Nguy cơ khủng bố dùng Internet để đánh sập hệ thống tài chính toàn cầu

(PLO) - Nhiều chuyên gia công nghệ dự báo với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và những thuật toán vũ trang, việc các tổ chức khủng bố sử dụng Internet để đánh sập hệ thống tài chính toàn cầu hoàn toàn có thể xảy ra.
Nguy cơ khủng bố dùng Internet để đánh sập hệ thống tài chính toàn cầu
Trước đây, các ngân hàng lớn và quỹ tín dụng sử dụng thủ pháp giao dịch tần số cao (còn gọi là HFT). HFT cùng sự hỗ trợ của những thuật toán phức tạp đã cho phép các nhà đầu tư tìm hiểu xu thế của thị trường toàn cầu và thực hiện hàng triệu giao dịch chỉ trong vài giây, từ đó đem về khoản lợi nhuận khổng lồ.
Tuy nhiên, những công nghệ, máy móc từng được coi là tài sản của các tổ chức tài chính lớn giờ đây có thể được nắm bắt và tiếp cận bởi các cá nhân. Chia sẻ quan điểm trên IBTimes, chuyên gia phân tích Kristian Kristiansen của công ty QuantAlliance (Anh) cho rằng, những công nghệ tài chính phức tạp trong quá khứ giờ đây có thể được chế tạo một cách đơn giản và ở một mức giá vừa phải.
“Thuật toán vũ trang là một loại phần mềm được thiết kế đặc biệt để điều khiển thị trường tài chính và tạo ra một cuộc sụp đổ mang tính hệ thống. Hậu quả của việc này không chỉ dừng lại ở những khối tài sản khổng lồ bị thất thoát, mà còn tạo nên một làn sóng lo lắng cho các nhà đầu tư. Và một khi các nhà đầu tư không còn niềm tin, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”, ông Kristian chia sẻ.
Vị chuyên gia này cũng bày tỏ quan ngại về những lỗ hổng trong thuật toán đang được sử dụng hiện nay trên thị trường tài chính, điều mà theo ông có thể được tận dụng bởi các tổ chức khủng bố: “Có quá nhiều thuật toán Blue Chip hiện nay đang phụ thuộc vào phân tích giao dịch số lượng lớn trên thị trường. Ví dụ, tôi có thể đặt một giao dịch trị giá hàng triệu đôla, nhưng không bao giờ thực hiện. Những thuật toán khi thấy việc tôi đặt giao dịch sẽ phản ứng như đó là những giao dịch thật”.
Ông Kristian Kristiansen cũng nói thêm, “điều đáng lo ngại ở đây là có những thuật toán được thiết kế đặc biệt để làm theo những thuật toán khác. Nếu một thuật toán phản ứng với lệnh đặt của tôi và bắt đầu bán cổ phiếu thật thì các cổ phiếu khác cũng sẽ lần lượt bị bán tháo”. Dẫn chứng cho viễn cảnh này, ông Kristian đã nhắc lại vụ việc toàn bộ nền chứng khoán Mỹ bị sụp đổ hồi tháng 5/2010, làm hàng nghìn tỷ đôla Mỹ bốc hơi khỏi thị trường.
Nói về thủ pháp giao dịch tần số cao và sức ảnh hưởng của nó ngày nay, ông Kristian nhấn mạnh thủ pháp này sử dụng tốc độ nhanh để gian lận trên thị trường chứng khoán, nhưng thuật toán vũ trang sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo để dự đoán chiến thuật và vượt mặt nó. “Tốc độ nhanh đến mấy cũng sẽ trở nên vô dụng nếu kẻ thù đoán được đường đi nước bước của bạn”, ông nói.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề, vị chuyên gia đến từ QuantAlliance cho rằng biện pháp tốt nhất để phòng tránh một cuộc sụp đổ của thị trường tài chính đó là sáng chế ra những thuật toán thông minh có khả năng bảo vệ hệ thống tài chính khỏi nguy cơ đến từ những giao dịch ảo.
“Việc một thuật toán là tốt hay xấu không quan trọng. Điều chúng ta cần nhận ra đó là cũng như máy tính và điện thoại, thuật toán trên thị trường tài chính có thể bị vũ trang hóa để gây ra chiến tranh mạng. Thuật toán vừa là mối đe dọa, nhưng cũng vừa là giải pháp. Và nó sẽ mãi hiện hữu dù bạn có muốn hay không”, ông Kristian nhấn mạnh.
Đến nay, khủng bố hay tội phạm mạng vẫn chưa vũ trang hóa thuật toán để tấn công hệ thống tài chính toàn cầu, nhưng điều này sẽ xảy ra trong tương lai không xa. Vì thế, các nhà đầu tư cần có những bước chuẩn bị sẵn sàng cho viễn cảnh đó.

Đọc thêm