Hành vi xịt sơn lên ô tô để dằn mặt: Có thể phải chịu trách nhiệm hình sự

(PLVN) - Theo quan điểm của Luật sư, nếu cơ quan điều tra kết luận hành vi xịt sơn lên xe ô tô để trên đường phạm tội phạm Cố ý làm hư hỏng tài sản thì những đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.
Việc xịt sơn lên xe chung cư CT7, phường Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội) gây xôn xao dư luận.

Suy nghĩ đơn giản có thể lãnh hậu quả lớn

Thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc chủ xe ôtô đỗ xe trên đường, chắn cửa nhà, lối đi của người dân… bị xịt sơn, vẽ bậy, hay dùng vật sắc nhọn cào xước xe… nhằm mục đích dằn mặt chủ xe. Mới đây nhất, Công an quận Hà Đông (TP Hà Nội) đang làm rõ vụ “Cố ý làm hư hỏng tài sản”, xảy ra vào rạng sáng 8/11, tại địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông.

Theo đó, từ việc Công an quận Hà Đông đã nhận được phản ánh tại khu vực phía sau chung cư CT7, phường Dương Nội, quận Hà Đông xảy ra việc một số xe ô tô đỗ dưới lòng đường cạnh khu đô thị, bị nhóm đối tượng xịt sơn màu đỏ lên thân xe. 

Sau khi xác minh, cơ quan điều tra xác định được nhóm đối tượng này là bảo vệ của Công ty bảo vệ Tây Hồ. Theo lời khai tại cơ quan công an, nguyên nhân dẫn đến hành vi trên do nhóm đối tượng phát hiện tại trục đường bao phía sau chung cư có nhiều người dân đỗ xe qua đêm, không gửi vào bãi xe của khu chung cư quản lý nên nhóm này đã mua 2 bình sơn màu đỏ xịt sơn lên phần thân khoảng 10 xe ô tô để dọc lề đường với mục đích dằn mặt chủ xe. 

Trao đổi về hình thức xử lý đối với hành vi trên, Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Phó Giám đốc Hãng luật TGS – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, về mặt khách quan, đây là hành vi làm cho tài sản của người khác bị hư hỏng một phần, giảm giá trị hoặc giảm giá trị sử dụng nhưng có thể khôi phục, sửa chữa được. Hành vi khách quan này là nguyên nhân dẫn đến hậu quả làm cho tài sản bị thiệt hại về giá trị. Đây là yếu tố bắt buộc làm căn cứ để xác định tội này bởi nếu không gây ra thiệt hại thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội Cố ý làm hư hỏng tài sản. 

Luật sư Nguyễn Đức Hùng. 

Theo quy định, hậu quả của hành vi khách quan này thuộc một trong hai trường hợp: Giá trị tài sản bị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên; Giá trị tài sản bị thiệt hại dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại.

Về mặt chủ quan, người phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự, thực hiện hành vi một cách cố ý, với mục đích cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, xâm phạm đến quan hệ sở hữu của chủ tài sản. Vì thế, LS Hùng cho rằng, trong trường hợp này, cơ quan điều tra cần tiến hành các hoạt động điều tra xác định hành vi của nhóm bảo vệ có vi phạm pháp luật hay không. 

Nếu hành vi của nhóm này có dấu hiệu của Tội cố ý làm hư hỏng tài sản nhưng không gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể sẽ bị xử lý hành chính theo quy định tại Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Còn nếu cơ quan điều tra kết luận hành vi trên là phạm tội Cố ý làm hư hỏng tài sản thì những đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, người nào cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

Cần xem xét trách nhiệm của cả chủ xe

Tuy đồng quan điểm với LS Hùng nhưng LS Phạm Ngọc Đạt, Đoàn Luật sư TP Hà Nội bổ sung thêm rằng, ở vụ việc này cơ quan chức năng cũng cần xem xét việc đỗ xe ô tô của các chủ  xe có vi phạm Luật Giao thông đường bộ hay không. Nếu vi phạm quy định về dừng đỗ không đúng nơi quy định thì cũng cần phải bị xử lý hành chính theo các khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP. 

Theo đó, sẽ phạt tiền từ 600 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Đỗ xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25m; Đỗ xe trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt; Đỗ xe trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; Đỗ, để xe ở hè phố trái quy định của pháp luật; Đỗ xe nơi có biển “Cấm đỗ xe” hoặc biển “Cấm dừng xe và đỗ xe”

Từ sự việc trên, các luật sư khuyến cáo, đây cũng là lời cảnh tỉnh đối với nhiều người dân có hành vi phun sơn lên xe đỗ ở lòng đường trước cửa nhà mình hoặc bảo vệ của các khu phố, tòa nhà. Việc các xe đỗ dưới lòng đường nếu vi phạm quy định của pháp luật sẽ bị các cơ quan chức năng xử lí theo chế tài được quy định.

“Người dân có bức xúc thì vẫn nên thông báo cho chính quyền địa phương hoặc các cơ quan chức năng được biết để xử lý. Cần tránh tình trạng tự ý thực hiện những hành vi có dấu hiệu làm hư hỏng tài sản của người bởi như vậy không những không giải quyết được sự việc mà còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình” - LS Hùng cảnh báo.

Đọc thêm