Thực hiện Quyết định số 2950/QĐ-UBNDngày 15/06/2018 của UBND TP Hà Nội về việc thành lập Cụm công nghiệp Đình Xuyên, UBND huyện Gia Lâm ra thông báo số 980/TB-UBND ngày 08/03/2019, về việc thu hồi đất để thực hiện dự án này. Tuy nhiên, theo phản ánh việc thu hồi đất còn nhiều bất cập, khiến người dân vô cùng bức xúc.
Phản ánh tới báo Pháp luật Việt Nam, các hộ dân đều cho rằng thông báo thu hồi đất của huyện Gia Lâm là rất “bất ngờ” bởi trước đó họ chưa hề biết nhiều về thông tin của dự án.
Hàng trăm hộ dân ký vào đơn phản đối thực hiện dự án khi chưa có sự thỏa thuận về giá |
Bà Nguyễn Thị Đình cho biết: “Trước khi có thông báo thu hồi đất thì chưa từng có bất cứ cuộc họp thỏa thuận của các cấp chính quyền để đối thoại với nhân dân. Hiện tại đất đều đã được giao quyền sử dụng cho dân, việc thu hồi cần phải xem xét ý kiến nguyện vọng của nhân dân”.
Ông Nguyễn Ngọc Dậu cho rằng, việc niêm yết công khai các văn bản chính sách đa phần người dân không được rõ, trước khi ra thông báo thu hồi đất, phía UBND xã, huyện không thỏa thuận về giá đất đền bù đối với gia đình ông cũng như nhân dân trong xã.
Theo đó, các hộ dân không đồng ý với phía UBND huyện Gia Lâm đã ký đơn tập thể kiến nghị tới các cấp không chấp nhận về giá đền bù đã thông báo và cho rằng dự án xây dựng cụm công nghiệp quá gần khu dân cư vấn đề về môi trường sẽ không thể đảm bảo, giá đền bù chưa hợp lý, cần phải công khai minh bạch dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, Trung tâm phát triển quỹ đất của huyện Gia Lâm vẫn tiến hành các bước kiểm đếm tài sản trên đất, điều này dẫn đến những bức xúc trong nhân dân khi họ chưa đồng tình với mức giá đền bù 295 triệu đồng cho 360m2 đất.
Ông Nguyễn Trọng Quỳnh, Phó tổng giám đốc công ty CP Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam khẳng định: Toàn bộ tiền để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật là vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp thực hiện dự án này căn cứ theo đúng hướng dẫn của nghị định 68/2017/NĐ – CP ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Thế nhưng, trái ngược với lời khẳng định của vị Phó tổng giám đốc công ty Phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam, tại mục 7 quyết định 2950/QĐ-UBND lại ghi rõ, "tổng mức đầu tư dự án là 227 tỷ đồng; cơ cấu vốn đầu tư gồm: vốn tự có của nhà đầu tư 68 tỷ đồng (30%) và vốn huy động và vay của các tổ chức tín dụng 159 tỷ đồng (70%)".
Để tránh tình trạng khiếu nại kéo dài, đề nghị UBND huyện Gia Lâm vào cuộc và có câu trả lời thỏa đáng, đảm bảo quyền lợi cho người dân.