Theo thông tin từ Trung tâm Ứng cứu Khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT), ngay trong tháng đầu năm 2016, trung tâm đã phát hiện và điều phối khắc phục hàng trăm các vụ việc liên quan đến website lừa đảo, tấn công thay đổi giao diện.
Cụ thể, VNCERT đã chỉ đạo, điều phối công tác khắc phục 351 sự cố website lừa đảo, 617 sự cố tấn công thay đổi giao diện, 416 sự cố phát tán mã độc.
Trước thực tế các vụ việc nhằm vào các cơ quan quản lý, các bộ ngành, địa phương liên tục gia tăng và diễn biến phức tạp, phía VNCERT cũng thường xuyên cảnh báo các bộ, ngành, địa phương bị nhiễm mã độc Botnet.
Theo báo cáo tổng kết trong năm 2015, VNCERT đã ghi nhận được 5.898 sự cố Phishing, 8.850 sự cố Deface, 16.837 sự cố Malware (tăng 1,7 lần so với năm ngoái), đã cảnh báo và khắc phục được 3.885 sự cố (trong đó có 87 sự cố liên quan đến các tên miền “gov.vn”).
Nhìn chung mã độc đa số là các liên kết ẩn được nhúng vào website thực hiện các thao tác không mong muốn. Ví dụ như Like fanpage Facebook, ẩn link.
VNCERT ghi nhận 1.451.997 lượt địa chỉ IP cả nước bị nhiễm mã độc và nằm trong các mạng Botnet (tăng 1,6 lần so với năm ngoái) trong đó gửi cảnh báo cho 3779 lượt địa chỉ IP của các cơ quan nhà nước; điều phối, yêu cầu ngăn chặn 7.540 địa chỉ máy chủ C&C server điều khiển mạng Botnet và bóc gỡ mã độc tại 1.200.000 địa chỉ IP tại các máy bị nhiễm thuộc quản lý của các doanh nghiệp ISP.
VNCERT cũng phối hợp với Cert quốc tế xử lý và ngăn chặn 200 website giả mạo (giả mạo giấy phép do Bộ TT&TT cấp, giả mạo webmail của VNN, VDC, giả mạo website Ngân hàng Nhà nước…).