Hi hữu việc huyện muốn kiện xã để đòi lại 3,1 tỷ đồng cho tạm ứng ở Thanh Hóa

(PLVN) - Để khắc phục sai phạm của cán bộ thời kỳ trước, UBND huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đã cho UBND xã Thiệu Công tạm ứng hơn 3,1 tỷ đồng ngân sách dự phòng để trả nợ cho dân. Tuy nhiên, quá thời gian cam kết, UBND huyện Thiệu Hóa không nhận lại được số tiền đã cho tạm ứng khiến Chủ tịch UBND huyện phải tuyên bố sẽ kiện ra Tòa nếu xã Thiệu Công không hoàn số tiền trên trước ngày 20/5/2020. 
Trụ sở UBND huyện Thiệu Hóa

Làm ơn mắc oán

Thông tin từ UBND huyện Thiệu Hóa, giai đoạn năm 1997 - 2006, cán bộ xã Thiệu Công đã thu tiền hợp thức hóa đất ở của các hộ dân, để lập hồ sơ cấp sổ đỏ sai quy định khiến nhiều người dân tập trung khiếu nại, khiếu kiện lên các cấp chính quyền từ xã đến tỉnh.

Ngày 26/12/2018, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã trực tiếp về xã Thiệu Công để đối thoại với dân. Sau cuộc đối thoại, lắng nghe ý kiến của người dân, Chủ tịch Xứng ký văn bản kết luận: Yêu cầu UBND xã Thiệu Công chịu trách nhiệm thu hồi tiền của các cá nhân sai phạm, để trả cho dân.

Sau khi có ý kiến của Chủ tịch tỉnh, theo cách tính lãi suất của ngân hàng, toàn bộ số tiền sai phạm của cán bộ xã Thiệu Công (thời kỳ 1997-2006) phải thu hồi trả lại cho các hộ dân là 3.157.439.000 đồng (hơn 3,1 tỷ đồng).

Ngày 5/1/2019, UBND xã Thiệu Công đã có văn bản thống nhất giữa Đảng ủy, HĐND, UBND đề nghị UBND huyện Thiệu Hóa cho tạm ứng hơn 3,1 tỷ đồng, để trả cho 79 hộ dân. UBND xã Thiệu Công cam kết sẽ trả đầy đủ cho người dân và sẽ thu hồi tiền sai phạm, để trả cho UBND huyện trước ngày 30/6/2019. Do đó, UBND huyện Thiệu Hóa đã duyệt cho xã Thiệu Công tạm ứng hơn 3,1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách dự phòng của huyện.

Tuy nhiên, quá thời hạn, xã Thiệu Công vẫn không trả được khoản nợ trên. Vì vậy, ngày 11/3/2020, ông Trịnh Văn Súy - Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa ký Quyết định thu hồi hơn 3,1 tỷ đồng đối với UBND xã Thiệu Công, nhưng vẫn không được.

Trả lời báo chí, ông Trịnh Văn Súy - Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hóa cho biết, đến hết ngày 20/5/2020, nếu UBND xã Thiệu Công không hoàn trả số tiền hơn 3,1 tỉ đồng vào ngân sách, UBND huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo và huyện cũng đã chuẩn bị phương án sẽ khởi kiện ra tòa nếu xã không trả.

Cho xã tạm ứng có đúng luật?

Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa (Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ rất bất ngờ với sự việc này.

Đại biểu quốc hội Phạm Văn Hòa 

“Việc UBND huyện kiện UNBD xã ra tòa là việc hết sức ly kỳ, chưa có tiền lệ và việc kỳ quặc này lần đầu tiên tôi nghe trong 63 tỉnh thành cả nước. Tôi cho rằng, chiếu theo các quy định liên quan đến phân cấp hành chính, phân cấp ngân sách thì việc cấp trên kiện cấp dưới ra tòa sẽ không bao giờ xảy ra”, ông Hòa nói.

Cũng theo ông Hòa, trong sự việc này cần xem lại việc UBND huyện Thiệu Hóa cho tạm ứng có đúng quy định của Luật Ngân sách hay không? Nếu tạm ứng đúng thì không nói, còn nếu tạm ứng không đúng luật thì cần phải xử trách nhiệm người đứng đầu người cho tạm ứng. Còn việc xã Thiệu Công tạm ứng tiền để trả cho dân là cũng không đúng quy định.

“Xã làm gì có quyền tạm ứng tiền để trả cho dân?”, ông Hòa nói và cho rằng, ở vụ việc này xã phải có trách nhiệm thu hồi tiền ở những cán bộ đã sai phạm. Còn không thu hồi được thì đương nhiên phải kiện những người này ra tòa.

Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Huy Long (Giám đốc Công ty Luật Legal Gate Việt Nam) cho biết, theo quy định tại Điều 598 Bộ luật Dân sự 2015: Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Cùng với đó, tại khoản 9 Điều 17 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp: Áp dụng thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; thu thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; truy thu thuế, hoàn thuế trái pháp luật; thu tiền sử dụng đất trái pháp luật.

Do đó, có thể khẳng định các cán bộ xã Thiệu Công có hành vi gây thiệt hại nên UBND xã Thiệu Công là cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường và kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh. Còn việc việc UBND huyện Thiệu Hóa tạm ứng ngân sách cho UBND xã Thiệu Công để trả lại cho người dân cũng không đúng quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm của các các bộ có sai phạm của UBND xã Thiệu Công, theo quy định tại Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ quy định rõ: Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại. Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.

Do đó, trong trường hợp này, các cán bộ có sai phạm của UBND xã Thiệu Công có trách nhiệm hoàn trả số tiền mà Nhà nước phải bồi thường cho người dân theo mức độ lỗi của mình.

Không thể kiện xã ra tòa

Đối việc UBND huyện Thiệu Hóa cho rằng sẽ khởi kiện UBND xã Thiệu Công ra tòa nếu xã không trả tiền tạm ứng, Luật sư Long cho biết, hiện nay, chưa có cơ sở pháp lý rõ ràng để Tòa án thụ lý giải quyết vụ việc này.

Luật sư Nguyễn Huy Long 

Bởi theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán nhà nước, danh sách cử tri.

“Việc UBND huyện Thiệu Hóa cho UBND xã Thiệu Công tạm ứng tiền để trả nợ người dân không thuộc các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Trường hợp này cũng không phải là giao dịch hoặc hợp đồng dân sự, do đó, không thế áp dụng luật tố tụng dân sự để giải quyết vụ việc này” - Luật sư Long nói.

Theo Luật sư Long, trong vụ việc này đã có sai phạm từ khi thực hiện việc thu tiền sử dụng đất của người dân, giải quyết bồi thường cho người dân, sử dụng ngân sách Nhà nước như đã phân tích trên. Do đó, không thể tạo thành tiền lệ cho những vụ việc về sau. Việc thực hiện bồi thường cho người dân phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Ngân sách của địa phương cũng phải được thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách. Không thể tự ý cho tạm ứng ngân sách của cấp huyện cho các mục đích không đúng quy định của pháp luật.

Về hướng giải quyết vụ việc, Luật sư Long cho rằng, việc các cán bộ xã Thiệu Công thu tiền sử dụng đất của dân trái quy định của pháp luật đã gây thiệt hại cho người dân xã Thiệu Công. Do đó, cần phải bồi thường cho người dân theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

UBND xã Thiệu Công cần căn cứ vào quyết định giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, lập hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường trình Sở Tài chính để nhận kinh phí bồi thường cho các hộ gia đình đã bị thiệt hại. Trong trường hợp này, UBND xã Thiệu Công đã chi trả tiền bồi thường, do đó, kinh phí bồi thường thiệt hại sẽ được hoàn trả cho ngân sách của UBND huyện Thiệu Hóa.

Đối với các cán bộ, công chức của xã Thiệu Công gây thiệt hại, cần xác định rõ mức độ lỗi từ đó có phương án truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc kỷ luật cán bộ, công chức và hoàn trả số tiền bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp đã có quyết định hoàn trả, các cơ quan có thẩm quyền có thể sử dụng quyền lực Nhà nước để buộc các cán bộ, công chức gây thiệt hại hoàn trả theo đúng quy định của pháp luật.

Đọc thêm