Theo AFP, chợ Roxy nằm ở khu phố Adjame nhộn nhịp của thành phố Abidjan – thành phố lớn nhất và cũng là trung tâm thương mại của Bờ Biển Ngà. Khu chợ vốn được mệnh danh là thiên đường thuốc giả này từng nhiều lần trở thành mục tiêu đột kích của giới chức Bờ Biển Ngà. Những kho thuốc giả nhiều lần đã bị đốt sạch nhưng chỉ được một thời gian sau, mọi việc lại đâu trở về đó.
“Cảnh sát thường xuyên gây rắc rối cho chúng tôi nhưng chính bản thân họ cũng mua những loại thuốc này”, bà Mariam – một người bán thuốc ở chợ Roxy nói và cho biết bà và những người bán hàng thường tìm cách để dàn xếp với cảnh sát nhằm có thể tiếp tục việc buôn bán. Tại quầy thuốc ven đường của bà có bán đủ loại, từ thuốc giảm đau tới kháng sinh, thuốc chống sốt rét và các loại thuốc khác.
Một người bán thuốc rong khác tên Fatima thì cho biết nhiều người được bác sỹ kê đơn vẫn đến mua thuốc. Thậm chí cả những phòng khám tư cũng là khách hàng thân thiết của bà. Vẫn theo bà Fatima, có một nhóm kiểm soát hoạt động buôn bán thuốc giả ở chợ. Những người này vẫn thường tiến hành các cuộc họp mang tính chất định kỳ để định giá và mức độ cung cấp hàng ở chợ.
Theo Tổ chức y tế thế giới, thuốc giả là nguyên nhân dẫn tới khoảng 100.000 ca tử vong ở châu Phi mỗi năm. Còn theo ước tính được đưa ra tại Diễn đàn kinh tế thế giới, kinh doanh thuốc giả chiếm ít nhất 10% hoạt động kinh doanh dược phẩm trên toàn cầu, đồng nghĩa với việc những kẻ buôn bán thuốc giả kiếm được hàng chục tỉ USD mỗi năm. Diễn đàn kinh tế thế giới cũng cho rằng con số này đã tăng gần gấp 3 chỉ trong vòng 5 năm.
“Để bán thuốc giả, bạn cần có khách hàng. Trong khi đó, người nghèo ở châu Phi lại nhiều hơn ở bất cứ nơi nào trên thế giới”, ông Marc Gentilini – một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới, đồng thời là cựu chủ tịch Hội chữ thập đỏ Pháp, lý giải. Ông Gentilini dẫn chứng về việc một số loại vaccine viêm màng não được đưa tới Niger vài năm trước là giả mạo. Điều này là vô cùng nguy hiểm bởi viêm màng não là bệnh cướp đi tính mạng của hàng nghìn người dân ở đất nước tây Phi này mỗi năm.
Theo WHO, khoảng 1/10 thuốc trên thế giới là giả nhưng một số ước tính khác cho rằng con số này cao hơn nhiều. Tại một số nước, nhất là ở châu Phi, con số này có thể lên đến 7/10 loại thuốc. Hiệp hội y khoa Mỹ năm 2015 ước tính khoảng 122.000 trẻ em dưới 5 tuổi ở khu vực tiểu Sahara ở châu Phi tử vong vì uống phải thuốc chống sốt rét chất lượng kém. Ngoài ra, thuốc kháng sinh cũng là một trong các loại thuốc nhiều khả năng bị hết hạn hoặc bị làm giả nhất.
Trước thực trạng trên, Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế hồi tháng 8 năm ngoái đã thu giữ 420 tấn thuốc giả ở tây Phi trong một chiến dịch có sự tham gia của khoảng 1.000 cảnh sát, hải quan và cơ quan y tế của 7 nước: Benin, Burkina Faso, Ivory Coast, Mali, Niger, Nigeria và Togo. Theo ông Geoffroy Bessaud, người đứng đầu bộ phận chống thuốc giả ở công ty dược Sanofi của Pháp cho rằng thuốc giả là hoạt động kinh doanh bất hợp pháp có quy mô lớn nhất cả nước.
“Vấn nạn này lan rộng vì lợi nhuận lớn mà nó mang lại khi chỉ cần đầu tư 1.000 USD là đã có thể mang lại 500.000 USD trong khi đầu tư vào ma túy hay tiền giả mang lại khoản lợi nhuận khoảng 20.000 USD”, ông Bessaud nói.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thủ phạm trong hoạt động buôn bán thuốc giả lại không bị trừng phạt vì đã gây ra cái chết cho hàng trăm nghìn người mà chủ yếu chỉ bị xử lý về tội vi phạm bản quyền. Do đó, vấn nạn càng ngày càng gia tăng.