Phải xuống đến tận nơi, lắng nghe tiếng nói từ người dân và cán bộ cơ sở, người ta mới vỡ ra chuyện dự án khu liên hiệp sản xuất gang thép Hòa Phát – Dung Quất (huyện Bình Đông, tỉnh Quảng Ngãi) làm ăn kiểu “sống chết mặc dân” như thế nào.
“Câu giờ” trách nhiệm tái định cư
Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Ngô Văn Vương tóc bù xù cợp đến mang tai, có lẽ lâu lắm chưa cắt tóc, dáng người như sọm đi trong chiếc áo vest may sẵn rộng thùng thình. Có lẽ vì câu chuyện về Hòa Phát Dung Quất rối như tơ vò nên suốt cuộc trò chuyện, ông thường vò đầu bứt tóc.
Ông Vương tóm tắt một số thông tin:
Xã có khoảng 700 hộ dân với 2000 nhân khẩu có 115 ha đất đai và tài sản bị giải tỏa vì Hòa Phát Dung Quất, chiếm 25% số dân trong xã. 600 ngôi mộ phải di dời. Xã có hai khu vực làm nông nghiệp và đi biển. Mỗi m2 đất được đền bù tổng cộng các loại tiền khoảng 150 ngàn đồng.
Dự án sử dụng lao động phổ thông là nhiều, làm lao động chân tay cho nhà thầu phụ trong quá trình thi công, trả lương theo ngày, xong việc là nghỉ. Dự án chưa tái định cư đã ra văn bản thu hồi đất. Cán bộ xã ngày ngày quần qua quần lại chuyện Hòa Phát Dung Quất.
|
Một ngôi mộ chưa di dời nhưng Hòa Phát Dung Quất đã cho móc đất xung quanh, nguy cơ sụp lún. |
Ô nhiễm tiếng ồn thì ai cũng nghe. Còn bụi bặm mắt thường cũng thấy có lúc bụi kim loại nó bay, ban đêm càng thấy rõ. Trước khi ra báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), có người đến hỏi ý kiến cộng đồng, người dân, nhưng chỉ hỏi chứ không tiếp thu.
Có ĐTM nhưng vẫn để bụi ra ngoài. Nói cách khác, mặt thủ tục là có, nhưng thực chất bảo vệ cho môi trường là không có. Giờ lo nhất nguy cơ dân bức xúc quá kéo đến chặn cổng nhà máy, rồi không biết sẽ xử lý ra sao?
Vì sao lại xảy ra tình trạng căng thẳng như trên? Nguyên nhân thứ nhất, theo ông Vương, do quy trình ngược chưa tái định cư đã ra văn bản thu hồi đất. Các bên đồng ý phương án dân và Hòa Phát cùng chọn địa điểm tái định cư, khi nào hai bên cùng thống nhất thì Hòa Phát sẽ lập dự án tái định cư và “xuống tiền”.
|
Một trạm trộn bê tông tại dự án. |
Chính quyền đứng giữa làm trung gian, đưa cả hai bên đến khu đô thị Vạn Tường, nơi có diện tích đất lớn đã được giải phóng mặt bằng sạch, phân lô, chỉ còn xây dựng hạ tầng, giao thông, đường sá. Dân ưng quá, khấp khởi mừng sắp thoát cảnh bị nhà máy kế bên “tra tấn”. Xã cũng hồ hởi làm văn bản gửi đi khắp nơi, đồng ý lấy chỗ đất đó cho dân.
Nhưng rồi Hòa Phát lại quay ngoắt, đề nghị tìm nơi tái định cư khác. Phải chăng vì doanh nghiệp muốn tìm chỗ nào khác “ngon, bổ, rẻ” hơn? Vòng luẩn quẩn cứ diễn ra như vậy. “Thế nên người dân vẫn còn phải ở cạnh nhà máy , mà ở đó thì càng đau đầu; quần qua quần lại câu chuyện kiến nghị ô nhiễm, tiếng ồn, bụi bặm”, ông Vương thở dài.
Chưa được giao mặt nước đã đổ đất lấp biển
Còn có những mâu thuẫn khác khiến dân bức xúc với Hòa Phát. Như câu chuyện doanh nghiệp này nổ mìn lấy đá nhằm hạ thấp độ cao ngọn đồi trong khuôn viên nhà máy. Trong bán kính gây nguy hiểm thì có khoảng 9 - 10 hộ dân đang ở đây.
Nổ mìn không chỉ đá văng, mà những nhà gần đó còn bị rạn nứt. Dân đối chiếu quy định pháp luật, nói Hòa Phát sai rành rành. Nhưng doanh nghiệp thì lại “phản bác” rằng “trong khu vực của tui thì tui cứ nổ mìn”, bất chấp.
|
Chưa được giao mặt nước, Hòa Phát Dung Quất đã lấp biển, chiếm bến đậu 200 tàu cá ngư dân hai thôn. |
Sự bất mãn với Hòa Phát càng dâng cao khi chính người dân phát hiện ra việc Hòa Phát Dung Quất chưa được giao mặt nước nhưng đã tự ý lấp biển nguy cơ xóa sổ bến tàu ngư dân.
Theo Báo cáo số 105/BC – UBND ngày 24/6/2019 của UBND xã Bình Thuận ngày 24/6/2019, tại vùng biển thuộc xã Bình Thuận, Công ty Cổ phần cảng tổng hợp Hòa Phát Dung Quất đã tiến hành thi công đổ đá, san lấp mặt bằng xây dựng Bến cảng tổng hợp – Container dù UBND tỉnh Quảng Ngãi chưa có quyết định giao phần diện tích mặt nước (khoảng 40 ha) cho Hòa Phát.
|
Ngang ngược ở chỗ khu vực đó là nơi ngư dân hai thôn Tuyết Diêm 1 và Tuyết Diêm 2 vẫn còn sinh sống bằng nghề khai thác đánh bắt hải sản, cũng là nơi neo đậu 200 tàu thuyền của ngư dân.
Theo báo cáo, UBND xã đã làm việc với đại diện công ty và có ý kiến đề nghị công ty sớm xin chủ trương và quy hoạch, nạo vét tạo khu neo đậu tàu thuyền nhằm dịch chuyển tàu thuyền của ngư dân.
Thế nhưng bất chấp pháp luật, bất chấp ý kiến địa phương, không đếm xỉa đến miếng cơm manh áo của hàng ngàn ngư dân, Hòa Phát Dung Quất vẫn “dời non lấp biển” chiếm bến neo đậu. UBND xã đánh giá sự việc “có khả năng dẫn đến tình hình an ninh phức tạp, gây khó khăn cho địa phương và cả công ty sau này”.
Kiểu làm ăn “sống chết mặc bay” của Hòa Phát Dung Quất như vậy khiến người dân địa phương bức xúc, chỉ chực chờ bùng nổ. Thực tế cho thấy mới đây người dân đã “bùng nổ”, kéo lên chặn cổng nhà máy khi xảy ra câu chuyện một số diện tích đất chưa được bồi thường mà Hòa Phát đã tiến hành thi công, rồi chuyện mồ mả chưa di dời mà Hòa Phát đã móc đất thi công xung quanh nguy cơ làm sụt lún.
“Dân chịu rất nhiều thiệt thòi khi phải sống trong môi trường khốn khổ như vậy. Không biết cuộc sống tương lai ra sao nó khổ lắm. Đau xót nhất là chấp nhận bỏ quê cha đất tổ mà đi để nhường đất cho Hòa Phát, nhưng lại rơi vào tình thế đi chưa được, bỏ không xong. Người dân bức xúc lắm chứ.
|
Còn chúng tôi đến giờ phút này thấy bế tắc. Chưa có cách giải quyết cho dân. Phải nói là khó vô cùng. Quyền của xã chỉ có bấy nhiêu đó, còn là trách nhiệm của Hòa Phát. Mà dân còn ở đó ngày nào thì xã lo dân bị ô nhiễm mà bức xúc vi phạm pháp luật, lo lắng cho an ninh chính trị, an ninh nông thôn”, ông Vương lại vò đầu bứt tai.
Những điệp khúc hứa lèo
Giáp mặt phía Bắc của dự án, nhiều người dân xã Bình Đông cũng bức xúc không kém trước kiểu làm “sống chết mặc bay” của Hòa Phát. Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã lắc đầu: “Hòa Phát “lì” lắm”.
Ông Thanh cho hay, theo quy hoạch, 51 ha của xã Bình Đông giáp phía Bắc nhà máy sẽ phải di dời để tránh ảnh hưởng của dự án. Trên diện tích này có hơn 200 hộ với trên 800 người dân. Dân phản ánh nhà máy phát tán mùi hôi, xả khói đen, rồi bụi trong khi xây dựng công trình.
Có một thời gian suốt tháng 8, 9, 10/2019 máy móc ồn ào, trụ sở xã cách đó hơn 1000m đường chim bay mà xã đang họp cũng họp không nổi, ồn quá phải bỏ họp. Địa phương mời Hòa Phát lên, doanh nghiệp xin “rút kinh nghiệm”, hứa sẽ không làm vào giờ hành chính. Hòa Phát thực hiện “lời hứa” đó thật, nhưng từ đó lại chỉ gây ồn vào lúc… nửa đêm, làm cả làng mất ngủ.
Những hộ dân bị ảnh hưởng bởi Hòa Phát này còn lâm vào tình thế “thảm” hơn ở xã Bình Thuận, vì khi địa phương nhận thấy dân tại đây không sống nổi, đã mời Hòa Phát đến thúc giục việc kiểm kê bồi thường sớm. Thế nhưng đến lúc này Hòa Phát trả lời “tỉnh bơ” “hiện tập đoàn chưa có nhu cầu sử dụng đất 51 ha này nên chưa kiểm kê”.
|
Khói đen nhà máy thải ra trong quá trình vận hành. |
“Trong khi đó, tỉnh đã có văn bản thu hồi đất rồi, cứ để đó mà Hòa Phát không làm gì hết. Nhà cửa dân xuống cấp, trong mùa mưa bão này có nhiều nhà không sửa chữa được rất là tội. Ai có nhu cầu làm ăn, muốn mang sổ đỏ đi vay ngân hàng dù chỉ một xu cũng không được”, ông Thanh cho hay.
Hiếm thấy ở đâu mà chính quyền địa phương phải “năn nỉ” doanh nghiệp như ở đây. Chính quyền nhận thấy giáp dự án khu vực xã Bình Đông có một cánh đồng lúa tên là Đồng Chung khoảng 40 ha. Đồng Chung ngoài nơi canh tác, thì mùa mưa nước tràn về khu này, đóng vai trò chứa nước tạm thời rồi sau đó rút dần.
Hòa Phát chỉ thu hồi một nửa cánh đồng, san lấp mặt bằng gây ảnh hưởng đến hệ thống mương nước. Năm 2018 nước lũ về trong đêm do mưa lớn, bị ắch tắc gây ngập cục bộ, 19 hộ dân bì bõm trong nước cả đêm, đồ đạc hư hỏng sạch.
Dân kêu cứu, xã, huyện, tỉnh xuống tận nơi kiểm tra, khảo sát, kết luận 19 hộ dân này sẽ không thể sống tiếp được cảnh này. Chính quyền ra ý kiến, Hòa Phát cam kết hứa sẽ ưu tiên di dời 19 hộ này tránh việc bị ngập cục bộ. Nhưng cam kết vẫn chỉ là cam kết, đến nay Hòa Phát vẫn không có động thái gì.
Còn có câu chuyện trong dự án Hòa Phát Dung Quất triển khai, có để cho nhà thầu thi công một trạm trộn bê tông nằm sát nhà dân dù chưa có ĐTM; chưa lấy ý dân mà lén lút làm. Cơ quan chức năng lập biên bản. Trạm trộn vẫn ngang ngược hoạt động, bụi mù trời. Bà con ý kiến, dự án không làm ban ngày mà làm ban đêm.
|
Công nhân trước cổng dự án Hòa Phát Dung Quất. |
Bà con bức xúc rào chắn ngang dự án không cho người công ty vào, họ mới xin bà con gỡ rào, xin tự động nghỉ, không làm nữa. Vẫn chỉ là hứa lèo, trạm trộn vẫn lén lút làm, Cảnh sát môi trường vào cuộc xử phạt, rồi Chủ tịch UBND huyện cũng xử phạt kịch khung và tới bây giờ trạm trộn vẫn tái phạm ì xèo.
Bản thân ông Thanh cũng bức xúc trước cách hành xử của Hòa Phát Dung Quất với người dân và chính quyền địa phương. Dự án vừa “tra tấn” dân, lại vừa hành xử kiểu nhỏ nhen với người dân địa phương, né trách nhiệm trước chính quyền.
Mùa thu hoạch, nông dân căng dù ra khu vực gần cổng nhà máy ít ngày để lấy chỗ gom nông sản, nhà máy cũng làm công văn gửi Ban An toàn giao thông tỉnh, cho rằng nông dân “gây mất trật tự an toàn giao thông”. Những lúc xã mời họp phản ánh các vấn đề do nhà máy gây ra, dự án chỉ cử đến những “đại diện” cấp tổ trưởng, tổ phó, đến chỉ ngồi nghe và nhất quyết từ chối ký biên bản cuối cuộc họp.
Đã không đồng cảm, bù đắp cho những nông dân hi sinh nhà cửa, ruộng vườn và cuộc sống yên ổn cho mình lấy đất làm ăn, sao lại hành xử kiểu ti tiện như vậy? Không dám dũng cảm thừa nhận những hệ lụy do mình gây ra, sao xứng đáng danh xưng “đại gia tỷ đô”?
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh những góc khuất của “đại dự án” đang có nguy cơ gây ra điểm nóng tại Quảng Ngãi trong số báo sau.