Ngược lại, nhiều vận động viên khác chỉ tham gia những giải “ao làng”, có đôi chút thành tích thì lại được phong đẳng cấp Kiện tướng, Vận động viên Cấp I... Sự “tiền hậu bất nhất” này của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF) đã và đang gây ra nhiều sự bức xúc, nghi ngờ về cung cách làm việc theo cơ chế “xin - cho”.
Những cống hiến bị... sổ toẹt!
Sự việc bắt nguồn từ phản ánh của một phụ huynh đại diện cho những người có con em tham gia đội Nam trẻ TP Hồ Chí Minh thi đấu tại giải Vô địch Bóng rổ trẻ Quốc gia 2018 (tổ chức tại Đà Nẵng) đạt được Huy chương Bạc.
Thông thường, sau khi kết thúc các giải thi đấu lớn trong năm, tháng 1/2019 là các VĐV đã được xem xét phong đẳng cấp, đó cũng là căn cứ vô cùng quan trọng để các trường đại học có khoa Giáo dục Thể chất tuyển thẳng các VĐV trẻ có thành tích, cũng là sự trọng thưởng cho những đóng góp của các VĐV cho nền thể thao, bóng rổ nước nhà.
|
Nhiều VĐV bóng rổ đạt thành tích cao tại các giải bóng rổ danh giá trong nước nhưng không được VBF phong đẳng cấp vì lý do không phù hợp với quy định |
Tuy nhiên, đến tận tháng 7/2019, các VĐV đội Nam trẻ TP Hồ Chí Minh vẫn chưa được phong đẳng cấp, đó là sự thiệt thòi lớn đối với các em khi không được hưởng những ưu tiên, chế độ khi thi tuyển vào các trường đại học có khoa Thể chất.
Theo tìm hiểu, từ ngày 2/1/2019, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh đã có công văn 01/SVHTT-QLTDTT gửi Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) và Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam (VBF) đề nghị phong đẳng cấp cho các VĐV đạt thành tích trong năm 2018. Cụ thể, các VĐV của TP Hồ Chí Minh đã tham gia và đạt thành tích cao tại các giải: Đại hội Thể thao Toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, Vô địch Quốc gia, Vô địch 3x3 Quốc gia, Vô địch trẻ Quốc gia...
Tuy nhiên, ngày 27/3/2019, VBF đã có công văn số 178-CV/VBF phúc đáp đối với đề nghị phong đẳng cấp cho các VĐV của TP Hồ Chí Minh do Tổng thư ký Lê Hoàng Anh ký. Theo đó, VBF viện dẫn các quy định tại Quyết định 829/2006/QĐ-UBTDTT (gọi tắt là Quyết định 829) do Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành ngày 5/5/2006 về việc phê duyệt tiêu chuẩn phong cấp VĐV các môn thể thao. Cụ thể, theo Quyết định 829 thì VĐV đạt thành tích tại các giải: Hạng nhất nam, nữ; Trẻ nam, nữ; Hạng nhì nam, nữ và các giải tương đương mới đủ tiêu chuẩn phong cấp VĐV.
Trong khi đó, bộ môn Bóng rổ cũng được đưa vào các nội dung tại Đại hội Thể thao Toàn quốc tổ chức định kỳ 4 năm, có thể coi đây là Olympic của thể thao Việt Nam nhưng chiếu theo Quyết định 829 thì dù có đạt Huy chương vàng tại Đại hội thì cũng chỉ là... con số không. Chính vì vậy, VBF đã đưa ra các căn cứ để không phong cấp VĐV theo danh sách TP Hồ Chí Minh đề nghị do “vướng” các quy định tại Quyết định 829.
Trên thực tế, đối chiếu với Quyết định 829 thì hiện giờ cơ cấu các giải bóng rổ chỉ còn Giải Trẻ nam, nữ là được giữ nguyên tên gọi; còn Giải Hạng Nhất đã chuyển thành Giải Vô địch Quốc gia; Giải Hạng Nhì và các Giải tương đương thì không còn tồn tại hoặc không được qui định cụ thể. Chính vì sự bất cập này nên rất nhiều VĐV đang phải chịu thiệt thòi, dù có đạt thành tích cao tại các giải danh giá, đóng góp cho thể thao nước nhà nhưng cũng không được công nhận
Ngoài TP Hồ Chí Minh, các VĐV bóng rổ của các tỉnh thành khác như Cần Thơ, Bình Thuận... cũng chịu cảnh ngộ tương tự, bị từ chối phong đẳng cấp do “vướng”. Quyết định 829 trên thực tế không còn phù hợp và đã được VBF phản ánh lên Tổng cục TDTT - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đề nghị sớm ban hành tiêu chuẩn mới thay thế tiêu chuẩn phong đẳng cấp VĐV hiện hành.
Cùng với đó, Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng kiến nghị lên Tổng cục TDTT về việc hiện nay hệ thống thi đấu các giải cấp Vô địch của bộ môn Bóng rổ quốc gia đã thay đổi từ năm 2008, trong khi đó giải Đại hội Thể thao toàn quốc được tổ chức 4 năm một lần với trình độ chuyên môn tương đương cấp vô địch. Hơn nữa trong thời gian qua, căn cứ vào trình độ chuyên môn của Đại hội, VBF đã từng quyết định phong đẳng cấp cho các VĐV đạt thành tích tại các kỳ Đại hội lần thứ VI (năm 2010) và lần thứ VII (năm 2014).
Phát lộ cơ chế “xin-cho”
Câu chuyện các VĐV của nhiều địa phương như TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Thuận không được phong đẳng cấp dù có thành tích tại các giải Vô địch bóng rổ cấp quốc gia có lẽ sẽ không gây bất bình, bức xúc nếu như không hé lộ những sự việc phong cấp VĐV nhiều khuất tất khác.
Cụ thể, theo tài liệu phóng viên thu thập được, đại diện VBF là Tổng thư ký Lê Hoàng Anh là người ký các văn bản cho rằng việc phong cấp cho các VĐV theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh là không có cơ sở căn cứ theo Quyết định 829. Nhưng ngược lại, vào khoảng tháng 3/2019, cũng chính ông Lê Hoàng Anh lại là người ký các quyết định phong đẳng cấp cho các VĐV theo đề nghị của các đoàn thể thao, địa phương khác mà vẫn dựa trên căn cứ là Quyết định 829, chưa kể một số VĐV dù đạt thành tích tại giải làng nhàng nhưng vẫn được xem xét phong đẳng cấp.
|
Dù không nằm trong quy định tại Quyết định 829, nhiều VĐV vẫn được VBF tùy tiện phong cấp |
Cụ thể, Công ty TNHH Đào tạo và phát triển thể chất Hữu Thịnh đề xuất 4 VĐV được phong cấp I do đạt hạng 3 Giải Bóng rổ các tỉnh phía Bắc mở rộng 2018 đã được VBF phê chuẩn. Cũng căn cứ vào giải này, Tổng thư ký Lê Hoàng Anh đại diện VBF đã phong đẳng cấp Kiện tướng cho 2 VĐV của Đoàn thể thao Phòng không - Không quân.
Phải nói thêm rằng Giải Bóng rổ các tỉnh phía Bắc mở rộng chưa từng có tên trong hệ thống giải Vô địch bộ môn bóng rổ cấp Quốc gia, vậy nhưng một số VĐV tham gia và đạt thành tích tại giải này lại được VBF “ưu ái” phong đẳng cấp Kiện tướng, Cấp I.
Tại một giải thi đấu khác là giải vô địch bóng rổ 3x3 quốc gia là một giải thi đấu thể thức 3 người hoàn toàn khác với các giải bóng rổ 5x5 thi đấu 5 người cũng được phong cấp mà không biết căn cứ vào quy định nào tại quyết định 829. Việc phong cấp cho các VĐV với căn cứ là quyết định 829 thực sự gây khó hiểu cho tất cả những người làm quản lý và làm chuyên môn.
Theo nhận định của những người có chuyên môn, nhiều năm gắn bó với các giải đấu cấp Quốc gia của bộ môn Bóng rổ, giải Bóng rổ các tỉnh phía Bắc mở rộng thực chất chỉ là một giải “ao làng”, trình độ chuyên môn thấp hơn nhiều so với giải Vô địch Quốc gia hay Đại hội Thể thao toàn quốc, các CLB nghiệp dư cũng có thể tham gia và đạt thành tích cao tại giải. Chính vì vậy, việc căn cứ vào thành tích của giải này để phong đẳng cấp cho VĐV đã khiến rất nhiều VĐV khác cảm thấy bức xúc, bất công.
Theo ông Huỳnh Trọng Khải (Phó chủ tịch VBF) nhận định, việc cùng căn cứ vào Quyết định 829 nhưng VĐV người được phong đẳng cấp, người thì “trắng tay” là điều không công bằng. Hơn nữa, VBF cũng có Ban chấp hành, Ban Thường vụ, Hội đồng tư vấn phong cấp VĐV nhưng những cơ quan này lại không được lấy ý kiến về việc phong đẳng cấp cho các VĐV.
Sự bất công này đã khiến nhiều phụ huynh có con em phải khổ luyện để được tham gia thi đấu, đóng góp cho bộ môn bóng rổ và nền thể thao nước nhà cảm thấy bức xúc. Không riêng gì TP Hồ Chí Minh - nơi có phong trào bóng rổ phát triển nhất cả nước, các địa phương khác như Cần Thơ, Bình Thuận... cũng có chung nỗi niềm khi VĐV của họ bị đối đãi một cách bất công.
Ngoài vấn đề bất công trong việc phong đẳng cấp cho VĐV, hiện nay VBF còn nhiều “lùm xùm” trong nội bộ cơ cấu tổ chức, quản lý tài chính và tổ chức, điều hành Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA)... Những vấn đề này sẽ được Báo PLVN làm rõ trong những kỳ tiếp theo./.