Chiêu trò thoát “ải quá cân”
Chuyện một hành khách mang hành lý xách tay quá quy định, phải cân và đóng thêm tiền tại cửa ra tàu bay, tưởng như chẳng có gì to tát, bỗng nhiên lại ồn ào khi người này lên mạng kêu gọi kêu gọi sự thương cảm. Sau những chia sẻ đầy cảm tính ban đầu, gần đây, nhiều người phê phán thói khôn lỏi, gian lận của một bộ phận khách hàng không. Tài khoản L.H.N viết trên facabook: “Nhiều người làm ăn bố láo, khôn lỏi, khi bị vạch mặt thì lại chửi đổng, tìm sự cảm thông cho thói gian lận của mình”.
Một nhân viên đại lý bán vé máy bay bức xúc: “Các hãng giá rẻ luôn tách biệt phí hành lý riêng để khách hàng linh động chọn lựa, chỉ phải trả tiền cho các dịch vụ mà mình cần. Chúng tôi thường hỏi khách có mua thêm hành lý ký gửi không vì mua sớm sẽ được giá rẻ. Gói 15 - 20 kg hành lý ký gửi khoảng 150.000 – 200.000 đồng. Trong khi đó, quá cân tại sân bay có thể bị phạt 500.000 đồng/kg. Vậy mà nhiều người vẫn gian lận cân hành lý khiến nhân viên mặt đất rất mệt mỏi và thậm chị bị chửi dù làm đúng quy định”.
Chưa dừng ở đó, trên một số trang web về du lịch, một số blogger còn hướng dẫn khách đi máy bay những chiêu thức gian lận quá cân hành lý xách tay: nhờ người khác cầm hộ hành lý quá cân; không đứng đầu hoặc cuối khi xếp hàng ra tàu bay, không gây chú ý; sử dụng va li tối màu, va li có bánh xe; hành lý xách nặng khi đi qua nhân viên mặt đất nhất định phải tỏ ra là nhẹ...
Một số khách có ‘kinh nghiệm’ gian lận quá cân thì khi vào phòng chờ ra máy bay mới mua thêm đồ lưu niệm, hàng miễn thuế rồi lấy lý do mệt, yếu hoặc đau tay nhờ người không mang hành lý xách tay mang hộ qua quầy kiểm tra. Không chỉ truyền đạt kinh nghiệm trốn cân, một số người còn bày cách trốn vé như mượn giấy khai sinh của trẻ cùng họ cho con mình (trên 2 tuổi, tuổi phải nộp tiền mua vé máy bay).
Nếu hãng hàng không và công ty dịch vụ mặt đất bố trí đủ nhân sự và thiết bị giám sát, sẽ không khó để phát hiện gian lận quá cân, như khách đợi làm thủ tục xong mới bỏ thêm hành lý quá cân vào túi hoặc mang theo túi ni lông để chia nhỏ hành lý, thậm chí là buộc cả túi ni lông vào quai của vali, ba lô để xem như đây chỉ là 1 kiện hàng.
Trong chuyến bay từ TP HCM đi Hà Nội hồi cuối tháng 8, một nữ hành khách mang ba lô đúng trọng lượng cho phép và xách thêm túi đựng 5kg xoài. Sau khi nhờ hành khách khác mang hộ 5kg xoài không được, nữ hành khách này quay sang “cù nhầy”.
“Khách nói rằng khi làm thủ tục tại quầy, nhân viên đã đồng ý cho qua mà lên tàu bay lại bị giữ lại. Vị khách nữ đã lớn tiếng làm náo loạn phòng chờ và cho rằng nhân viên hàng không lừa đảo. Cuối cùng, chuyến bay bị chậm 30 phút vì 5kg xoài quá cân”, chị Thu Thảo, một khách hàng không tham gia chuyến bay đó kể.
Hành khách đang phải dỡ hành lý ra vì quá cân tại sân bay. Ảnh Janet Kaminsky |
“Du di” chỉ lợi cá nhân, hại tập thể
Các tính toán cho thấy nếu du di cho hành khách mang thêm từ 3 - 5 kg hành lý, một chuyến bay khoảng 230 khách sẽ tăng thêm hơn 1 tấn trọng lượng. Cứ như vậy sẽ tạo ra tiền lệ xấu, gây khó khăn cho nhân viên mặt đất, ảnh hưởng đến kế hoạch bay, đặc biệt là ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn bay.
Để giảm thiểu tình trạng hành khách đưa hành lý xách tay quá cân lên tàu bay, nhiều hãng hàng không thế giới đã có những quy định nghiêm ngặt.
Ryan Air, hãng hàng không giá rẻ lớn nhất nước Anh, chỉ cho phép hành khách mang một kiện hàng nhẹ, kích thước 55cmx40cmx20cm, vừa đủ để bỏ vào không gian dưới ghế phía trước. Với những kiện hành lý vượt quá kích thước quy định, hành khách phải đóng thêm phụ phí và phải chuyển hành lý vào khoang tập trung hành lý phát sinh. Vì thế, không ít hành khách có hành lý không đúng quy định của hãng này đã phải đóng thêm 55 bảng Anh (khoảng 1,55 triệu đồng) ở cửa ra tàu bay.
Hãng Wizz Air cũng chỉ cho phép mang một kiện hành lý 40cmx30cmx20cm lên máy bay. Hành lý vượt quá kích thước ở mức thấp nhất cũng sẽ phải trả thêm 9 bảng (khoảng 250.000 đồng). Nếu khách hàng mua gói hành lý ưu tiên khi đặt vé, Wizz Air cho phép mang hai kiện, 40cmx30cmx20cm và 55cmx40cmx23cm.
Hãng EasyJet cũng chỉ cho phép mang một kiện hành lý nhẹ cân lên khoang, kích thước chuẩn là 56cmx45cmx25cm. Các kiện hành lý vượt quá kích cỡ sẽ phải đóng 40 bảng (khoảng 1,1 triệu đồng) nếu phát hiện ở quầy làm thủ tục và 50 bảng (khoảng 1,4 triệu đồng) nếu bị phát hiện ở cửa ra máy bay.
Tuy các hãng hàng không đã tính toán khoa học và công bố rõ ràng quy định về hành lý nhưng nhiều người vẫn gian lận khiến hãng hàng không phải bố trí thêm nhân lực, phương tiện kiểm tra, kiểm soát.
Dỡ tung hành lý để đóng lại vì quá cân tại quầy làm thủ tục. Ảnh Maryjo Matz Brestowski |
Giới chuyên gia hàng không có chung nhận định: Hãng hàng không không đặt vấn đề tăng doanh thu lợi nhuận từ quá cân. Nhưng các hãng phải làm nghiêm để tránh tình trạng bất công với những hành khách khác, tránh nguy cơ đe dọa an toàn bay và đặc biệt là để duy trì văn minh hàng không.
Đó là chưa kể thực trạng một bộ phận người Việt hay gian lận cân hành lý, bay ở nước ngoài bị hãng hàng không quốc tế phát hiện và ‘soi’ rất kỹ, ảnh hưởng đến khách hàng không nói chung và đặc biệt là làm xấu quốc thể. Vì vậy, gần đây, hãng hàng không trong nước không cho phép du di quá cân hành lý.
Trước việc không ít người cổ súy cho thói khôn lỏi, gian lận quá cân, gần đây, nhiều người có ảnh hưởng trong xã hội (như nhà báo Nguyễn Như Phong, Phạm Gia Hiền, luật sư Nguyễn Khánh…) đã đăng đàn trên báo chí và mạng xã hội phản đối hành vi cổ súy gian lận. Đồng thời, họ đề nghị các hãng phạt và xử lý nghiêm những người gian lận, làm xấu hình ảnh khách hàng không và người Việt Nam.