Hàng loạt cán bộ Quỹ tín dụng hầu tòa

(PLO) - Lợi dụng danh nghĩa Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân xã Phùng Xá, Phạm Đình Phúc đã bàn bạc, chỉ đạo Ban Giám đốc và các cán bộ dưới quyền lập khống 18 hồ sơ vay vốn mang tên những người thân quen của Phúc để rút hơn 9 tỷ phục vụ cho nhu cầu bản thân. 
Các bị cáo nguyên là cán bộ Quỹ TDND Phùng Xá hầu tòa
Các bị cáo nguyên là cán bộ Quỹ TDND Phùng Xá hầu tòa

Sáng qua (14/3), TAND thành phố Hà Nội đã đưa Phạm Đình Phúc (SN 1953, trú tại Mỹ Đức, Hà Nội, nguyên Chủ tịch HĐQT Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Phùng Xá cùng các đồng phạm ra xét xử về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Tuy nhiên, do có 1 bị cáo đang phải trị bệnh, vắng mặt tại phiên tòa nên HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa.

Theo Cáo trạng, Quỹ TDND Phùng Xá đặt trụ sở tại thôn Thượng, xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, có nguồn vốn hoạt động được hình thành từ các khoản vốn chủ sở hữu, vốn huy động tiền gửi từ dân cư, vốn vay các tổ chức tín dụng khác, không có vốn Nhà nước cấp hoặc tham gia hoạt động.

Lợi dụng danh nghĩa là Chủ tịch HĐQT Quỹ TDND Phùng Xá, Phạm Đình Phúc đã bàn bạc, chỉ đạo với Ban Giám đốc và các cán bộ dưới quyền thuộc các bộ phận có liên quan của Quỹ thực hiện việc lập khống 18 hồ sơ vay vốn mang tên những người thân, quen của Phúc. Từ tháng 5/2013 đến tháng 4/2014, Phạm Đình Phúc đã rút tổng số tiền là 9.116.000.000 đồng của Quỹ ra sử dụng cho bản thân, đến nay vẫn chưa thu hồi được.

Trong tổng số 18 hồ sơ vay vốn khống, có 15 hồ sơ do Phúc trực tiếp ký giả tên của người vay, còn 3 hồ sơ mang tên Phạm Đình Hán, Phạm Đình Kiên, Phạm Đình Yên được Phúc nhờ chính những người này ký. Phúc là người đã trực tiếp chỉ đạo việc lập hồ sơ vay vốn khống và sau đó chiếm hưởng toàn bộ số tiền hơn 9 tỷ đồng.

Nguyễn Huy Du (SN 1972, trú Mỹ Đức, Hà Nội, nguyên Giám đốc Quỹ TDND Phùng Xá) là người điều hành và chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh hàng ngày của Quỹ. Khi được Phạm Đình Phúc bàn bạc và chỉ đạo về việc lập khống hồ sơ vay vốn để Phúc rút tiền sử dụng cho cá nhân, Du đã đồng ý và ký phê duyệt 18 hồ sơ vay vốn khống không có tài sản đảm bảo tạo điều kiện cho Phúc rút và chiếm đoạt tiền. 

Còn Phạm Đình Sơn (SN 1967, trú Mỹ Đức, Hà Nội, nguyên Phó Giám đốc Quỹ TDND Phùng Xá) là người được giao phụ trách bộ phận tín dụng, có nhiệm vụ kiểm tra, xem xét các thủ tục giấy tờ khi cho vay và thu hồi nợ… Khi được Phúc chỉ đạo lập khống 18 hồ sơ, mặc dù toàn bộ các khoản vay trên không thuộc thẩm quyền phán quyết của Sơn nhưng khi được Nguyễn Khả Tiến (cán bộ tín dụng dưới quyền báo cáo) thì Sơn vẫn đồng ý cho làm thủ tục. Trong 18 hồ sơ vay vốn, Sơn ký trực tiếp trên Hợp đồng thế chấp tài sản trong hồ sơ vay vốn của khách hàng Bùi Đình Khoa (khoản vay 450 triệu đồng).

Tiếp tay cho hành vi của Phạm Đình Phúc còn có Phan Văn Tuấn (SN 1982, trú Mỹ Đức, Hà Nội, nguyên Kế toán trưởng Quỹ TDND Phùng Xá. Tuấn được cho là có hành vi xác nhận 16/18 giấy nhận nợ của khách hàng, 16 phiếu chi tiền với tổng số tiền vay là 7.926.000.000 đồng. Còn Nguyễn Khả Tiến (SN 1982, trú Mỹ Đức, Hà Nội, nguyên cán bộ tín dụng của Quỹ) đã lập khống và ký xác nhận cán bộ tín dụng trên 13 hồ sơ vay vốn, còn lại 5 hồ sơ do Phúc kê khai nội dung sau đó đưa cho Tiến ký tên cán bộ tín dụng trên các tài liệu trong hồ sơ cho vay.

Do nể nang Phúc, Hoàng Đức Tuấn (SN 1981, trú Mỹ Đức, Hà Nội), nguyên Kế toán trưởng (thay thế Phan Văn Tuấn) cũng đã ký xác nhận trên 16/18 báo cáo thẩm định tài sản đảm bảo tiền vay của 16 khách hàng với tổng số tiền là 7.996.000.000 đồng, ký xác nhận trên 2 giấy nhận nợ với tổng số tiền vay là 1.120.000.000 đồng.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, mặc dù biết các cán bộ Quỹ lập khống 18 hồ sơ tín dụng nhưng khi chuyển hồ sơ sang bộ phận Kế toán để làm thủ tục giải ngân cho vay thì Đoàn Kim Hân (SN 1968, trú Mỹ Đức, Hà Nội), nguyên Phó Giám đốc phụ trách kế toán và Đỗ Hữu Quang (SN 1959, trú Mỹ Đức, Hà Nội), Trưởng ban Kiểm soát Quỹ TDND Phùng Xá đã không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, không ngăn cản sai phạm trên mà bỏ mặc nên dẫn đến việc Phúc chiếm đoạt số tiền hơn 9 tỷ.

Ngoài ra, tài liệu điều tra cũng cho thấy, trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2014, do việc thu hồi vốn vay trong nhân dân gặp khó khăn, để có tiền trả nợ cho các khoản đã vay của Quỹ TDND Trung ương – Chi nhánh Hà Tây (nay là Ngân hàng Hợp tác xã - Chi nhánh Hà Tây) thì Phạm Đình Phúc và Nguyễn Huy Duy còn có hành vi chỉ đạo các cán bộ của Quỹ vay nóng tiền của các cá nhân bên ngoài, do phải trả lãi suất chênh lệch cao từ số tiền vay nóng nên đã gây thất thoát cho Quỹ số tiền là 7.709.650.000 đồng.

Để hợp thức số tiền này, Phạm Đình Phúc và Nguyễn Huy Du đã chỉ đạo các cán bộ của Quỹ lập khống 29 hồ sơ vay vốn của các khách hàng. Việc làm này là trái với Quy chế hoạt động của Quỹ, Luật Tổ chức tín dụng năm 2010, Thông tư số 01/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giao nhận, bảo quản vận chuyển tiền mặt.

Đọc thêm