Hàng nghìn người mắc lao và nhiễm lao tiềm ẩn được phát hiện nhờ các chiến dịch sàng lọc trong cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 11 tháng triển khai, bắt đầu từ tháng 12/2020 - 11/2021, dự án USAID Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao đã triển khai nhiều chiến dịch cộng đồng, phát hiện được 1.750 người mắc lao và 669 người nhiễm lao tiềm ẩn tại 36 huyện của 7 tỉnh địa bàn dự án.
Hàng nghìn người đã được phát hiện mắc lao nhờ tham gia các chiến dịch sàng lọc cộng đồng. Ảnh: Ngọc Nga
Hàng nghìn người đã được phát hiện mắc lao nhờ tham gia các chiến dịch sàng lọc cộng đồng. Ảnh: Ngọc Nga

Dự án USAID Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức Family Health International (FHI 360 - Tổ chức Sức khỏe gia đình quốc tế) và Chương trình chống Lao Quốc gia đang triển khai hoạt động phát hiện, điều trị và dự phòng lao, hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Dự án trên được triển khai tại 7 địa phương trọng điểm của USAID với các sáng kiến và các mô hình tiếp cận mới, cùng mục tiêu tăng tỷ lệ phát hiện lao và lao tiềm ẩn; điều trị hơn 90% người phát hiện và đảm bảo điều trị thành công cho ít nhất 90% tổng số bệnh nhân lao.

Sau 11 tháng triển khai, dự án đã tiến hành sàng lọc lao áp dụng Chiến lược 2X cho các nhóm nguy cơ cao tại cơ sở y tế và cộng đồng bằng việc chụp X-quang ngực; nếu X-quang bất thường nghi lao sẽ được lấy mẫu làm xét nghiệm GeneXpert chẩn đoán lao. Đồng thời, dự án sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ đọc phim X-quang trong các chiến dịch cộng đồng giúp tăng hiệu suất phát hiện ca bệnh.

Người dân tại huyện Đông Hưng đăng ký tham gia sàng lọc lao tại cộng đồng. Ảnh: Ngọc Nga

Người dân tại huyện Đông Hưng đăng ký tham gia sàng lọc lao tại cộng đồng. Ảnh: Ngọc Nga

Với tỷ lệ phát hiện lao đạt 1.216/100.000 X-quang tại cộng đồng và cơ sở y tế. Thành công trên có được nhờ vào việc dự án đã thực hiện các mô hình linh hoạt khác nhau giúp tăng cường, hỗ trợ phát hiện ca lao và lao tiềm ẩn, đặc biệt trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đánh giá về ứng dụng AI trong khám và điều trị bệnh lao, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, hệ thống X-quang hỗ trợ chẩn đoán sàng lọc dựa trên công nghệ máy học là một hướng đi mới không chỉ tại Việt Nam mà còn cả trên thế giới.

Đối với lĩnh vực lao và bệnh phổi, hệ thống này sẽ hỗ trợ trong việc tìm hiểu, phân tích để đưa ra kế hoạch cải thiện chất lượng nghiên cứu, đào tạo, phục vụ người bệnh trong y tế nói chung và bệnh lao nói riêng, hỗ trợ trong việc giải quyết mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030.

“Tương tự như COVID-19, bệnh lao có khả năng lây nhiễm rất cao nên việc ứng dụng công nghệ AI vào chẩn đoán sớm, hỗ trợ trong việc khám và chữa bệnh sẽ giúp tăng khả năng điều trị cho bệnh nhân. Đây chính là tiền đề để thúc đẩy sự phát triển của công nghệ AI ứng dụng vào mọi ngành nghề trong cuộc sống,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung nhấn mạnh.

Người dân được tư vấn sau khi tham gia sàng lọc lao. Ảnh: Ngọc Nga

Người dân được tư vấn sau khi tham gia sàng lọc lao. Ảnh: Ngọc Nga

Dự án USAID Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao đã phối hợp phát hiện lao tại cơ sở y tế và cộng đồng, lồng ghép sàng lọc lao vào quy trình khám, chữa bệnh thường qui tại cơ sở y tế; kết hợp phát hiện lao hoạt động cùng với lao tiềm ẩn để giúp tối ưu hóa nguồn lực.

Trong quá trình triển khai, việc hỗ trợ kỹ thuật giữa các tuyến Trung ương (Chương trình chống Lao Quốc gia và dự án), tỉnh, huyện được thực hiện chặt chẽ; kết quả triển khai được rà soát, phân tích thường xuyên và điều chỉnh linh hoạt quy trình, hoạt động đã đảm bảo dự án được triển khai hiệu quả.

Thái Bình là 1 trong 7 tỉnh được triển khai các chiến dịch cộng đồng của dự án USAID Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao. Nhờ có những chiến dịch sàng lọc trong cộng đồng, người dân tại các huyện đã nâng cao hiểu biết về bệnh lao.

BS Nguyễn Duy Lập - Tổ trưởng tổ lao TTYT huyện Đông Hưng chia sẻ: “Thông qua chiến dịch, tôi nhận thấy người dân ở huyện tôi đã có thêm nhiều hiểu biết về bệnh lao. Trong quá trình khám sàng lọc bệnh, các cán bộ y tế của chúng tôi đã luôn tận dụng cơ hội để chuyển tải các thông điệp về bệnh lao đến người dân như các dấu hiệu triệu chứng nghi lao, đường lây truyền…Các thông điệp như “Nếu có bất kỳ triệu chứng lao nào, hãy đến cơ sở y tế để được khám sàng lọc phát hiện bệnh lao”, “bệnh Lao có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm”… luôn được nhấn mạnh. Các thông điệp này còn giúp cho người dân giảm kỳ thị đối với người bệnh lao”.

Đọc thêm