Hàng loạt nhà thuốc “quên” giấy phép
Tên biển hiệu của cơ sở kinh doanh thuốc phải tuân thủ theo Khoản 1 Điều 34 Luật Quảng cáo 2012, biển hiệu phải có các nội dung sau: tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; địa chỉ, điện thoại.
Nhưng tại khu vực đường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, rất nhiều cơ sở kinh doanh thuốc treo biển quảng cáo rầm rộ lại “quên” phần giấy phép kinh doanh. Điều này khiến nhiều người hoài nghi về tính pháp lý của các quầy thuốc.
Trao đổi với phóng viên, chị Nguyễn Thị Hoa, người dân khu vực đường Mỹ Đình chia sẻ: “Dọc tuyến đường này có rất nhiều hiệu thuốc tây và có nhiều biển để trống giấy phép kinh doanh. Chúng tôi mua thuốc cũng thi thoảng thắc mắc nhưng chủ tiệm bảo in biển trước thành ra không treo giấy phép lên”.
Chị Đặng Thị Thêm sống tại Nam Từ Liêm cho biết, tại ngõ 322 đường Mỹ Đình rất nhiều hiệu thuốc không thấy có giấy phép, có hiệu thuốc kinh doanh nhiều năm cũng không thấy. Nhiều lần chị Thêm thắc mắc tại sao họ không treo giấy phép nhưng họ bán lâu rồi nên nghĩ không sao.
Theo ghi nhận của phóng viên, phản ánh của người dân là có cơ sở. Tại khu vực ngõ 322 đường Mỹ Đình có khoảng 10 cơ sở kinh doanh thuốc tây. Hầu hết đều có biển quảng cáo tấm lớn, nhưng có khoảng 6 cơ sở không công khai giấy phép kinh doanh, các cơ sở này có diện tích cũng chỉ từ 15 đến 30m2 theo kiểu hộ gia đình, sử dụng luôn phần mặt tiền trong nhà ở để kinh doanh.
Cơ quan chức năng gặp khó?
Để có thông tin cụ thể về giấy tờ pháp lý, hoạt động kinh doanh của các hiệu thuốc không công khai giấy phép trên biển hiệu nói trên, phóng viên đã liên hệ làm việc với Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng cho biết: “Tại quận Nam Từ Liêm, tính cả các cơ sở đang cấp phép mới và các cơ sở đang xin thủ tục đóng cửa hạ biển dao động khoảng 250 cơ sở. Các cơ sở kinh doanh thuốc chữa bệnh phải được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép mới được hoạt động.
Các cơ sở chưa được cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh thuốc và giấy đủ điều kiện GDP đều là những cơ sở không đủ điều kiện kinh doanh thuốc chữa bệnh, đều là các cơ sở hoạt động trái phép. Các cơ sở này nếu chúng tôi phát hiện sẽ xử lý, xử phạt vi phạm hành chính và phải đóng cửa dừng hoạt động ngay”.
Trong buổi làm việc, phóng viên cũng đã cung cấp tới cơ quan quản lý một số hiệu thuốc có dấu hiệu vi phạm. Sau quá trình xác minh kiểm tra, ngày 05/11/2020 Phòng Y tế quận Nam Từ Liêm gửi Công văn số 146/YT xác minh thông tin báo chí phản ánh. Theo đó, nội dung công văn xác nhận thực tế tại địa phương có tình trạng như phóng viên phản ánh.
Cũng theo công văn, Phòng Y tế đã phối hợp với UBND phường Mỹ Đình I rà soát, xác minh thông tin về 07 nhà thuốc do báo cung cấp hình ảnh. Kết quả cụ thể: đối với nhà thuốc Hoàng Nam - số 338 đường Mỹ Đình chưa có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phẩm do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật, đình chỉ hoạt động của cơ sở, đề nghị UBND quận ra quyết định xử lý phạt vi phạm hành chính, giao UBND phường Mỹ Đình I hạ biển hiệu và tiếp tục giám sát việc chấp hành của cơ sở.
“Với 06 nhà thuốc còn lại bao gồm: nhà thuốc Hà Trung, nhà thuốc Như Tâm số 18 - ngõ 322; nhà thuốc Như Tâm - số 85 ngõ 322 đường Mỹ Đình; nhà thuốc Dược Khoa: nhà thuốc Mai Hương; nhà thuốc Hồng Thắm đã được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, cơ sở có niêm yết giấy tờ pháp lý trong khuôn viên nhà thuốc.
Tuy nhiên sơ xuất của các nhà thuốc là chưa kịp thời dán số giấy phép trên biển hiệu, điều này dễ gây hiểu nhầm cho người dân là cơ sở chưa có giấy phép. Phòng Y tế đã yêu cầu các cơ sở trên niêm yết ngay số giấy phép lên biển hiệu theo đúng quy định; hiện các cơ sở đã nghiêm túc thực hiện”, theo nội dung Công văn số 146.
Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Anh Tuấn, về mức xử phạt theo Nghị định 176 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế thì đối với nhà thuốc hoạt động không phép mức phạt chỉ có 7,5 triệu. Ông Tuấn cho rằng đây là mức phạt tương đối thấp, chưa đủ sức răn đe và khiến cho cơ quan quản lí khó xử lí. Nhiều cơ sở sẵn sàng vi phạm lại.
Ông Tuấn cũng cho biết, đối với những cơ sở không phép khi bị xử phạt sẽ luôn kèm theo cưỡng chế, dỡ biển hiệu và đình chỉ dừng kinh doanh ngay. Tuy nhiên nếu cơ sở kinh doanh không phép này lại tái diễn hoạt động vi phạm thì mức phạt cũng chỉ là 7,5 triệu đồng kèm theo các hình thức cưỡng chế như lần 1, không đủ tính răn đe.
“Quầy thuốc” trên mạng thách thức cơ quan chức năng
Hiện nay, tình trạng mua bán thuốc qua mạng nở rộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cũng như gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Người dân chỉ cần ngồi nhà lên mạng là có thể mua thuốc hoặc đặt qua số điện thoại. Không khó để mua các loại thuốc kháng sinh, các loại biệt dược bắt buộc phải có đơn của bác sĩ.
Thậm chí nhiều chủ tài khoản đăng số điện thoại cho biết có thể bán sỉ và lẻ các loại kháng sinh không cần đơn của bác sĩ. Ngay cả ketamin - một loại chất gây mê cũng được quảng cáo bán rầm rộ trên mạng xã hội.
Theo tìm hiểu của PV, hiện chỉ có 4 hình thức kinh doanh thuốc bao gồm: quầy thuốc, nhà thuốc, trạm y tế xã, cửa hàng bán thuốc cổ truyền, dược liệu. Nhưng những hình thức kinh doanh thuốc lẻ qua mạng hay nhà thuốc không giấy phép đang là thực tế thách thức cơ quan chức năng.