan vụ ôtô rượt đuổi, xả súng bắn nhau để đòi nợ này đã bị phát hiện. Các can phạm bị xử lý về các tội “Giết người”, “Gây rối trật tự công cộng”, “Gủy hoại tài sản”... Vụ án xả súng thanh trừng lẫn nhau ngay trên đường phố gây nên sự lo lắng, bất an trong nhân dân đã nhanh chóng được khám phá.
Cuộc đời binh nghiệp của Đại tá Võ Hồng Phương trải qua ở ngôi nhà “số 7” đã gắn liền với những trận chiến cam go trên mặt trận phòng chống tội phạm. Nhưng anh tâm sự, mỗi khi tiếng còi hú của xe cảnh sát đổ dồn, mỗi khi có một tội phạm bị còng tay bước xuống cổng nhà “số 7” thì bên cạnh niềm vui, anh vẫn không tránh khỏi cảm giác vừa buồn, vừa căm phẫn, vừa trắc ẩn. “Tội ác đã được ngăn chặn,nhưng những mất mát đã xảy ra thì khó lòng bù đắp được. Kẻ giết người sẽ phải đền tội bằng một hình phạt thích đáng. Nhưng cái chết oan nghiệt của người bị hại dưới bàn tay tội ác kia sẽ mãi mãi là bi kịch”, Đại tá Phương nói.
Khi lính đặc nhiệm “nhập vai”
Số 7 Thiền Quang, ngôi nhà khắc tinh của tội phạm,nơi gửi gắm niềm tin của người dân Thủ đô và cũng là ngôi nhà thứ hai mà Trung tá Trần Văn Hải (cựu Đội phó Đội Đặc nhiệm - Phòng PC45)nay là Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự - Công an huyện Hoài Đứctừng gắn bó suốt 15 năm. “Tôi thấy mình may mắn vì từng được công tác tại một đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nơi có nhiều nhân tố điển hình, nơi thắm tình đoàn kết, ấm sự sẻ chia trong công việc lẫn đời thường của những người lính hình sự”, Trung tá Hải tự hào.
Nhiều năm chinh chiến cùng các đồng đội ở ngôi nhà “số 7”, Trung tá Hải đã cùng đồng nghiệp phá không biết bao nhiêu vụ án, buộc không ít đối tượng phải tra tay vào còng. Một trong những chuyên án mà Trung tá Hải đưa vào “bộ nhớ” của mình đó là chuyên án phá ổ nhóm chuyên cưỡng đoạt tài sản trên sông Hồng xảy ra năm 2009.
Trung tá Trần Văn Hải kể chuyện với PV |
Nói anh khó quên bởi thời điểm diễn ra chuyên án ấy cũng là thời điểm miền Bắc đang hứng chịu một đợt rét khủng khiếp,hơn nữa nó lại diễn ra đúng vào dịp giáp Tết Kỷ Sửu. Trong lúc người người đang nô nức chuẩn bị đón tết thì anh cùng đồng đội của mình vẫn lênh đênh ngược dòng từ Hà Nội lên Phú Thọ rồi lại từ Phú Thọ xuôi Hà Nội với mục đích nắm rõ quy luật hoạt động của những băng nhóm cứu hộ “ma”. Sở dĩ các băng nhóm này xuất hiện là bởi mấy năm đó, vào mùa khô, nước sông Hồng xuống thấp, lòng sông để lộ nhiều cồn bãi và nhiều chướng ngại vật đe dọa sự an toàn của đường thủy nội địa khiến nhiều tàu bè lớn bị mắc kẹt.
Địa bàn sông nước nhanh chóng được phân chia. Các chủ tàu bè bị ép ký hợp đồng cứu hộ dài hạn với giá cắt cổ. Trong đó nổi lên một số đối tượng như Nguyễn Mạnh Báu (tức Báu “cửu”), Lê Văn Thảo (tức Thảo “Đặng”), Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Văn Thụ. Những đối tượng này sử dụng đàn em để ép các chủ tàu bè nộp “lệ phí cứu hộ”. Nếu không nghe theo, chúng dùng mọi thủ đoạn để gây nhiễu, dằn mặt họ mỗi lần đi qua đây.
Sau nhiều đêm dầm mình trong giá buốt, Đội Đặc nhiệm của anh đã có được trong tay những chứng cứ phạm tội của các nhóm đối tượng này. Kết quả cuối cùng các băng nhóm cứu hộ “ma” đã bị triệt phá. Niềm vui thực sự đã đến với anh và đồng đội khi được nhìn thấy sự thanh thản và bình an của những người dân vạn chài khi qua lại những khúc sông ấy. Như thế cũng là quá đủ cho những dấn thân không mệt mỏi của các anh.
Trong một chuyên án khác, Trung tá Trần Văn Hải lại hóa thân vào vai một chàng thư sinh lịch lãm dẫn “người yêu” của mình (là một nữ nhà báo đóng giả) để tiếp cận nơi giam giữ con tin. Người bị bắt làm con tin là một kỹ sư xây dựng tại công trường Keangnam.
Khoảng 20h tối 2/10/2010, Đội Đặc nhiệm tiếp nhận một đơn trình báo của ông Lưu Huy Lĩnh về việc con trai của ông bị 4 đối tượng khống chế, ép lên xe ôtô. Sau đó chúng gọi điện về gia đình ông uy hiếp nếu không giao nộp đủ số tiến là 3 tỷ đồng thì chúng sẽ không đảm bảo tính mạng cho con trai ông. Các đối tượng trong vụ án này hoạt động rất tinh vi. Chúng thay đổi địa điểm giao nhận người tới 4-5 lần. Thậm chí chúng ở nơi này nhưng lại báo địa chỉ ở nơi khác để dò xét xem người nhà có báo công an hay không.
Trước sự xảo quyệt của các đối tượng trong vụ án, Trung tá Hải đã nhận vai diễn và sẽ cùng một nữ nhà báo đóng giả làm cặp tình nhân để việc tiếp cận con tin được dễ dàng hơn. Sau này khi chuyên án thành công, nữ nhà báo ấy đã thốt lên rằng: “Ban đầu rất hào hứng nhập vai nhưng sau khi vào cuộc rồi mới thấy quá nguy hiểm bởi mình không biết nhóm côn đồ manh động đến mức nào, có súng hay không”.
Tuy nhiên, Trung tá Hải khẳng định, trước khi phá án, anh cùng các đồng nghiệp đã tính toán kỹ lưỡng các phương án để hạn chế rủi ro cho mình và những người khác.Để làm được điều này đòi hỏi mỗi cá nhân phải thực hiện đúng quy định của pháp luật, tuân thủ nghiêm các quy định của ngành, vận dụng linh hoạt các bài nghiệp vụ như phải đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ, lực lượng bắt phải áp đảo đối tượng, phải hiểu đúng, hiểu sâu về đối tượng...
Trong cuộc đời làm lính đặc nhiệm dưới ngôi nhà “số 7”, Trung tá Trần Văn Hải cũng gặp phải không ít những tình huống giải cứu bi hài. Anh kể, khoảng 8 giờ sáng một ngày thứ 7 nọ, Đội Đặc nhiệm của anh khi ấy nhận được đơn trình báo của một người đàn ông. Anh ta hốt hoảng kể lại rằng vợ mình đang đi trên đường thì bị 4-5 đối tượng bắt lên xe taxi, trói chân, bịt miệng đưa đến một ngôi biệt thự bỏ hoang trong khu Mỗ Lao. Xung quanh có hàng trăm ngôi biệt thự khác chưa trát vôi, tối om.
Sau khi tiếp nhận thông tin, Trung tá Hải và đồng đội lại lập tức lên đường. Không chỉ những người trong đội của anh mà còn huy động các lực lượng hỗ trợ từ Công an huyện Từ Liêm (cũ), Công an phường Mỗ Lao để rà soát những địa điểm nghi vấn. Cuối cùng bằng các biện pháp nghiệp vụ xác định, đối tượng đang ở trong nhà nghỉ. Khi đội đặc nhiệm ập vào thì “con tin” đang thoải mái nằm xem tivi và nhắn tin điện thoại.
Hỏi nguyên nhân vì sao chị ta lại tự báo tin cho chồng là mình bị bắt cóc thì nhận được câu trả lời rất hồn nhiên: “Em muốn chồng chú ý tới mình hơn. Em là vợ hai của anh ấy nhưng thời gian này em thấy anh ấy có nhiều biểu hiện muốn quay về với vợ cũ. Làm như vậy để em thử lòng chồng em thôi. Em mong các anh tha lỗi”. Trung tá Hải hóm hỉnh bảo: “Đấy, em thấy không, chỉ vì thiên hạ muốn “thử lòng” nhau mà bọn anh đã đi tong cả ngày cuối tuần bên gia đình, vợ con như vậy đấy”.
Chiếc xe Civic bỏ lại ven đường trong vụ án do Đại tá Võ Hồng Phương và đồng đội điều tra. |
Lần khác, đội của anh cũng nhận được một đơn trình báo của một ông bố nói con mình bị bắt cóc tống tiền. Lực lượng được huy động, các phương án được đưa ra để sẵn sàng cho việc giải cứu con tin được an toàn nhất. Kết quả, đến nơi, con tin đang nằm trong một phòng điều hòa mát lạnh, thỉnh thoảng lại kêu thất thanh một tiếng cho giống với việc bị đánh đập. Trong vụ báo bắt cóc giả này, mục đích của đối tượng là muốn người bố chuyển tiền cho mình để lấy tiền trang trải nợ game và lô đề... Dù rằng đó chỉ là những vụ bắt cóc giả nhưng cũng làm tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức của anh và đồng đội.
“Quân số 7 “thả” vào đâu cũng được việc”
“Đã thành truyền thống, ở ngôi nhà “số 7”, nhiệt huyết được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Để anh em mau trưởng thành về chuyên môn, lãnh đạo đơn vị thường xuyên triển khai kế hoạch “lính già” kèm cặp bồi dưỡng “lính trẻ”. Sẵn lòng nhiệt huyết lại tiếp thu nhanh khi được thế hệ đàn anh chỉ bảo dìu dắt, chẳng mấy mà lớp trẻ như chúng tôi đã đầy ắp kinh nghiệm phá án”, Trung tá Trần Văn Hải chia sẻ.
Nhiều khi các anh phải “bơi trong bể việc”, vậy mà ổn cả. Sức mạnh ấy được khởi phát từ sự khích lệ của Ban Giám đốc, sự chỉ đạo sắc sảo, rất nghề của các đồng chí lãnh đạo phòng. Nhưng hơn cả, đó là những đêm mưa, ngày nắng, chỉ huy và chiến sĩ sát cánh bên nhau cùng làm việc. Anh em đều hiểu hình sự đặc nhiệm là lĩnh vực đấu tranh “ốm” nhất, và không có bù đắp, cái có duy nhất để chia là những giây phút nguy hiểm và niềm vui phá án thành công. Vậy nên họ sẻ chia với nhau mọi điều, từ trận mạc đến cuộc sống.
“Đã là quân “số 7” thì “thả” vào đâu cũng làm được việc vì họ thích ứng rất nhanh. Rất nhiều chỉ huy các đơn vị công an của thành phố mong muốn lính “số 7” về đầu quân, chỉ bởi tính “thiện chiến” của họ. Sự chuyên nghiệp có được, là do ngày lại ngày được “rèn” trong môi trường ví như “lò lửa” trong cuộc chiến chống tội phạm”, Đại tá Võ Hồng Phương tự hào.Chẳng thế mà có một vị tướng công an đã từng nhận định: “Chỉ có quân “số 7” lên làm chỉ huy tại chỗ, mới có thể gánh “núi” việc nơi đây chạy “băng băng”.
Trong các đơn vị công an, hiếm có nơi nào mà các danh hiệu cao quý Nhà nước phong tặng, cờ thi đua, bằng khen, danh hiệu Quyết thắng... nhiều như ở nơi đây. Đơn vị sở hữu 3 danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, các đội nghiệp vụ như Điều tra Trọng án 1, Hình sự Đặc nhiệm cũng đã được dành riêng cho mình danh hiệu cao quý này. Còn các loại bằng khen, giấy khen của cán bộ chiến sĩ thì nhiều vô kể. Đại tá Võ Hồng Phương dí dỏm: “Có lẽ, gia sản lớn nhất “tích cóp” được của người lính hình sự khi hồi hưu hoặc chuyển công táclà một nhà chật kín bằng khen, giấy khen các loại”.
“Mặc dù đã luân chuyển công tác nhận nhiệm vụ mới, nhưng với tôi, những năm tháng sống và chiến đấu dưới mái nhà “số 7” Thiền Quang là những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ, được tôi luyện và trưởng thành, và dù có đi đến đâu, giữ cương vị công tác nào thì tôi cũng không bao giờ quên được những năm tháng đó”, Trung tá Trần Văn Hải tâm sự.
Đối với những chiến sĩ cảnh sát hình sự như Đại tá Phương, Trung tá Hải, thì “số 7” là ngôi nhà chung chứa đựng cả những chiến công, sự hy sinh thầm lặng và cả những kỷ niệm buồn vui, mà nếu ai đã phải đi xa ngôi nhà ấy, mỗi khi nhớ về nó đều không khỏi xao xuyến...