Héo mòn bên nhà máy Hòa Phát - Dung Quất (Bài 3) Báo cáo đánh giá tác động môi trường gian trá

(PLVN) - Suốt 3 năm nay, người dân và chính quyền huyện Bình Sơn sống cùng một câu hỏi trăn trở. Đó là sau khi xảy ra sự kiện thép Formosa Hà Tĩnh xả thải bẩn gây ô nhiễm vùng biển miền Trung, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nhiều lần khẳng định “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”. 
Khi chưa có báo cáo ĐTM, Hòa Phát Dung Quất đã ồ ạt thi công
Khi chưa có báo cáo ĐTM, Hòa Phát Dung Quất đã ồ ạt thi công

Thế nhưng ở Quảng Ngãi, nhiều ngàn hộ dân vẫn bị bỏ mặc, cuộc sống khốn khổ vì ồn ào ô nhiễm do Dự án gang thép Hòa Phát – Dung Quất gây ra. Tất cả chỉ vì báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của “siêu dự án” này đã bị thực hiện một cách gian trá.

Chưa có báo cáo ĐTM đã ồ ạt thi công

Trước tiên, cần nhắc lại, trước khi khuếch trương dự án thành quy mô như hiện nay, cái cốt lõi ban đầu của Hòa Phát – Dung Quất là khu đất hơn 300ha mà Hòa Phát “kế thừa” từ một nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ không. Ngày 25/1/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký Văn bản số 152/TTg – CN truyền đạt ý kiến của Thủ tướng về việc đồng ý chủ trương đầu tư Dự án đầu tư khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất tại Khu kinh tế Dung Quất. 

Văn bản giao Bộ Công Thương thẩm định thiết kế cơ sở của Dự án theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng, đảm bảo Hòa Phát tuân thủ các cam kết về công nghệ, thiết bị và tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường theo quy định; giao Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án, đảm bảo Hòa Phát tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, các cam kết về môi trường.

Chỉ hơn 10 ngày sau, ngày 6/2/2017, Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi tổ chức lễ trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất cho Hòa Phát. Dự án được Hòa Phát quảng cáo “tổng vốn đầu tư 60 ngàn tỷ đồng (sau này điều chỉnh lại thành 52 ngàn tỷ - NV), công suất 4 triệu tấn/năm, sử dụng công nghệ lò cao khép kín… là công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường… thu hồi hoàn toàn nhiệt và khí thải”. Ngay sau đó, Hòa Phát lập tức ồ ạt tiến hành các bước thi công mà chưa có báo cáo ĐTM. Phải đến 5 tháng sau đó, Bộ TN&MT mới phê duyệt báo cáo ĐTM của Hòa Phát Dung Quất theo Quyết định số 2031/QĐ-BTNMT ngày 22/8/2017.

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, Hòa Phát và Quảng Ngãi đã có dấu hiệu vi phạm khoản 2 Điều 19 Luật Bảo vệ môi trường 2014. Luật quy định việc ĐTM phải thực hiện trong giai đoạn “chuẩn bị dự án”. Cấp có thẩm quyền chỉ cấp Giấy chứng nhận đầu tư khi dự án đã có quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM. “Một quy định pháp luật nhằm giúp tránh được những hệ lụy vì buông lỏng bảo vệ môi trường khi thực hiện dự án đầu tư, giảm thiểu khả năng dẫn đến ô nhiễm đã bị Hòa Phát và tỉnh Quảng Ngãi bỏ qua”, Luật sư Hiệp nhận xét.

 
Phương pháp dập cốc khô của Hòa Phát Dung Quất có nguy cơ cháy nổ khá cao
Phương pháp dập cốc khô của Hòa Phát Dung Quất có nguy cơ cháy nổ khá cao

Những người chịu ô nhiễm bị “gạt ra rìa”

Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Vương Văn Đông và Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đông Nguyễn Văn Thanh cho biết, trong quá trình lập báo cáo ĐTM, đơn vị lập báo cáo có họp tham vấn cộng đồng dân cư chịu tác động trực tiếp theo quy định tại Nghị định 18/2015/NĐ-CP. Trong các cuộc họp, người dân hai xã đều nêu rõ các ý kiến, đề nghị di dời dân ngay tránh ô nhiễm. Đơn vị lập báo cáo khi họp thì gật gù trước ý kiến của dân, sau khi họp xong còn có văn bản gửi lại cam kết sẽ thực hiện. 

Theo quy định tại khoản 4 Điều 12 Nghị định 18/2015/NĐ-CP, “chủ dự án phải nghiên cứu, tiếp thu những ý kiến khách quan, kiến nghị hợp lý của các đối tượng liên quan được tham vấn để hạn chế thấp nhất tác động bất lợi của dự án đến môi trường tự nhiên đa dạng sinh học và sức khỏe cộng đồng”. Thế nhưng, thực tế ba năm qua cho thấy những “cam kết”, những sự “tiếp thu” của Hòa Phát Dung Quất như đã cam kết với dân chỉ nằm trên giấy. “Có họp cộng đồng, nghe ý kiến người dân, nhưng “nó” không tiếp thu. Có ĐTM mà vẫn để ô nhiễm. Về mặt thủ tục là có, nhưng thực chất bảo vệ cho môi trường là không có”, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận Vương Văn Đông nói.

Nói về thực chất việc lập báo cáo ĐTM của Hòa Phát Dung Quất, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn Hà Thị Anh Thư đặt vấn đề: “Tôi đã nói rất nhiều lần, tại sao các dự án trên địa bàn, dân không có ý kiến gì cả, từ Nhà máy Đóng tàu Doosan, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất… Tại sao Hòa Phát đụng vào là dân ý kiến? Hòa Phát phải xem lại mình, xem mình có làm đúng cam kết với bà con hay không, Hòa Phát sống với bà con dưới đó thế nào. Rảnh đâu mà dân đi khiếu kiện? Trả lời được câu hỏi đó thì mới nói được chuyện Hòa Phát làm tốt hay không tốt”. 

“Hòa Phát có biết khi Hòa Phát đến, dân thụ hưởng được cái gì và người ta ô nhiễm tới đâu, sống thế nào, vất vả ra sao? Hòa Phát nói đảm bảo môi trường nhưng dân kiên quyết nói không đảm bảo. Dân bức xúc trực tiếp gửi clip cho Bí thư huyện, mắt thường tôi thấy không phải khói màu trắng mà là khói màu đen, mang cục nam châm rà ngoài sân thấy bám bụi kim loại. Tôi thấy bà con họ khóc, tôi xót xa: “Nếu gia đình, cha mẹ, vợ con của Hòa Phát sống cảnh như vậy thì họ có chịu nổi không?””, vẫn lời bà Thư.

Dự án lấy đi “cần câu cơm” của hàng ngàn nông dân, ngư dân, vậy khi lập dự án có tham vấn ý kiến của các tổ chức nghề nghiệp, xã hội địa phương? Khá bất ngờ khi ông Phan Huy Hoàng, Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Ngãi cho biết: “Với dự án Hòa Phát Dung Quất, Hội Nghề cá không được mời đánh giá tác động môi trường, không được mời tham gia các cuộc họp. Khi sự việc xảy ra thì sự đã rồi. Hội nghề cá cũng không hề nhận được báo cáo ĐTM của Hòa Phát Dung Quất”.

Bất ngờ hơn nữa khi Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi, là tổ chức chính trị - xã hội của trí thức khoa học và công nghệ trong tỉnh, cũng bị “gạt ra rìa” trong quá trình đánh giá ĐTM Hòa Phát – Dung Quất. Ông Huỳnh Văn Tố, Phó Chủ tịch Thường trực đơn vị này cho biết: “Dự án Hòa Phát Dung Quất do Bộ TN&MT thẩm định ĐTM. Mình nắm được nhiều thứ trực tiếp ở địa phương, ở khu vực đó, nên lẽ ra Bộ nên mời một thành viên của Liên hiệp Hội tham gia, nhưng không hiểu sao họ lại không mời”. Thậm chí bản báo cáo ĐTM của Hòa Phát Dung Quất, đơn vị tập hợp trí thức khoa học và công nghệ của tỉnh cũng không nhận được. Ông Tố trăn trở: “Dự án sản xuất gang thép nguy cơ tác động môi trường rất lớn”.  

Một góc công trường Hòa Phát Dung Quất trong quá trình thi công
Một góc công trường Hòa Phát Dung Quất trong quá trình thi công 
Đại công trường nhưng trong quá trình thi công không có phương án xử lý chất thải, phải chăng Hòa Phát Dung Quất đổ xuống biển?
 Đại công trường nhưng trong quá trình thi công không có phương án xử lý chất thải, phải chăng Hòa Phát Dung Quất đổ xuống biển?
Tại Hòa Phát Dung Quất từng xảy ra tình trạng trộn bê tông trái phép, bị UBND huyện xử phạt “kịch khung”
Tại Hòa Phát Dung Quất từng xảy ra tình trạng trộn bê tông trái phép, bị UBND huyện xử phạt “kịch khung” 
Một ngôi trường bỏ hoang bên vách nhà máy Hòa Phát Dung Quất
Một ngôi trường bỏ hoang bên vách nhà máy Hòa Phát Dung Quất

Báo cáo láo, số liệu gian dối

Ý  kiến gần 3.000 người dân ngày ngày sống trong ô nhiễm không được tiếp thu; cán bộ và chính quyền cơ sở bị “gạt ra rìa”; vậy những người thẩm định dự báo cáo ĐTM của dự án mà Quảng Ngãi chọn ra Hà Nội “báo cáo thực tế” là ai, có ý kiến ra sao về yếu tố “bảo vệ môi trường” của dự án này? Xem diễn biến phiên họp Hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM Dự án Hòa Phát Dung Quất vào ngày 6/7/2018 tại trụ sở Bộ TN&MT (số 10 Tôn Thất Thuyết, Hà Nội), người ta mới hiểu thêm về những góc khuất đen tối của Dự án.

Đây là phiên họp đánh giá báo cáo ĐTM lập lại của Hòa Phát Dung Quất. Ngay từ đầu phiên họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân yêu cầu “bảo đảm sau khi phê duyệt báo cáo ĐTM, Dự án triển khai không có vướng mắc gì, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường”.

So sánh với những gì đã diễn ra dai dẳng từ hơn hai năm trước đó, người ta thấy trong cuộc họp này, ông Đàm Minh Lễ (đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi) đã báo cáo láo với Hội đồng thẩm định khi cho rằng: “Cam kết của Hòa Phát là rất mạnh”, “Chính quyền địa phương và Bộ đã làm rất kỹ để đảm bảo các cam kết của Hòa Phát về bảo vệ môi trường”, “Hòa Phát được sự ủng hộ của nhân dân và các doanh nghiệp xung quanh”… Một nhân vật khác đại diện cho Quảng Ngãi là ông Đỗ Minh Hải (Giám đốc Sở TN&MT tỉnh) thì “thống nhất cao với nội dung báo cáo ĐTM”.   

“Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” với hai nhân vật đại diện cho chính quyền Quảng Ngãi báo cáo láo, nhiều số liệu Hòa Phát Dung Quất đưa ra trong báo cáo cũng gian dối vô lý, ví dụ số liệu về gió được tham khảo từ số liệu của… châu Âu và được Hòa Phát Dung Quất cho rằng “có tính chính xác hơn số liệu của địa phương”. Quan điểm này lập tức bị một ý kiến “sửa lưng”: “Để có độ tin cậy và sức thuyết phục, đề nghị phải là nguồn số liệu chính thống của các cơ quan thẩm quyền”.

Hòa Phát Dung Quất cho rằng “do dự án không thải nước thải ra môi trường, nên không cần giám sát chất lượng nước thải”. Quan điểm này bị phản bác: “Nước thải không xả ra môi trường, nhưng cũng cần quan trắc để đánh giá. Trường hợp không đạt để tuần hoàn thì giải quyết như thế nào?”. Một thành viên phản biện khác chỉ ra Hòa Phát Dung Quất còn “lờ đi” yếu tố nước thải sản xuất sau khi tuần hoàn sẽ bị bão hòa không sử dụng được nữa, lúc ấy tính sao? Chưa hết, các chất thải phát sinh trên công trường Hòa Phát Dung Quất bấy lâu nay đã thải đi đâu?

Báo cáo ĐTM của Hòa Phát còn có những điểm rất gian trá, như lấy số lượng chất thải nguy hại phát sinh trên công trường từ Nhà máy Thép Hòa Phát tại Hải Dương nhiều năm trước đó để cho rằng số lượng chất thải nguy hại phát sinh trên công trường Hòa Phát Dung Quất cũng tương đương như vậy. Đây là “tiểu xảo” gian lận, vì Nhà máy Thép Hòa Phát tại Hải Dương công suất chỉ bằng một nửa, diện tích bằng chưa đến 1/3 Hòa Phát Dung Quất. 

Một số điểm khác trong báo cáo ĐTM Hòa Phát đưa ra còn khá cẩu thả, khi con số thể hiện diện tích xây dựng Nhà máy lúc là 339,5ha; lúc là 339,6ha; lúc lại chỉ là 339ha.

Dự án còn khiến người ta lo ngại hệ lụy phát sinh khi chỉ có nguồn cấp nước từ sông Trà Bồng, không ổn định về chất lượng và lưu lượng nước. Mùa lũ thì đảm bảo lưu lượng nhưng không đảm bảo về chất lượng, mà kiệt thì không đảm bảo lưu lượng. Nguy hại cho dân nhiều huyện trong tỉnh Quảng Ngãi là nhu cầu sử dụng nước của dự án cực lớn, “con thuồng luồng” này hút đến 100 ngàn m3/ngày đêm thì hàng trăm ngàn dân rồi đây lấy đâu nước sinh hoạt, ăn uống, tưới tiêu?

Người dân bị ô nhiễm căng băng rôn phản đối Hòa Phát Dung Quất
Người dân bị ô nhiễm căng băng rôn phản đối Hòa Phát Dung Quất 
Những quy định về nổ mìn lấy đá đến nay vẫn bị Hòa Phát Dung Quất phớt lờ
Những quy định về nổ mìn lấy đá đến nay vẫn bị Hòa Phát Dung Quất phớt lờ 

Hòa Phát Dung Quất nguy cơ xả chất độc ra sao?

Tháng 6/2019, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất lại có công văn gửi các cơ quan chức năng Quảng Ngãi đề nghị điều chỉnh Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất với một số chi tiết cơ bản như: Công suất thiết kế (từ 4 triệu tấn/năm tăng lên 9 triệu tấn/năm); diện tích dự án tăng khoảng 166ha (từ 429,68ha lên 595,68ha) tại các xã Bình Thuân, Bình Đông, huyện Bình Sơn.

Sở Xây dựng Quảng Ngãi sau đó có văn bản phản hồi, đối chiếu với đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng Khu công nghiệp phía Đông Dung Quất, vị trí đề xuất mở rộng dự án gồm 2 khu, trong đó khu 1 được định hướng quy hoạch là đất công nghiệp, khu 2 được định hướng gồm đất công nghiệp, đất tái định cư và đất cây xanh. Như vậy, việc đề xuất mở rộng dự án tại khu 2 có một phần diện tích là chưa phù hợp với quy hoạch đã được duyệt.

Trước đề xuất này của Hòa Phát, Sở Xây dựng cũng đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi một số nội dung sau:

Kiểm tra, rà soát việc nhà đầu tư đề xuất tăng công suất thiết kế (từ 4 triệu tấn/năm lên 9 triệu tấn/năm) phải phù hợp với quy hoạch phát triển ngành thép và chủ trương của Thủ tướng tại Công văn 152/TTg-CN ngày 25/1/2017. Trường hợp chưa phù hợp, đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế  Dung Quất và Khu công nghiệp Quảng Ngãi phối hợp với Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ Công Thương và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện.

Ngoài ra, Dự án này là một trong số các loại hình sản xuất công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Do đó, đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, xác định khoảng cách ly vệ sinh môi trường tối thiểu đến khu dân cư và các công trình đảm bảo theo đúng quy chuẩn quy định. Đề xuất giải pháp cụ thể khi chưa đảm bảo khoảng cách ly theo quy chuẩn để có hướng giải quyết trong tương lai đối với các khu dân cư hiện có…

Trong cuộc họp này, số phận hai khu vực dân cư bị Hòa Phát Dung Quất “tra tấn” đã bốn lần được nhắc tới. Ủy viên Hội đồng Nguyễn Sơn Lâm nêu câu hỏi “dân tại hai thôn gần nhà máy tình hình an sinh như thế nào? Phương án di dời như thế nào?” và sau khi câu hỏi này không được Hòa Phát Dung Quất trả lời thỏa đáng, đã một lần nữa nhắc lại: “Đề nghị giải quyết dứt điểm việc di dời hai khu dân cư ở vị trí sát ranh giới dự án”. 

Dù số dân cư gần 3.000 người này ngày đêm bị nhà máy “hành hạ”, nhưng trong báo cáo thuyết trình, Hòa Phát lại nêu không rõ ràng, khiến ông Lê Đại Thắng (đại diện Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) phải đặt câu hỏi: “Các hộ dân ở xóm Bàu, thôn Tân Hy và một số hộ dân ở thôn Đông Lỗ thuộc diện thường trú hay lấn chiếm?”.

Nhìn thấy nguy cơ “điểm nóng” đã, đang và sẽ diễn ra, ông Trần Gia Cường (Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây Nguyên) cảnh báo: “Di dời, tái định cư các hộ dân để đảm bảo phát triển bền vững, tránh các xung đột về môi trường”.

Trước bốn câu hỏi này, Hòa Phát Dung Quất trả lời rất mập mờ, “hỏi một đằng, trả lời một nẻo”: “Đến thời điểm hiện tại, mương thoát lũ cho hai thôn lân cận vị trí dự án đã được xây dựng xong. Còn khoảng 13 hộ dân sẽ được chính quyền di dời trong thời gian tới”.

Cái mà Hòa Phát quảng cáo bấy lâu nay “lò cao khép kín, thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, sản xuất than coke bằng công nghệ dập coke khô, thu hồi hoàn toàn nhiệt và khí thải” tại cuộc họp này cũng đã bị cảnh báo nguy cơ. Ông Đỗ Hoài Nam (đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay: Hòa Phát Dung Quất chưa chỉ rõ được yếu tố có khả năng phát sinh chất thải trong quá trình vận hành sản xuất. Phương pháp dập cốc khô có nguy cơ về cháy nổ khá cao, cần nghiên cứu bổ sung các rủi ro về cháy nổ và phương hướng khắc phục. Hòa Phát Dung Quất chưa giải trình và đưa ra phương án xử lý với tình trạng trong khí lò cốc sau lọc bụi tĩnh điện vẫn tồn tại hàm lượng NO2 là 360 mg/m3 (Nitơ Điôxít, một loại khí độc màu nâu đỏ có mùi gắt đặc trưng, gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng – NV). 

Ông Trần Gia Cường bổ sung: Hòa Phát Dung Quất cần phân tích rõ thêm mối liên hệ giữa thép phế đầu vào và khả năng phát sinh dioxin, furan (các hóa chất độc hại nhất được biết đến hiện nay trong khoa học - NV). Tổng lượng chất thải rắn công nghiệp từ Hòa Phát Dung Quất là khoảng 2 triệu tấn/năm (gần 6.000 tấn/ngày) nhưng vì sao không thấy kho chứa?

Còn có các ý kiến đề nghị Hòa Phát Dung Quất đánh giá tác động môi trường của việc an toàn nổ mìn. Đề nghị kiểm tra lại chiều cao các ống khói có đảm bảo hay không? Lượng chất thải nguy hại phát sinh khá lớn (13,5 tấn) nhưng không thấy hợp đồng thu gom, xử lý với đơn vị có chức năng. Hòa Phát Dung Quất có đề xuất thu gom và chuyển vật liệu chịu lửa đã qua sử dụng cho đơn vị cung cấp tái chế, tái sử dụng, nhưng chưa làm rõ giải pháp trong trường hợp không sử dụng được.

Thành viên Nguyễn Khắc Kinh nhận xét: “Tiến độ thực hiện dự án khá mờ. Đề nghị cập nhật thông tin mới nhất về hiện trạng tài nguyên, môi trường và kinh tế - xã hội khu vực thực hiện dự án”. Thành viên Đặng Kim Chi có cùng quan điểm: “Cần làm rõ tình hình xây dựng của các công trình đã được thay đổi so với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt trước đây”.

Những “vết đen” của dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát – Dung Quất mà các thành viên phản biện đã nêu trên đây, Hòa Phát – Dung Quất và 3 đơn vị tư vấn lập báo cáo ĐTM cho dự án đều không trả lời trong cuộc họp, dù thành phần có mặt khá đông đảo từ Giám đốc, Trưởng phòng Vật tư, Công nghệ, Xây dựng, An toàn môi trường…

Thực tế đen tối như trên trong khâu bảo vệ môi trường, vậy mà một lãnh đạo Hòa Phát Dung Quất mới đây vẫn trơ trẽn cho rằng: “Hòa Phát đã chứng minh cho các bộ, ngành thấy là chúng tôi làm sạch”. Trơ trẽn như thế, nên việc Hòa Phát Dung Quất bị người dân cũng như chính quyền địa phương phản đối kịch liệt là điều hoàn toàn dễ hiểu. Bí thư Huyện ủy Hà Thị Anh Thư tuyên bố: “Bài học của xi măng Đại Việt bị dân bao vây phải “đắp chiếu” vừa mới xảy ra. Làm được thì tồn tại, còn không dân họ cản thì huyện cũng chỉ vận động trên cơ sở bảo đảm môi trường, đảm bảo lợi ích người dân. Làm sai thì dân họ cản là đúng rồi. Chúng tôi một lòng theo quan điểm của Trung ương, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Mời bạn đọc xem tiếp trên số báo sau.

“Trên lý thuyết thì có ĐTM đấy nhưng thực tế thì khác, bằng mắt thường cũng nhìn nhận được nó ô nhiễm như thế nào. Buổi tối, hôm đẹp trời, khi xả khói thấy khói bay thẳng lên trời, khi ngưng gió thì nó lan tỏa xung quanh chứ bay đi đâu, khói đen kịt như đốt lốp xe. Còn những đêm không trăng họ xả trong ban đêm thì ai mà biết được. Vậy mà cán bộ Hòa Phát nói láo trong buổi họp rằng khi đưa khói cao lên trời thì khói sẽ không tỏa xuống dưới, không ảnh hưởng tới môi trường”.

(Ông Nguyễn Hồng, Trưởng thôn khu dân cư số 4, xóm Bàu, thôn Đông Hy 2, xã Bình Đông)

“Nguy cơ của một nhà máy gang thép là bụi, khí thải. Thải ra môi trường, khí thải có thể không màu, không mùi, không thấy bằng mắt thường, chỉ có máy móc quan trắc mới biết. Theo thiết kế, người ta phải có những bộ phận lọc bụi, qua bộ phận xử lý khí thải khi bay ra thì không ô nhiễm. Nhưng thực tế họ có làm được hay không? Đôi lúc họ nói, họ viết đó chứ họ không làm trong thực tế.  

Về nước thải thì Nhà máy Hòa Phát nói là xử lý tuần hoàn, không thải ra môi trường nhưng thực tế thì có thải hay không? Lúc hoạt động mình mới biết được”.

(Ông Huỳnh Văn Tố, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi)

“Trên địa bàn có nhiều nhà máy nhưng chúng tôi không cản trở đơn vị nào mà chỉ cản trở Hòa Phát vì công ty này gây ra nhiều tai họa với chúng tôi. Trong tháng 10/2019, lãnh đạo Hòa Phát có xin lỗi vì đã để xảy ra sự ồn ào, ô nhiễm và hứa sẽ hỗ trợ tối đa cuộc sống của dân rồi sớm đưa chúng tôi tới nơi ở mới, thế nhưng hứa miết như vậy rồi ai còn tin… Chúng tôi không hề kêu ca tiền đền bù “bèo” để được nhận thêm mà chỉ mong biết rõ bao giờ mới được tái định cư và tái định cư ở đâu? Càng sớm càng tốt, chứ ở đây quá khổ rồi”. 

(Ông Nguyễn Văn Tư, thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận)

“Hòa Phát Dung Quất nằm sát tường nhà dân, khói thải ra liên tục gây ô nhiễm. Dân và Hòa Phát từng thống nhất sẽ di dân vào khu tái định cư đô thị Vạn Tường tránh ô nhiễm, là nơi gần biển nên dân có thể đi đánh cá để kiếm thu nhập. Nhưng sau đó Hòa Phát lại trở mặt, đòi đưa dân đi nơi khác.

Từ tháng 8/2019 đến nay, dân đã có một lần kéo tới cổng số 3 Công ty, hai lần lên Ban điều hành đề nghị giải quyết vấn đề nêu trên. Nhưng Hòa Phát vẫn chưa thực hiện như lời hứa nên việc người dân kéo đến Công ty này còn có khả năng tái diễn trong thời gian tới”.

Ông Võ Trình (trưởng thôn Đông Lỗ, xã Bình Thuận)

Đọc thêm