Hàng chục người vô cảm trơ mắt nhìn án mạng xảy ra trước mắt mình

(PLO) -“Nhà nghèo lắm. Con mất, tui không có tiền làm đám, phải đi vay tiền nóng của người ta. Giờ không có tiền trả, lãi mẹ đẻ lãi con. Ngày nào chủ nợ cũng tìm tới nhà, tui phải bỏ nhà ra ngoài trốn. Mình vừa mất con, lại còn mất thêm của, đau chồng thêm đau, sao chịu thấu”.
Thấy người lạ mặt mâu thuẫn với người làng mình, Bạc nổi máu “anh hùng rơm” đâm chết nạn nhân.
Thấy người lạ mặt mâu thuẫn với người làng mình, Bạc nổi máu “anh hùng rơm” đâm chết nạn nhân.

Mới sáng sớm, nhưng hội trường tầng 1 TAND tỉnh Thừa Thiên – Huế đã ken kín người đến dự phiên tòa xét xử vụ án “giết người”.

Bị cáo là Nguyễn Văn Bạc (SN 1993, ngụ tổ dân phố Tân Bình, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang). Bị hại trong vụ án là Nguyễn Văn Lọc (ngụ tổ dân phố Tân Mỹ, Thuận An), bị Bạc dùng kéo đâm chết.

Gia đình bị hại mặc đồ tang, đầu chít khăn trắng, ôm di ảnh của người đã khuất len qua đám đông. Người cha nét mặt khắc khổ, nhàu nhĩ. Người mẹ mặt mày thẫn thờ, ánh mắt đau đớn xen lẫn hoang mang.

Di ảnh người đã khuất được đặt trên bàn, đôi mắt người thanh niên trong ảnh như thể đang lướt qua cả khán phòng dò xét. Phiên tòa xét xử vụ án giết người mỗi lúc càng thêm nặng nề, ngột ngạt.

Không mâu thuẫn gì vẫn đâm người

Vị thư ký tòa nhờ cảnh vệ đến cạnh cha nạn nhân, bảo trong phòng xét xử, ông không được đặt di ảnh trên bàn, rồi khuyên ông mang ảnh con trai gửi ở căn phòng bên cạnh. Người đàn ông mặt đanh lại, choàng tay ôm di ảnh con trai vào lòng mình, lắc đầu dứt khoát trước lời gợi ý của cảnh vệ:

“Con tui hắn chết oan chết ức. Hắn cũng muốn biết phiên tòa này sẽ diễn ra thế nào. Tui đưa hắn đến đây để cùng theo dõi, thì có gì sai”, người đàn ông cất giọng trầm trầm, vài nếp nhăn trên mặt co lại theo cái cau mày đầy chua xót. Cứ thế, trong suốt phiên xử, ông ôm riết di ảnh con trai trong lòng, một phút không rời.

Tòa hỏi bị cáo: “Bị cáo có đồng ý với cáo trạng mà viện kiểm sát vừa công bố không?”. Bị cáo: “Dạ không”. “Không đồng ý chỗ nào?”. “Khi tôi đâm, không có ai ngăn cản cả. Tôi tự đi về nhà một mình”. Nghe đến đây, mẹ bị hại khóc nấc lên. Một người thân của bị hại giọng phẫn uất: “Cả làng cả xóm chặn thằng bé lại. Vậy mà khi nhìn thấy nó bị đâm cho đến chết, không ai thèm đứng ra ngăn cản. Nếu họ không máu lạnh thờ ơ, cháu tui đã không chết”.

Theo cáo trạng, tối 16/2/2016, một thanh niên tổ chức sinh nhật tại một quán ở thị trấn Thuận An. Bạn bè tham dự gồm Trần Văn Dũng, Dương Văn Tuân và một số người bạn khác ở cùng thôn.

Trong lúc ăn uống, Dũng và Tuân xảy ra mâu thuẫn, cãi vã nhau. Lúc này Nguyễn Nhớ (cũng trú tại Thuận An), đang ngồi ăn uống với bạn ở bàn bên cạnh, thấy hai người gây gổ nên đến can ngăn, liền bị Dũng mắng và dùng tay đánh.

Dũng và Nhớ sau đó kéo nhau ra trước quán đánh nhau, so tài cao thấp. Cả hai nhóm thanh niên đi theo thấy thế cũng kéo ra theo, xô đẩy đánh nhau. Phải đến khi công an thị trấn kịp thời đến can thiệp, cuộc “tranh hùng” mới giải tán.

Do vẫn còn tức tối việc bị đánh, khuya hôm đó, Nhớ rủ 8 người bạn của mình, trong đó có nạn nhân Nguyễn Văn Lọc đi tìm nhóm của Dũng để đánh. Cả nhóm mang theo hai cây kiếm tự chế, đùi gỗ, vỏ chai bia rồi kéo đến nhà Dũng ở thôn Tân Bình nhưng không gặp.

Trên đường đi tìm Dũng, Nhớ hô hào và cầm hung khí đập vỡ cửa kính nhà một người. Nghe tiếng đập phá, chủ nhà và hàng xóm chạy ra đường hô hào truy đuổi. Nhóm của Nhớ liền bỏ chạy. Lọc chạy sau cùng nên khi đến một ngã ba thì bị người dân chặn lại.

Lúc này, Nguyễn Văn Bạc đang ngồi uống bia với mấy người bạn trong nhà. Nghe bên ngoài ồn ào, có tiếng đánh nhau, nên Bạc vào chạn bếp lấy cây kéo rồi chạy ra ngã ba xóm. Thấy một thanh niên đứng khom lưng, hai tay ôm đầu (chính là Lọc), Bạc liền cầm kéo đâm liền bốn nhát vào lưng Lọc.

Một người dân thấy vậy liền can ngăn, kéo Bạc về nhà. Lọc sau đó được đưa đến phòng khám đa khoa Thuận An cấp cứu, nhưng đã chết trên đường đi. Giám định pháp y cho thấy nạn nhân bị đa chấn ở vùng ngực, lưng, thủng tổ chức phổi, đứt động mạch phổi gây mất máu dẫn đến tử vong.

Cả làng không thèm ngăn cản?

Tòa hỏi bị cáo: “Bị cáo có đồng ý với cáo trạng mà viện kiểm sát vừa công bố không?”. Bị cáo: “Dạ không”. “Không đồng ý chỗ nào?”. “Khi tôi đâm, không có ai ngăn cản cả. Tôi tự đi về nhà một mình”. Nghe đến đây, mẹ bị hại khóc nấc lên.

Một người thân của bị hại giọng phẫn uất: “Cả làng cả xóm chặn thằng bé lại. Vậy mà khi nhìn thấy nó bị đâm cho đến chết, không ai thèm đứng ra ngăn cản. Nếu họ không máu lạnh thờ ơ, cháu tui đã không chết”.

Bị cáo khai, chiều tối hôm đó, bị cáo cùng một số người bạn đi hát karaoke, hát xong thì đi ăn khuya, sau đó kéo về nhà bị cáo mua 10 chai bia uống tiếp.

Lúc đó nghe có tiếng la ngoài xóm, nói có một nhóm thanh niên phá làng phá xóm. Lát sau nghe có người nói nhà cậu bị cáo bị đập phá, nên bị cáo mới cầm cây kéo chạy ra. 

Tòa hỏi bị cáo: “Bị cáo có quen biết với nạn nhân không?”. 

“Dạ không”. 

“Bị cáo có mâu thuẫn với nạn nhân không?”. 

“Dạ không”. 

“Nhóm của anh Nhớ có phá nhà bị cáo không?”. 

“Dạ không”. 

“Bị cáo không quen biết, không mâu thuẫn, người ta không làm gì bị cáo, sao bị cáo lại đâm người ta đến chết? Đây rõ ràng là hành vi côn đồ, bị cáo rất coi thường pháp luật”. 

“Tại bị cáo nghe nói những người này phá nhà cậu bị cáo nên…”. 

Vị chủ tọa nghiêm khắc: “Bị cáo chỉ mới nghe nói. Bị cáo không thấy ai phá nhà. Nhưng bị cáo đã chạy ra hung hãn đâm người ta cho đến chết”.

Luật sư được tòa chỉ định bào chữa cho bị cáo cho rằng, cần xem xét tính nhân quả trong hành vi của bị cáo, vì nhà bị đập phá là của cậu bị cáo. Bị cáo chạy ra, cầm theo cây kéo mục đích chỉ để tự vệ. 

Đối đáp lại luật sư, viện kiểm sát cho rằng không có tính nhân quả, hay tự vệ trong hành vi của bị cáo. Trong phiên tòa đã làm rõ bị cáo không quen biết bị hại, không mâu thuẫn với bị hại. Bị cáo không biết ai phá nhà và không phá nhà bị cáo.

Bị cáo chạy ra đâm liên tục 4 nhát, chỉ đến khi bị cáo đâm vào tay mình, làm mình bị thương mới dừng lại. Đây là hành vi hung hãn, côn đồ, coi thường pháp luật, cần phải xử lý nghiêm để răn đe.

Gia đình nạn nhân: Khổ chồng khổ

Được tòa hỏi ý kiến, cha bị cáo giọng rầu rĩ. Sau khi con mất, ông phải vay mượn khắp nơi để làm đám tang, rồi mua đất, xây lăng đắp mộ cho con, hết 82 triệu đồng.

Gia đình bị cáo bồi thường 38 triệu đồng. Số tiền 44 triệu đồng còn lại, ông muốn gia đình bị cáo bồi thường tiếp, để gia đình ông có tiền trả nợ cho người ta. 

“Con mất, gia đình lâm cảnh nợ nần chồng chất. Ngày nào chủ nợ cũng tới tìm, nhưng tui mô có tiền trả. Cứ trơ mặt ra khất nợ mãi cũng kỳ, tui phải bỏ nhà đi trốn, lúc ở chỗ ni, lúc ở chỗ khác, có nhà mà không dám về”.

Mẹ bị cáo thì bảo, nhà bà cũng khổ, số tiền bồi thường, bà phải đi vay nóng, đến nay cũng chưa trả hết nợ, nên mỗi tháng, bà phải è lưng ra trả 1,5 triệu đồng tiền lãi. “Tui cũng biết nhà bị hại khổ. Nhưng số tiền bồi thường còn lại, xin cho tui trả dần dần”.

Bà kể, chồng mất sớm, một mình bà cơ cực làm thuê làm mướn nuôi 5 đứa con. Bà làm thuê cho mấy vựa cá trong vùng. Bị cáo Bạc làm nghề đánh cá, kiếm tiền phụ mẹ lo cho gia đình. Từ ngày con trai bị bắt, lại thêm cá biển chẳng ai ăn, công việc làm thuê của bà càng ít, tiền kiếm được chẳng mấy đồng.

“Mỗi lần tui lên trại thăm con, hắn cứ khóc, bảo tui vay mượn tiền để bồi thường cho người ta. Hắn hứa sẽ cố gắng cải tạo tốt, rồi sớm trở về, lo làm lụng kiếm tiền trả nợ. Nhưng họ hàng, làng xóm, ai cũng nghèo, có tiền đâu mà mượn”, người phụ nữ thở dài. Dáng vẻ bà nhàu nhĩ, phờ phạc chẳng kém gì bố mẹ bị hại.

Được nói lời sau cùng, Bạc quay lại xin lỗi gia đình bị hại: “Bị cáo vô cùng hối hận vì đã gây ra nỗi đau cho gia đình bị hại. Mong gia đình bị hại tha thứ cho bị cáo. Bị cáo cũng xin lỗi mẹ. Bị cáo xin HĐXX giảm nhẹ mức án, để sớm trở về với gia đình. 

Sau khi nghị án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Bạc 15 năm tù về tội giết người và phải bồi thường 82 triệu đồng. Nhiều người dự khán bảo “giết người mà chịu mức án “rẻ” quá. Hèn gì tụi thanh niên hở chút là đánh nhau, đâm chém”. 

Mẹ bị cáo thì bần thần, ngồi bất động trong phòng xử án, có lẽ bà đang hoang mang khi nghĩ đến 15 năm đằng đẵng con trai phải ở chốn lao tù. Đến lúc bà choàng tỉnh, lỉnh kỉnh xách giỏ thức ăn chạy ra, thì chiếc xe tù bít bùng đã nổ máy lao ra khỏi cổng tòa. Bà ngồi gục bên giỏ thức ăn, nức nở khóc.

Phía bên kia sân tòa, gia đình nạn nhân rầu rĩ rời đi. Người cha bảo ông sẽ không kháng cáo đòi tăng nặng hình phạt. “Con trai tui chết rồi. Hung thủ bị bao nhiêu năm tù thì hắn cũng không thể sống lại được. Chỉ mong gia đình bị cáo bồi thường cho tui trả nợ, để gia đình tui không phải sống chui sống lủi như thời gian qua”.

Ông bảo, chiều hôm trước phiên tòa, ông ra mộ thắp nhang cho con. Giờ phiên tòa xử xong, ông cũng sẽ ra mộ, báo cho con biết mức án mà tòa đã tuyên cho kẻ gây ra cái chết của con mình. Ông mong con ông sẽ được yên nghỉ ở bên kia thế giới.

Trời làm giông sớm, mới xế trưa mà mây đen đã giăng kín bầu trời. Làn gió lào xào thổi qua, cuốn bay mấy ngọn lá bàng nằm rầu rĩ nơi khoảng sân vắng. Dưới gốc cây, chỉ còn trơ lại mình mẹ bị cáo ngồi bần thần chưa chịu rời đi.  

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, cần xem xét tính nhân quả trong hành vi của bị cáo, vì nhà bị đập phá là của cậu bị cáo. Bị cáo chạy ra, cầm theo cây kéo mục đích chỉ để tự vệ. 

Đối đáp lại luật sư, viện kiểm sát cho rằng không có tính nhân quả, hay tự vệ trong hành vi của bị cáo. Trong phiên tòa đã làm rõ bị cáo không quen biết bị hại, không mâu thuẫn với bị hại. Bị cáo không biết ai phá nhà và không phá nhà bị cáo.

Bị cáo chạy ra đâm liên tục 4 nhát, chỉ đến khi bị cáo đâm vào tay mình, làm mình bị thương mới dừng lại. Đây là hành vi hung hãn, côn đồ, coi thường pháp luật, cần phải xử lý nghiêm để răn đe.

Đọc thêm