Hàng hóa ùn ứ ở cửa khẩu rất lớn

(PLVN) - Thời gian gần đây, số lượng xe hàng tại các cửa khẩu (CK) ở Lạng Sơn tồn khá lớn, lên tới cả nghìn xe nông sản chờ xuất. Ở CK biên giới phía Tây Nam cũng bắt đầu ùn ứ do quá trình kiểm soát dịch bệnh… 
Thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu giáp biên Trung Quốc diễn ra bình thường nhưng tốc độ chậm
Thông quan hàng hoá tại các cửa khẩu giáp biên Trung Quốc diễn ra bình thường nhưng tốc độ chậm

Mỗi ngày tồn cả nghìn xe 

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, tình hình tồn xe hàng chờ xuất vẫn đang diễn biến khá nóng ở CK Lạng Sơn và Quảng Ninh. Số lượng tồn mỗi ngày lên đến cả nghìn xe dù số lượng xuất đi cũng bắt đầu tăng lên.

Điển hình, ngày 22/3, CKTân Thanh - Lạng Sơn xuất 179 xe nông sản, hoa quả (dưa hấu, xoài, thanh long, mít, chuối, chôm chôm, lạc nhân, tinh bột sắn, cây mây khô, giấy… tồn 968 xe nông sản, hoa quả đang chờ làm thủ tục xuất khẩu.

Tại CK quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh) xuất khẩu 16 xe, tồn 306 xe, trong đó 264 xe hàng thực phẩm đông lạnh và 42 xe hàng khô các loại. Ở CK Quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) cũng tồn nhiều xe hàng do người vào Việt Nam phải cách ly 14 ngày nên tài xế không chở hàng đi. Tình trạng tồn xe do đối tác không có xe nhận hàng cũng đã xuất hiện ở nhiều CK khác của biên giới Tây Nam. 

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, tại các địa phương có lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) lớn như Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai, UBND các tỉnh đã sớm thiết lập quy trình “vùng đệm” để lái xe Việt Nam không phải tiến hành cách ly sau khi đã giao hàng. Việc chở hàng qua biên giới sẽ do Ban Quản lý (BQL) CK bố trí đi giao hàng cho người nhận Trung Quốc. Lái xe và người bốc xếp của BQL CK ở lại trong vùng đệm, không vào nội địa. 

Tuy nhiên, năng lực thông quan tại các CK vẫn còn hạn chế. Ví dụ, tại CK Tân Thanh, trung bình mỗi ngày chỉ xuất khẩu được từ 130-150 xe, trong đó sang tải hàng hóa chỉ đạt 50%, số còn lại phải tồn lại tại khu vực CK biên giới phía Pò Chài - Trung Quốc. Nhân lực tham gia vào quá trình XNK, vận chuyển, giao nhận, bốc xếp, sang tải hàng hóa tại khu vực CK của cả phía Việt Nam và phía Trung Quốc vẫn còn thiếu. 

Không chỉ ở CK biên giới phía Bắc, tình trạng thiếu người bốc xếp, tồn xe cũng đã xảy ra ở CK biên giới Tây Nam. Đại diện Bộ Công Thương nhận định, hàng hóa có thể được làm thủ tục thông quan XNK nhưng tiến độ sẽ chậm hơn nhiều so với thời gian trước do bắt buộc phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt chậm khi hiện nay phía Trung Quốc đang tăng cường công tác kiểm soát đối với người và phương tiện vận tải của Việt Nam khi diễn biến tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn phức tạp hơn. 

Lào và Campuchia cũng đã bắt áp dụng các biện pháp chặt chẽ hơn tại CK biên giới đất liền, hạn chế và thậm chí ngừng hẳn việc cho phép công dân qua lại biên giới. Từ đây, đã bắt đầu phát sinh hiện tượng ùn tắc hàng hóa XNK tại một số CK ở các tỉnh giáp biên giới với Lào và Campuchia.

Năng lực thông quan tăng nhưng xe hàng vẫn ùn

Đầu tuần, tình trạng ùn ứ vẫn đang xảy ra khá nóng ở Lạng Sơn, đặc biệt là CK Tân Thanh với trung bình 700-800 xe nông sản chờ xuất mỗi ngày. Ông Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành điện đàm với chính quyền tỉnh Quảng Tây để 2 bên có thể sớm triển khai kịp thời các giải pháp khôi phục lại hoạt động XNK.

Tại cuộc điện đàm, ông Trưởng đã đề xuất cho xe không hàng của Trung Quốc sang bến bãi của Việt Nam để bốc xếp hàng hóa, cho phép hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam xuất khẩu qua CK đường sắt liên vận quốc tế Đồng Đăng - Bằng Tường; Thành lập đội bốc xếp lao động của Việt Nam sang Pò Chài - Trung Quốc bốc xếp, sang tải hàng hóa.

Thông tin về kết quả điện đàm, đại diện BQL Khu kinh tế (KKT) CK Đồng Đăng Lạng Sơn cho biết, 2 bên cùng thống nhất tạm thời mở lại tuyến đường XNK hàng hóa qua đường hầm Tả Phụ (thuộc CK quốc tế Hữu Nghị), nâng cao năng lực thông quan lên 20%. 

Chia sẻ thêm với Báo PLVN, đại diện BQL KKT CK Đồng Đăng- Lạng Sơn cho biết, BQL giữa 2 tỉnh giáp biên thường trao đổi thông tin bằng thư và gặp gỡ trực tiếp ở đường biên giới. Còn tại CK Hữu Nghị, Tân Thanh, đều có cán bộ quản lý ở 2 CK này trao đổi trực tiếp hàng ngày với phía bạn, vào 4h chiều tại CK.

Kết quả của việc trao đổi cũng khá tốt khi 2 bên cùng thống nhất mở rộng các bến bãi, phân luồng hàng hóa, bố trí cán bộ, tăng thời gian làm việc, đơn giản các thủ tục thông quan, chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền 2 bên cùng tiếp tục trao đổi, hội đàm các biện pháp để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong XNK hàng hóa.

Đại diện KKT CK Lạng Sơn khẳng định, hiện nay, năng lực thông quan ở 2 CK Hữu Nghị và Tân Thanh đã được tăng lên sau nhiều cuộc làm việc giữa 2 bên như CK Hữu Nghị đã thông quan được 600-700 lượt xe/ngày; CK Tân Thanh khoảng 200-300 xe mỗi ngày. Thời gian làm việc cũng khôi phục được như những ngày chưa có dịch (có thể kết thúc công việc vào 7h tối, tùy thuộc vào số lượng xe hàng chờ thông quan).