Vi phạm ngày một gia tăng
Theo thống kê của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT), năm 2014, BR-VT có 8 vụ tàu cá đánh bắt hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài bị cơ quan chức năng các nước Indonesia, Malaysia, Campuchia bắt giữ với tổng số 21 tàu và 138 ngư dân. Năm 2015, tỉnh có 11 vụ tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài với 31 tàu, 260 ngư dân.
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2016, đã xảy ra 31 vụ vi phạm vùng biển Indonesia, Malaysia với 52 tàu, 405 ngư dân bị bắt giữ. Đa số tàu cá bị bắt trong thời gian qua đều hành nghề cào đôi của ngư dân ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền), một số ít của ngư dân TP Vũng Tàu.
20h ngày 17/6/2016 tại vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam-Indonesia, tàu Hải quân Indonesia bắt cùng lúc 5 tàu cá của ngư dân tỉnh BR-VT đưa về đảo Natuna, Bắc Indonesia xử lý. Trước đó một ngày, lúc 7h30 ngày 16/6/2016 Cảnh sát Biển Indonesia cũng vây bắt 5 tàu cá của BR-VT trong đó có một tàu cá không rõ số hiệu.
6 tháng đầu năm 2016, Quảng Ngãi có 6 tàu cá với 88 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ về hành vi khai thác hải sản trái phép, chủ yếu thuộc các nước Australia, Indonesia, Philippines và Malaysia...
Từ đầu năm đến nay, Bình Thuận có 13 vụ/21 tàu/188 lao động vi phạm. Trong đó, có 7 vụ vi phạm vùng biển Malaysia và 6 vụ vi phạm vùng biển Indonesia. Đặc biệt, trong số tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài có 3 tàu (2 tàu ở Phú Quý, 1 tàu ở La Gi) được đầu tư đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Mới nhất, vào 23h45 ngày 30/11/2016, Đồn BP Thanh Hải, BĐBP Bình Thuận đã phát hiện và tạm giữ tàu cá mang số hiệu BTh 99318TS do Lê Minh Vĩ (SN 1983, ở xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận) làm thuyền trưởng đang chở 113 người trái phép từ ngoài biển vào cập bến tại cảng cá Phan Thiết.
Lê Minh Vĩ khai nhận: tàu BTh 99318TS có công suất 500CV, 16 lao động chuyên hành nghề thu mua hải sản. Tàu xuất bến ngày 2/11 tại Phú Quý để thu mua hải sản ở khu vực phía Nam đảo Côn Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng không có hàng. Sau đó Vỹ cho tàu chạy sang vùng biển Malaysia để thu mua. Khi đó, một số tàu của Việt Nam và Malaysia nhờ chở giúp các lao động của họ là người Việt Nam về nước.
Ngày 27/11, tàu BTh 99318TS tiếp nhận 113 lao động thuộc các tỉnh: Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Tiền Giang, Kiên Giang và Trà Vinh từ 2 tàu của Malaysia và chạy về Việt Nam. Đêm 30/11, tàu về đến cảng Phan Thiết thì bị lực lượng BĐBP phát hiện bắt giữ. Lê Minh Vỹ đã bị xử phạt hành chính về hành vi của mình.
Hình thành đường dây đánh cá lậu
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc các tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ trong thời gian qua là hầu hết chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân còn thiếu hiểu biết về ranh giới địa lý, biên giới trên biển của các nước trong khu vực cũng như kiến thức về pháp luật các nước. Đến khi bị bắt, tịch thu ngư cụ, họ mới biết mình đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước sở tại. Bên cạnh đó, hiện nay, các nước trong khu vực đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ nguồn lợi thủy sản trên vùng biển của mình. Đồng thời, các quốc gia này cũng đã mạnh tay xử lý những vụ việc ngư dân vi phạm, vì vậy, số lượng các vụ bị xử lý đã tăng lên rất nhiều so với thời gian trước.
Ngoài ra, do hiện tại một số ngư trường của ta đã cạn kiệt nguồn thủy hải sản, trong khi đó, một số ngư trường giáp ranh lại dồi dào hơn nên nhiều ngư dân Việt Nam đã cho tàu sang khai thác hải sản. Nguyên nhân nữa là do cơ quan chức năng quản lý, kiểm soát tàu cá đánh bắt xa bờ chưa chặt chẽ, kiểm soát ngư trường đánh bắt cá của từng tàu còn lỏng lẻo, tàu được cấp phép khai thác ở ngư trường này lại sang ngư trường khác đánh bắt...
Nhiều trường hợp tàu đánh cá của ngư dân bị bắt giữ do vi phạm vùng biển nước ngoài nhưng cũng có một số tàu đánh cá của ngư dân bị bắt giữ ở vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và nước bạn như trường hợp 5 chiếc tàu của ngư dân BR-VT bị bắt tối 17/6/2016 nêu trên.
Theo điều tra của Phòng Trinh sát, BĐBP BR-VT, đã xuất hiện đường dây chuyên môi giới cho tàu cá Việt Nam đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài. Ngày 13/4/2016, hai tàu cá BV 5279TS và BV 3392TS của ông Hồ Minh Lưu (ngụ ấp Phước Hiệp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã bị bắt giữ do đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Indonesia. Đôi tàu này do ông Lưu và 4 tài công hùn vốn mua lại với giá 3 tỷ đồng/tàu. Trong số 14 thuyền viên trên đôi tàu của ông Lưu bị Indonesia bắt, có 12 thuyền viên đã được trả về sau khi đóng tiền vé máy bay 8 triệu đồng/người. 2 tài công Hồ Kim Kim và Nguyễn Văn Thìn (đều ngụ tại xã Phước Tỉnh) - cũng có phần hùn mua ghe với ông Lưu - hiện đang bị giữ lại chờ phán quyết của Tòa án Indonesia.
Sở dĩ ông Lưu dám mang cả đôi tàu ra nước ngoài đánh cá là vì có đường dây môi giới tàu cá Việt Nam muốn đánh bắt hải sản ở vùng biển Indonesia thì phải bỏ ra 12.500 USD/đôi tàu/tháng. Sau khi nhận tiền, người đứng ra môi giới sẽ phát một tấm bảng ghi chữ Indonesia màu đen hoặc màu đỏ để treo trên tàu. Ông Lưu cũng như nhiều chủ tàu giã cào ở xã Phước Tỉnh mấy năm qua đều bỏ ra số tiền trên để được đánh bắt trong vùng biển Indonesia. Do “bên đó” đang siết chặt việc đánh bắt hải sản trái phép nên người môi giới không nhận tiền của tàu cá Việt Nam, vậy là tàu ông Lưu bị bắt.
Trước thực trạng ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài có chiều hướng gia tăng, ngày 5/12/2016, Bộ Tham mưu và Cục Chính trị, BĐBP đã họp bàn về vấn đề tăng cường tuyên truyền an ninh trên biển. Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng BĐBP giao Bộ Tham mưu và Cục Chính trị BĐBP làm đề cương tuyên truyền cho đối tượng ngư dân trong đó phải thể hiện các các văn bản liên quan đến hoạt động đánh bắt trên biển; quy trình kiểm soát, đi lại trên biển; các quy định của ngành Thủy sản về các hoạt động đánh bắt trên biển và các quy định xử phạt hành chính có liên quan.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam cũng đề nghị Bộ Tham mưu BĐBP thống kê số lượng nhóm tàu có nguy cơ đi đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Yêu cầu thuyền trưởng và chủ tàu cam kết khi đi đánh bắt phải đảm bảo an ninh an toàn dầu khí, phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn trên biển, không vi phạm chủ quyền vùng biển của nước ngoài.