Ông Đỗ Văn Hiếu (SN 1944, ngụ 629 Trương Công Định, phường 7, TP Vũng Tàu) gửi đơn khiếu nại về dự án “Công trình mở rộng hẻm 90 Hoàng Văn Thụ”, cho biết, căn nhà của ông nằm ở 629 Trương Công Định, hiện đang có sáu hộ gia đình đang sinh sống. Theo quy hoạch trước đó, hẻm 90 Hoàng Văn Thụ sẽ được mở thẳng thông ra đường Trương Công Định và đi qua một phần đất nhà ông.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, khi ông đi họp về việc nhận bồi thường giải phóng mặt bằng, ông lại thấy hẻm 90 đã bị “nắn” cong. Việc “nắn” cong này đồng nghĩa với việc toàn bộ 16m đất mặt tiền của gia đình ông sẽ bị thu hồi toàn bộ, chỉ còn lại 1 phần nhỏ diện tích ở phía sau nhà (từ trên 700m2 chỉ còn lại khoảng 80m2). Việc làm ăn, kinh doanh phía đường Trương Công Định sẽ không còn nữa, thiệt hại về kinh tế rất lớn.
Ông Hiếu cung cấp các tài liệu về quy hoạch sử dụng đất của Thủ tướng Chính phủ (năm 2005), quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu dân cư Nam sân bay của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và quy hoạch sử dụng đất chi tiết của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (năm 2014), cho thấy, các quyết định phê duyệt quy hoạch này đều thể hiện hẻm 90 được quy hoạch chạy thẳng ra đường Trương Công Định.
Tuy nhiên, theo Quyết định 444/QĐ-UBND (năm 2017) của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch hẻm 90 thì hẻm này bị “nắn” cong để vuông góc với đường Trương Công Định.
Ông Hiếu nói thêm, việc điều chỉnh quy hoạch này ông không hề nhận được thông báo nào. UBND đã nhiều lần họp dân để xét duyệt phương án bồi thường, tuy nhiên những thắc mắc của gia đình ông Hiếu vẫn chưa được giải đáp thỏa đáng.
PV đã liên hệ với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để làm rõ một số thông tin về việc điều chỉnh quy hoạch này. Tuy nhiên cho đến nay đã hơn 1 tháng mà UBND Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa có câu trả lời cụ thể.
Đoạn hẻm 90 Hoàng Văn Thụ trước (bên trên) và sau (bên dưới) khi điều chỉnh quy hoạch |
Luật sư Trần Đức Phượng (Đoàn Luật sư TP HCM), nêu quan điểm: Theo Luật Quy hoạch đô thị 2009 và các văn bản pháp luật, trong quá trình thực hiện quy hoạch nếu để đảm bảo hiệu quả và tốt hơn thì có thể điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch phải thực hiện đầy đủ theo các thủ tục quy định như lấy ý kiến về quy hoạch đô thị tại Điều 20, Điều 21 Luật Quy hoạch đô thị.
Trong đó, việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu cùng với quy hoạch chi tiết được thực hiện bằng phiếu góp ý thông qua hình thức trưng bày công khai hoặc giới thiệu phương án quy hoạch trên phương tiện thông tin đại chúng. Thời gian lấy ý kiến ít nhất là 15 ngày đối với cơ quan, 30 ngày đối với cộng đồng dân cư.
Theo tài liệu và thông tin ông Hiếu cung cấp, “bản vẽ điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/2000” đã được Sở Xây dựng và UBND TP Vũng Tàu ký theo Tờ trình số 299/TTr-UBND ngày 14/12/2016 mới đưa ra công bố cho cộng đồng dân cư, chưa thực hiện đúng quy định Luật Quy hoạch đô thị về lấy ý kiến quy hoạch của cộng đồng dân cư và trả lời bằng văn bản của Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị.
Với trường hợp của ông Hiếu, Cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị và UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, UBND TP Vũng Tàu cần thông tin đến người dân về việc tổ chức điều chỉnh quy hoạch trước đây về thủ tục lấy ý kiến cộng đồng dân cư. Với Quyết định điều chỉnh quy hoạch thực hiện không đúng pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân thì cơ quan nhà nước cần sớm trao đổi, thông tin đầy đủ và giải quyết thỏa đáng. Quyết định điều chỉnh quy hoạch cũng là quyết định hành chính nên có thể khởi kiện ra Tòa án để giải quyết theo thủ tục tố tụng hành chính.