Những cảm xúc khó gọi tên
Là con gái cả của “cánh chim đầu đàn” Dân ca quan họ Bắc Ninh NSƯT Thúy Cải, dù tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội nhưng chị không lựa chọn ánh đèn sân khấu chói lòa, chị lặng lẽ lui vào sau cánh gà, yêu quan họ theo cách riêng của mình.
Chị cười, gần 20 năm gắn bó với nghề, chị thấy mình hợp với chuyện bếp núc, cả ngoài đời và trên sân khấu. Cứ âm thầm, lặng lẽ làm đẹp cho từng lời ca tiếng hát của mọi người, mình mới thực sự thấy hạnh phúc. Từ những ngày chập chững vào nghề với hai bàn tay trắng, chị đã tự bỏ tiền túi tìm đến vùng khó khăn chỉ để khán giả khắp nơi có cơ hội tiếp cận dân ca quan họ. Thậm chí, mọi thứ đạo cụ trong đoàn ở giai đoạn đầu, chị đều phải đi mượn, đi thuê.
Không có nguồn kinh phí bồi dưỡng cho anh chị em trong đoàn, chị thuyết phục mọi người bằng chính nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi của mình. Ngày đầu, đội tuyên truyền của chị tập hợp những anh chị em, bạn bè thân, vì nể nhau và mê say quan họ mà hát cho đồng bào nghe. Sau này, nhiều người biết đam mê và sự tận tâm của chị đã chủ động tìm đến, tình nguyện cống hiến để góp phần vực dậy sức sống của quan họ trong lòng công chúng.
Bên cạnh đam mê nhạc công, Ngọc Lương còn sáng tác nhiều ca khúc nổi tiếng như Trẩy hội mùa xuân, Về Kinh Bắc… Chia sẻ về đời tư của mình, nữ nhạc công cười nói: “May mắn cho tôi khi là nữ làm công tác tuyên truyền lưu động lại có một người chồng luôn thấu hiểu, cảm thông. Nhiều lần, hai vợ chồng cùng nhau vận chuyển nhạc cụ đi biểu diễn xa nhà dài ngày, gửi con cho ông bà. Mọi người trong đoàn lại đùa vui gọi chúng tôi là vợ chồng nhà… lưu động”.
Kỷ niệm mà chị nhớ nhất trong đời tuyên truyền lưu động là chuyến đi Trường Sa vào năm 2012. “Sau hơn một ngày vật lộn với sóng biển, sự thân tình, mộc mạc đậm chất lính trên đảo Song Tử Tây đã tặng cho chúng tôi món quà đầu tiên là tình người. Các anh ôm chầm chúng tôi như ôm cả đất liền vào lòng từ nỗi nhớ nhung bao ngày dồn nén. Tiếng cười giòn tan, hòa cùng những giọt nước mắt hạnh phúc tạo một cảm xúc khó gọi thành tên. Lúc ấy, với chúng tôi, các chiến sỹ đã trở thành báu vật” - chị Ngọc Lương nhớ lại.
Không chỉ người lính mà những người dân trên đảo cũng có một nếp sống giản dị và hồn hậu. Họ không dùng tiền để mua bán và trao đổi hàng hóa. Cuộc sống chỉ cho và nhận, giúp đỡ lẫn nhau, không vụ lợi, toan tính thiệt hơn. Họ đề cao tình yêu thương, quý trọng, đùm bọc lẫn nhau.
“Mỗi người trong đoàn chúng tôi đều ít nhất một lần rưng rưng nước mắt trước những cử chỉ thân tình và giản dị như thế. Nhất là khi đến thăm nhà giàn DK1, nhìn chiến sỹ đi đi lại lại trên giàn nổi chỉ chừng 30m, tôi đã nổi da gà trước chất thép của người lính đảo” - chị Lương rưng rưng nhớ lại.
Dùng dằng “người ở đừng về” trên nền rock
Dẫu đã tham gia nhiều chuyến lưu diễn, đã đón nhận nhiều tình cảm của khán giả khắp nơi dành cho câu dân ca quê mình đã được vinh danh di sản, nhưng với chị “khán giả lính đảo” là những khán giả đặc biệt nhất. Ngày cuối chia tay ra về, câu hát “người ơi người ở đừng về” đã được biến tấu trên nền nhạc rock sôi động. Đó là sự sáng tạo không ngờ của chính người nghệ sỹ. Khi ấy, những nghệ sỹ chỉ muốn khóc vì quá thiêng liêng và xúc động nhưng ai cũng dằn lòng: Không được khóc! Bởi những người lính sống ở đó có thể mỉm cười và lạc quan, tin tưởng, vững vàng tay súng thì không lẽ gì những người sống nơi đất liền lại yếu mềm…
Chính vì thế, các thành viên trong đội văn nghệ đều có ý thức tìm những bài hát có nội dung và tiết tấu vui vẻ để biểu diễn trong những ngày giao lưu. Nhưng có một bất ngờ xảy ra khi họ chuẩn bị chia tay các chiến sỹ để trở về với đất liền, đó là việc mọi người trong đoàn đều yêu cầu được nghe bài “Người ơi, người ở đừng về”. Đây là một bài hát “ruột” của người quan họ nhưng ca từ đầy lưu luyến, dùng dằng tâm trạng kẻ ở, người về.
“Sợ những câu hát làm mềm yếu tinh thần của cả người về và người ở lại, chúng tôi đã tự sáng tạo hát bài hát trên nền nhạc rock để buổi chia tay có không khí phấn chấn hơn. Đến bây giờ, mỗi khi có dịp ngồi lại với nhau, đội văn nghệ khi đó vẫn nhắc về bản nhạc chưa từng có trong lịch sử đi diễn. Không ai có thể hát lại bài hát ấy như bản phối đặc biệt trên đảo Trường Sa”- chị Ngọc Lương nhớ lại.
Ngày về rưng rưng xúc động nhưng tuyệt nhiên không có tiếng khóc nghẹn ngào. Mỗi người lính luôn giữ nụ cười rạng rỡ trên môi như để người về yên tâm và tin tưởng vào sứ mệnh thiêng liêng của họ. Chuyến tàu vào đất liền có thêm những sự tiếc nuối. Ai cũng muốn được ở lại thêm với đảo nhiều ngày hơn…