'Hiến kế' để lan tỏa văn hóa đọc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo số liệu từ Mạng lưới thư viện toàn cầu (Online Computer Library Center) năm 2021, Việt Nam có số lượng thư viện công cộng cao nhất Đông Nam Á, với tổng số 6.991 thư viện. Ở bối cảnh như vậy, vấn đề phát triển và lan tỏa văn hóa đọc có nhiều thuận lợi, bởi thư viện là một trong những trụ cột chính với các đặc thù riêng biệt của mình.
Việt Nam có số lượng thư viện công cộng cao nhất Đông Nam Á, với tổng số 6.991 thư viện công cộng. (Ảnh minh họa - Nguồn: LVN)
Việt Nam có số lượng thư viện công cộng cao nhất Đông Nam Á, với tổng số 6.991 thư viện công cộng. (Ảnh minh họa - Nguồn: LVN)

Thực tế buồn tại các thư viện cộng đồng

Thư viện công cộng là một phần không thể thiếu ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Với con số 6.991 thư viện công cộng, Việt Nam bỏ xa các nước Thái Lan đứng thứ hai với 2.116 thư viện và Malaysia đứng thứ ba với 1.392 thư viện, theo số liệu từ Mạng lưới thư viện toàn cầu. Điều đáng nói là con số này chỉ thống kê các thư viện công cộng và không bao gồm các thư viện học thuật và các loại thư viện khác.

Đơn cử như tại Hà Nội, số liệu thống kê đến hết năm 2023, trên địa bàn tại Hà Nội có 1.096 thư viện cộng đồng. Trước đây, loại hình này có tên gọi chung là thư viện cơ sở gồm: thư viện, tủ sách, phòng đọc sách tại các thôn, làng, cụm dân cư, tổ dân phố… Đa số thư viện cộng đồng hiện nay được đặt tại các nhà văn hóa thôn, làng, tổ dân phố, khu chung cư, một số ít được đặt trong khuôn viên đình, chùa.

Thư viện cộng đồng thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín - một điển hình phục vụ cộng đồng hiệu quả tại Hà Nội hiện có trên 15.000 bản sách, với đủ các thể loại, từ chính trị xã hội, giáo dục tư tưởng đạo đức, phong cách sống; tôn giáo, văn học, khoa học kỹ thuật…

Trung bình hằng năm, thư viện đón gần 3.000 lượt độc giả trong thôn, xã và người dân địa phương khác đến đọc, mượn sách. Trong số đó, có đến hơn 50% độc giả cao niên, 40% thanh, thiếu niên đến với thư viện. Đoàn khách từ thư viện Hoàng gia Thụy Điển và nhiều đoàn ở các tỉnh, thành phố trên cả nước đã từng đến đây tham quan, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và hoạt động thư viện.

Nhưng không phải thư viện cộng đồng nào trên địa bàn Hà Nội cũng được như vậy. Thực trạng chung cho thấy, số lượng thư viện cộng đồng trên địa bàn Hà Nội tương đối cao nhưng chất lượng hoạt động còn hạn chế. Một số thư viện cộng đồng tồn tại nhưng không duy trì hoạt động do các điều kiện còn khó khăn.

Hầu hết thư viện có địa điểm hoạt động nhưng vị trí không thuận tiện cho người dân hoặc diện tích sử dụng hạn chế, thiếu không gian cho hoạt động trưng bày, giới thiệu sách. Kinh phí hoạt động, vốn sách báo và nhân lực chủ yếu phụ thuộc nguồn xã hội hóa nên thiếu tính ổn định cho hoạt động phục vụ bạn đọc tại địa phương.

Theo số liệu thống kê, tính đến hết năm 2023, toàn mạng lưới thư viện cộng đồng trên địa bàn thành phố bao gồm 1.096 thư viện nhưng chỉ có 296.991 bản sách. Ít sách, cộng với sự phát triển như vũ bão của mạng xã hội, sách điện tử..., số lượng bạn đọc đến với thư viện cộng đồng ở Hà Nội ngày càng ít đi.

Điển hình là thư viện cộng đồng thôn Giang Cao xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm đã từng là địa chỉ được người dân trong thôn thường xuyên lui tới đọc sách, giao lưu, nhưng hiện nay lượng bạn đọc giảm rõ rệt, gần như vắng bóng, nên thư viện cũng chỉ còn mở cửa 2 ngày trong tuần để duy trì.

Đổi mới toàn diện để thu hút độc giả

Nhìn nhận vai trò quan trọng của thư viện cộng đồng không chỉ giúp nâng cao kiến thức cộng đồng, mà còn là nơi dành cho sinh viên, chuyên gia học tập và làm việc, tổ chức các hoạt động có giá trị như câu lạc bộ sách nhằm nâng cao sự quan tâm của công chúng đối với văn học và tổ chức các chương trình giáo dục, Bộ VH,TT&DL đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030” (Kế hoạch).

Kế hoạch được ban hành nhằm tổ chức triển khai nghiêm túc, hiệu quả việc thực hiện các nhiệm vụ được giao cho Bộ VH,TT&DL tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 9/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong Chương trình, xây dựng môi trường văn hóa ở cơ sở, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

Kế hoạch đưa ra một số nhiệm vụ chính như: rà soát, đề xuất xây dựng, sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý trong việc đổi mới hoạt động phục vụ học tập suốt đời, đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo điều kiện để người dân tự học tập trong các thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hoá...

Bên cạnh đó, Kế hoạch cũng đề cập đến việc huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi vận động tài trợ, quyên góp từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ, tổ chức, cá nhân, sự tham gia của cộng đồng, đặc biệt đội ngũ trí thức vào tổ chức hoạt động phục vụ người dân học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa...

Trao đổi với truyền thông về giải pháp để hệ thống thư viện cộng đồng ở Hà Nội hoạt động hiệu quả, Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội bà Vương Thị Lý cho biết, để phát triển, duy trì hoạt động mạng lưới thư viện cộng đồng thời gian tới, Thư viện Hà Nội nói riêng và ngành Văn hóa Thủ đô nói chung tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, quảng bá, thu hút sự quan tâm đầu tư, nâng cao tinh thần sẻ chia trách nhiệm xã hội trong tạo lập, cải thiện môi trường đọc, học tại thư viện.

Đồng thời, tham mưu các cấp chính quyền tạo dựng cơ chế, chính sách thích hợp về xã hội hóa hoạt động thư viện; bảo đảm thực hiện tốt chính sách động viên khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực về nhân lực, vật lực và tài lực cho hoạt động thư viện cộng đồng. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng trong xây dựng và phát triển văn hóa đọc hiệu quả, bền vững.

Giải pháp mà Phó Giám đốc Thư viện Hà Nội đưa ra cũng là một trong những khía cạnh chính được đề cập tới tại Lễ trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc lần thứ VI do Vụ Thư viện, Bộ VH,TT&DL tổ chức mới đây tại Hà Nội. Theo đó, một trong những nội dung được nhiều đại biểu nhấn mạnh, đó là muốn phát triển văn hóa đọc cần dựa trên ba trụ cột chính: cơ sở vật chất; trình độ chuyên môn của cán bộ thư viện; khả năng duy trì, đổi mới hoạt động thư viện.

Theo ông Trần Công Sơn, Giám đốc Thư viện tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kể từ khi thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam và sau này là Quyết định số 1862/QĐ-TTg về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, phong trào đọc sách tại nước ta đã trở thành nét đẹp được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn; đặc biệt, đã thu hút được giới trẻ đến với sách.

Tuy nhiên, việc phát triển văn hóa đọc vẫn đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, việc đầu tư cơ sở vật chất cho các thư viện còn hạn chế; hoặc khi có rồi thì lại thiếu kinh phí thực hiện cải tạo, nâng cấp. Điều này dẫn đến nhiều thư viện bị xuống cấp, cũ kỹ, khó hấp dẫn bạn đọc.

Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay với sự phát triển rất nhanh của công nghệ thông tin, thì văn hóa đọc đang có chiều hướng bị lấn át bởi văn hóa nghe - nhìn. Để cân bằng giữa phát triển văn hóa đọc theo phương thức truyền thống và văn hóa nghe - nhìn, nếu thư viện không đổi mới, hấp dẫn, kết hợp với công nghệ thông tin hiện đại thì bạn đọc sẽ không còn mặn mà với việc đến thư viện. Việc đổi mới tại thư viện phụ thuộc rất nhiều vào trình độ chuyên môn của cán bộ thư viện, khả năng duy trì, đổi mới hoạt động thư viện.

Thượng tá Phạm Văn Giang - Chủ nhiệm Nhà văn hóa Hải quân, Quân chủng Hải quân, Bộ Quốc phòng nêu quan điểm, bên cạnh cơ sở vật chất và đổi mới hoạt động, một trụ cột chính cần được các thư viện tập trung phát triển là nguồn nhân lực. Việc thiếu nhân lực chất lượng cao đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng đổi mới, sáng tạo, phát triển hoạt động của thư viện.

Theo Thượng tá Phạm Văn Giang, kiến thức chuyên môn của cán bộ, nhân viên thư viện, phòng đọc là yếu tố được lực lượng đặt lên hàng đầu. Do đó, Quân chủng Hải quân đã thường xuyên phối hợp, tổ chức tập huấn nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên thư viện, phòng đọc về công nghệ thông tin, kỹ năng tuyên truyền giới thiệu sách...

Việc tập huấn được thực hiện theo hướng “cầm tay, chỉ việc”, tăng tính thực hành chứ không chỉ dừng lại ở lý thuyết. Cán bộ, nhân viên trực tiếp viết kịch bản chương trình tọa đàm giới thiệu sách; quay, dựng video tuyên truyền phát triển văn hóa đọc... để đáp ứng được các yêu cầu khi phục vụ độc giả...

Cũng tại Lễ trao Giải thưởng phát triển văn hóa đọc lần thứ VI, còn rất nhiều “kế sách” được đưa ra như tại nhà trường tạo điều kiện tối đa để các em đọc sách ở trường bất cứ khi nào có nhu cầu; phát động phong trào “Đọc sách cùng con 30 phút mỗi ngày” tới toàn thể phụ huynh; tổ chức các cuộc thi đọc, viết cảm nhận về cuốn sách yêu thích... Tại tổ dân phố, các câu lạc bộ phối hợp mời diễn giả về chia sẻ, “truyền lửa” đam mê với văn hóa đọc...

Được biết, hiện nay, Bộ VH,TT&DL đã và đang triển khai việc đưa sách đến với công chúng thông qua các hoạt động tổ chức hội sách, phục vụ đọc sách bằng xe tô tô lưu động… và tới đây tiếp tục nghiên cứu giải pháp để các thư viện công cộng, thư viện trong cộng đồng dân cư có thêm cách tiếp cận hiệu quả, phát triển theo hướng ngày càng đổi mới, đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp Nhân dân.