Vậy, trong những trường hợp “quên” thi hành án hình sự như trên thì trách nhiệm của các cơ quan như thế nào? Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Huy Long (Giám đốc Công ty Luật Legal Gate Việt Nam) xung quanh vấn đề này.
Không phải thi hành án nữa
Theo xác định của cơ quan chức năng thì tại TP Đồng Xoài (Bình Phước) có trường hợp Lê Thanh Tâm (trú phường Tân Bình) bị kết án 3 năm tù về tội “Lạm dụng chiếm đoạt tài sản” từ năm 2011. Ngày 19/3/2012, TAND thị xã Đồng Xoài (nay là TP Đồng Xoài) ra quyết định thi hành án (THA) nhưng chưa thi hành.
Còn tại huyện Hớn Quản (Bình Phước) cũng có 2 trường hợp phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và tội “Cố ý gây thương tích”, đều bị kết án từ năm 2012 nhưng không THA, đến nay đã hết hiệu lực thi hành. Hay tại huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) có 3 trường hợp khác hết thời hiệu thi hành án do chưa ra quyết định THA và ủy thác THA đến nơi khác nhưng không gửi.
Luật sư Nguyễn Huy Long cho biết, về trình tự thủ tục việc thi hành án hình sự (THAHS), khoản 2, khoản 3 Điều 364 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã nêu rất rõ: “Thời hạn ra quyết định THA là 7 ngày kể từ ngày bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày nhận được bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm, quyết định tái thẩm. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được quyết định ủy thác thi hành của Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm thì Chánh án Tòa án được ủy thác phải ra quyết định THA”.
Theo quy định khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì thời hiệu THA sẽ tùy thuộc vào mức án như thế nào, ví dụ thời hiệu THA là 5 năm đối với các trường hợp xử phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc xử phạt tù từ 3 năm trở xuống; thời hiệu THA 10 năm đối với các trường hợp xử phạt tù từ trên 3 năm đến 15 năm…
Đối với những trường hợp “quên” THAHS tại Bình Phước, LS Long cho hay, hiện tại vẫn chưa có quy định về việc xem xét lại những bản án này như thế nào và người bị kết án có phải chấp hành bản án đã tuyên hay không nên cần giải quyết theo quy định trên và áp dụng theo hướng có lợi cho người bị kết án.
Theo đó, khi hết thời hiệu phải THA, nếu người phạm tội không thuộc các trường hợp như: Thực hiện tội phạm mới; cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã mới trong thời hạn THA… thì đương nhiên sẽ không phải chấp hành hình phạt.
Luật sư Nguyễn Huy Long |
Có thể bị xử lý hình sự lên tới 10 năm tù
Về trách nhiệm của những những bên liên quan, theo Luật sư Long, trách nhiệm sẽ thuộc vào 3 cơ quan khi có quyết định THA mà không thi hành gồm: TAND nơi có ra quyết định THAHS; Cơ quan THAHS; VKSND cùng cấp.
Luật sư Long cho biết cụ thể, sau khi có phán quyết của TAND thì trình tự, thủ tục thi hành quyết định THA phạt tù được pháp luật quy định cũng rất rõ tại Điều 23 Luật THAHS năm 2019 (Luật THAHS 2010 quy định tại Điều 22): “Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định THA, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan THAHS Công an cấp huyện hoặc cơ quan THAHS cấp quân khu được chỉ định trong quyết định THA; quá thời hạn này mà người đó không có mặt, Cảnh sát THAHS và hỗ trợ tư pháp hoặc vệ binh hỗ trợ tư pháp thực hiện áp giải THA.
Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh, cơ quan THAHS cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt; trường hợp người đó có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan THAHS Công an cấp huyện hoặc cơ quan THAHS cấp quân khu thực hiện trưng cầu giám định; trường hợp kết quả giám định xác định người đó mắc bệnh tâm thần, bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì cơ quan THAHS Công an cấp huyện, cơ quan THAHS cấp quân khu đề nghị Tòa án đã ra quyết định thi hành án quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh."
Luật sư Long cho biết, tùy theo việc người bị kết án được thông báo và nhận đủ giấy tờ về quyết định THA hay chưa, hoặc Cơ quan THAHS không THA, để xảy ra hậu quả là quá thời hạn THA thì tùy theo tính chất, mức độ nghiêm trọng của vụ việc, cá nhân có lỗi phải chịu xử lý về kỷ luật hành chính hoặc chịu truy tố theo tội không THA được quy định tại Điều 379 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo khung hình phạt này thì người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định THA hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong một số trường hợp khác như: Phạm tội 2 lần trở lên hoặc người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng… thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.
Thậm chí, trong trường hợp có hậu quả là người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Cũng theo Luật sư Long ở đây cũng có lỗi của VKSND. Bởi theo quy định tại Điều 167 Luật THAHS năm 2019 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát trong kiểm sát THAHS: “Yêu cầu Tòa án cùng cấp và cấp dưới ra quyết định THAHS đúng quy định của pháp luật; yêu cầu Tòa án, cơ quan THAHS, cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS tự kiểm tra việc THAHS và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến THAHS.
Trực tiếp kiểm sát việc THAHS của cơ quan THAHS cùng cấp và cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS; kiểm sát hồ sơ THAHS của cơ quan THAHS cùng cấp và cấp dưới, cơ quan được giao một số nhiệm vụ THAHS. VKSND cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù của trại giam đóng tại địa phương, địa bàn; kiểm sát việc thi hành án đối với pháp nhân thương mại."