Hàng Tết có đủ phục vụ cho người dân Hà Nội?

(PLVN) - Chỉ còn chưa đầy ba tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên đán, không ít người tiêu dùng lại bắt đầu nỗi lo hàng Tết năm nay có đủ, giá cả có tăng? Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, giải đáp những băn khoăn này.
Nhiều hội chợ hàng Tết đang được tổ chức tại Hà Nội.
Nhiều hội chợ hàng Tết đang được tổ chức tại Hà Nội.

Người dân thỏa sức mua sắm

Với vai trò chủ trì, tham mưu TP trong công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của nhân dân dịp Tết, bà Lan cho biết từ tháng 6, Sở đã ban hành kế hoạch bình ổn thị trường. Với lượng hàng hóa gồm 7 mặt hàng thiết yếu: Gạo, thịt, hải sản, thực phẩm chế biến... cộng với những mặt hàng có nhu cầu cao như rượu, bia, nước giải khát, may mặc... tổng lượng hàng dự trữ được xác định cho nhu cầu Tết 2020 vào khoảng 31.200 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết 2019.

“Hiện trên địa bàn với 10,3 triệu dân, sức tiêu thụ rất lớn, trong khi nguồn cung của Hà Nội để đáp ứng còn hạn chế, như thủy hải sản chỉ chiếm 13% nhu cầu, thịt bò 11 - 12%, rau, củ, quả 65%, trái cây 35%. Các mặt hàng khác như thực phẩm chế biến khoảng 30%, còn lại Hà Nội phải nhập từ các tỉnh hoặc từ nước ngoài. Do đó, chúng tôi phải chủ động từ sớm, xác định từng sản phẩm theo nhu cầu người dân, nguồn cung tại chỗ là đáp ứng đến đâu, cần khai thác như thế nào và ở đâu”, bà Lan nói.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.
 Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội.

Theo bà Lan, năm nay thị trường có biến động lớn do dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn phải tiêu hủy chiếm 29 - 30%, sản lượng thịt lợn sụt giảm. Về nguồn cung trên địa bàn TP trong tháng Tết, nhu cầu dự kiến khoảng 22.300 tấn, nhưng TP chỉ đáp ứng được 14.550 tấn, còn lại nhập từ các tỉnh. 

378 tỷ quà Tết cho gần 860 ngàn người

Dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Hà Nội có kế hoạch thăm, tặng quà người có công, hộ nghèo, người cao tuổi, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên toàn thành phố. Số đối tượng được tặng quà dự kiến là 859.271 người, với tổng kinh phí hơn 378 tỷ đồng. 

Cụ thể, mỗi Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân... được nhận quà tặng 1 triệu đồng; con đẻ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp hằng tháng, đại diện gia tộc thờ cúng liệt sĩ... nhận mức quà tặng 500.000 đồng/suất. 

TP cũng tặng quà bằng tiền mặt với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng, gia đình thuộc diện nghèo là 300.000 đồng/suất; tặng quà chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nữ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… 

“Nhiều DN cam kết đồng hành cùng Chính phủ và TP Hà Nội để giảm giá thịt lợn và đảm bảo nguồn cung thị trường, như cam kết bán giá vốn không lấy lãi, giảm giá mặt hàng thịt lợn từ 8 - 35%. Sở NN&PTNT cũng chủ động trong tái đàn, hiện có trên 300.000 con, sản lượng xuất chuồng trong tháng 1 dự kiến 17%. Các sản phẩm khác thay thế như thịt bò, gà đều được tăng cường”, bà Lan cho hay.

“Đến nay, tôi có thể khẳng định hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết là đa dạng, phong phú, dồi dào. Sở cũng liên tục tổ chức tuần hàng nông sản của các tỉnh đưa về Hà Nội, với nhiều đặc sản vùng miền; đẩy mạnh tổ chức hội chợ Tết, các phiên chợ Tết và trên 100 chuyến hàng lưu động phục vụ vùng sâu, vùng xa.

Chúng tôi cũng có gần 1.000 điểm bán hàng phục vụ người dân từ mùng 1 đến mùng 4 Tết để giảm tải lượng dự trữ hàng hóa tăng cao trong dịp Tết. Đến ngày mùng 2 Tết, hầu hết các siêu thị trên địa bàn TP đã mở cửa”, vẫn lời bà Lan.

Ngoài ra, các siêu thị, hệ thống phân phối đều có kết nối với các tỉnh để đưa hàng đặc sản vào siêu thị. Người dân chỉ cần vào siêu thị là có thể mua sản phẩm các vùng miền. Sở cũng tổ chức hội chợ Tết vào ngày 11/1/2020, tại Công viên Thống Nhất, để các tỉnh đưa sản phẩm vùng miền tham dự.

“Ngoài ra, các đơn vị tổ chức sự kiện cũng tổ chức 36 hội chợ. Người dân thỏa sức mua sắm, còn chất lượng thì khi cung ứng vào Hà Nội, chúng tôi yêu cầu DN có cam kết đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc mới cho đưa vào cung cấp”, bà Lan cho hay.

Trên 65% người dân đang sử dụng hàng Việt

Đánh giá về chất lượng hàng Việt, bà Lan cho hay thời gian qua, hàng Việt đã chiếm lĩnh thị trường và niềm tin người tiêu dùng trên cả nước, dẫn đến việc một số DN lợi dụng việc này nhập hàng hóa không rõ nguồn gốc và sửa thành Made in Vietnam. Kể cả mặt hàng cơ bản như trái cây, rau củ quả, người bán đều nói là hàng Việt Nam, nhưng nếu nói là của nước khác thì sẽ rất khó tiêu thụ.

Năm 2019, kỷ niệm 10 năm chương trình “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, qua tổng kết của TP, cho thấy công tác tuyên truyền đã triển khai nhiều nội dung phong phú, ví dụ kêu gọi DN thay đổi mẫu mã và đa dạng hóa sản phẩm thu hút người tiêu dùng, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị xã hội, vận động quan tâm nhiều hơn đến hàng Việt, bỏ tư tưởng sính ngoại.

Hàng năm, Hà Nội đều tổ chức đối thoại với DN trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và nông nghiệp để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển. Trong lĩnh vực nông nghiệp, TP ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ DN sản xuất sản phẩm sạch và an toàn, qua đó giảm nhập khẩu thực phẩm.

Kết quả là tỉ lệ hàng Việt được DN sản xuất đưa vào các kênh phân phối đã tăng mạnh. Theo thống kê, so với thời điểm trước khi triển khai cuộc vận động, ở các chợ truyền thống, tỉ lệ hàng Việt chỉ là 20 - 30%, trong siêu thị là 60%. Sau khi triển khai, kết quả là tại các chợ truyền thống, tỉ lệ hàng Việt đã chiếm 70 - 80%, ở siêu thị bình quân là trên 90% hoặc 100%.

“Trong năm 2018 và 2019, chúng ta có thể khẳng định tỉ lệ người Việt đã sử dụng hàng Việt là rất cao. Kết quả điều tra xã hội học cho thấy, trên 65% người dân đang sử dụng hàng Việt, trên 80% ngườii được hỏi sẽ tuyên truyền vận động người thân quan tâm sử dụng hàng Việt nhiều hơn”, lời bà Lan. 

QLTT ứng trực 24/24h

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán 2020, QLTT tập trung tăng cường kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt chú trọng đến lương thực, như thịt lợn, bánh mứt kẹo, bia, nước giải khát... ngoài ra còn pháo và thuốc lá.

Ngoài các đoàn liên ngành, QLTT còn thành lập hai đoàn, một đoàn chuyên kiểm tra kho tàng, bến bãi, các điểm tập kết; một đoàn kiểm tra toàn bộ về thời trang, gồm quần áo, giày dép...

“Từ nay đến Tết Nguyên đán, chúng tôi quán triệt cán bộ, công chức trong hệ thống ứng trực 24/24h, tăng cường kiểm tra, giám sát địa bàn, đặc biệt chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm. Tiếp đó kiểm tra về giá cả để bình ổn thị trường trong dịp Tết”, ông Hùng nói.

Đọc thêm