Lần đầu tiên vào Sài Gòn, ấn tượng đầu tiên của tôi về thành phố này là xe máy. Ngoài nhà tôi mặc dù được núi đồi bao quanh nhưng không hoang sơ, u ám đến độ không có xe máy để tôi ấn tượng đến vậy, mà bởi số lượng xe máy ở đây nhiều đến kinh ngạc.
Ở quê tôi vẫn thường dùng xe máy để đi lại, nhưng có lẽ khung cảnh làng quê thanh bình, rộng rãi làm chiếc xe trở nên nhỏ bé hơn. Còn ở đây, hình ảnh dòng người chen chúc, nhung nhúc di chuyển trên những chiếc xe máy, len lỏi qua những con đường nhỏ hẹp, với một tốc độ không dưới ba mươi, bốn chục km/h, thật sự đánh mạnh vào suy nghĩ của một gã trai quê lơ ngơ lần đầu tiếp xúc văn minh đô thị như tôi.
Văn hoá xe máy
Xe máy xuất hiện ở khắp Việt Nam, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi xuống cả dưới xuôi, từ các buôn làng xa xôi tới cả những đô thị sầm uất. Sự hiện diện của xe máy phổ biến tới mức có thể xem nó là một nét văn hoá. Nhưng đó lại là văn hoá cần phải thay đổi.
Xe máy quá tiện dụng, chính sự tiện dụng của nó mà phát sinh ra lắm điều tiêu cực. Bạn có thể phóng xe trên bất kỳ con đường nào, từ quốc lộ đến hẻm nhỏ, từ đường trải bê tông nhựa đến đường đất lầy lội,... Từ đó mà những con hẻm nhỏ và sâu tới mức mặt trời không thể nào len lỏi tới được hình thành, vì nó gần trung tâm, tiện đi lại. Rồi qui hoạch thành phố như một mớ mạng nhện chăng đầy những hẻm, những ngõ, những xuyệt, rồi bis...
Giá đất cũng vì đó mà tăng cao đến cắt cổ, mà điều kiện sinh sống vẫn chẳng tăng được bao nhiêu. Sự tiện dụng của xe máy còn thể hiện ở chỗ, bạn có thể đỗ hoặc dừng ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Đang đi bon bon, bất chợt bạn nghĩ đến bữa chợ trưa nay, thế là bạn ghé ngay vào ngã tư để mua cân thịt, mớ rau, ít hoa quả. Thế là những vụ ngộ độc, chất lượng thực phẩm không kiểm soát được cũng từ những chợ cóc, chợ tạm được hình thành từ điều trên.
Nếu mọi người đi ôtô, chúng ta sẽ chẳng thể đậu xe tuỳ tiện để mua như vậy được, mà phải vào siêu thị, cửa hàng, nơi mà từ chất lượng sản phẩm đến nhân viên bán hàng đều thể hiện sự chuyên nghiệp, uy tín. Tiện dụng, nhưng cái giá của nó là cân thiếu, cân điêu, tư tưởng tiểu nông, sự làm ăn chụp giật ... Thật là tồi tệ!!!
Nếu một thành phố không có, hoặc có rất ít xe máy, thì người ta sẽ đi ôtô nếu có đủ điều kiện, hoặc đi xe buýt, tàu điện, metro... Người ta sẽ ra vùng ven để sinh sống, mật độ dân cư cũng thưa thớt hơn, giá cả nhà đất sẽ dễ chịu hơn.
Khu vực trung tâm sẽ là sự hiện diện các tòa cao ốc chọc trời để làm văn phòng, phần lớn diện tích còn lại sẽ là công viên, siêu thị, khu vực xanh. Con người ta sẽ sáng sớm đi metro đến building làm việc, trưa thì đi siêu thị ăn trưa, chiều về ngang qua công viên tập vài động tác thể dục.
Ôi!!! Xe máy còn ảnh hưởng đến sự tiến bộ. Ở những xứ văn minh, hoặc đàn ông thì khoác lên những bộ suit lịch lãm, những cô gái thì xúng xính với bộ váy công sở, hoặc phong cách trẻ trung, thoải mái với những bộ short áo thun giày thể thao.
Nhưng với xe máy, cái mà người ta thấy chỉ là những cô gái trùm khăn kín người như ở Trung Đông, hay những quí ông đầm đìa dưới cái nắng hăm chín, ba mươi độ. Mọi người chỉ nghĩ làm sao cho đến đích nhanh nhất, chứ hơi đâu để nghĩ đến cái chân, cái thiện.
Đi xe máy, đỗ ở lề đường, làm ly cà phê, rồi chém gió những chuyện trời ơi đất hỡi. Nhưng nếu đi ôtô, người ta sẽ biết được whisky sẽ uống bằng ly nào, còn vang sẽ ăn cùng đồ ăn nào. Rồi người ta sẽ vận những bộ đồ lịch lãm, sang trọng, quí phái để lịch thiệp với nhau hơn, cư xử hoà nhã hơn.