Hiến kế phòng chống buôn lậu thuốc lá

(PLO) - “Buôn lậu thuốc lá mang lại lợi nhuận cho giới buôn lậu chỉ đứng sau buôn bán ma túy. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cuộc chiến chống thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn sẽ còn tiếp tục cam go, quyết liệt”, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân nhận định tại buổi tọa đàm “An toàn – hiệu quả trong phòng chống buôn lậu thuốc lá địa bàn trọng điểm phía Nam”. 
Tọa đàm “An toàn – hiệu quả trong phòng chống buôn lậu thuốc lá địa bàn trọng điểm phía Nam”.

Tọa đàm do Báo Công an nhân dân, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) và Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức sáng qua, 7/10.

Tình hình ngày càng phức tạp

Theo Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an), những năm gần đây tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc lá diễn ra trên cả ba tuyến biên giới Trung Quốc, Lào và Campuchia. Thủ đoạn chủ yếu là nhập thuốc lá vào khu kinh tế cửa khẩu, hợp thức hóa việc bán hàng cho cư dân biên giới để vận chuyển vào nội địa.

Thuốc lá từ Lào nhập lậu vào Việt Nam còn được các đầu nậu thuê người gửi cõng hàng hóa qua các trạm kiểm soát hoặc dùng thuyền máy vận chuyển hàng dọc theo bờ sông, lợi dụng trời tối, địa hình phức tạp đưa thuốc lá vào điểm tập kết và chia nhỏ, xé lẻ thuốc lá cất giấu hoặc gia cố trên các phương tiện xe khách, xe tải và các loại phương tiện khác.

Các đối tượng buôn lậu thường sử dụng các phương thức thủ đoạn phổ biến là lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối tắt, dùng lợi ích vật chất lôi kéo người dân tham gia vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới để cất giấu, tập kết, chuyển sâu vào nội địa. Các đầu nậu thường thuê người theo dõi lực lượng chức năng để báo cho đồng bọn tẩu tán hàng hóa khi các lực lượng chức năng tổ chức bắt giữ...

Tại địa bàn phía Bắc, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra chủ yếu tại các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai. Tại địa bàn miền Trung, buôn lậu chủ yếu diễn ra ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị… Trên tuyến biên giới Tây Nam, tình hình nghiêm trọng chủ yếu diễn ra tại các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Tình trạng đối tượng buôn lậu thuốc lá tổ chức thành nhóm điều khiển xe máy chở hàng lậu di chuyển trên đường với tốc độ cao, gây tai nạn giao thông (TNGT) cho người dân gây bất bình trong dư luận.

Nghiêm trọng và đáng ngại hơn, các đối tượng sẵn sàng chống trả lực lượng chống buôn lậu nếu như bị phát hiện, ngăn chặn. Ví dụ như vào tháng 9/2016, đã xảy ra vụ đối tượng trong khi tổ chức cướp lại số thuốc lá lậu đã dùng gậy đánh chết anh Nguyễn Kim Danh, cán bộ ĐộiQuản lý thị trường tỉnh (QLTT) số 1, Chi cục QLTT tỉnh Long An.

Cần giải pháp quyết liệt

Theo Trung tướng Đồng Đại Lộc, giải pháp quan trọng nhất vẫn là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân về quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia đấu tranh, chống buôn lậu nói chung, không được bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cần làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn, nắm chắc di biến động của đối tượng để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thanh truyền hình tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật của Nhà nước và răn đe các đối tượng buôn lậu hoặc tiếp tay cho hoạt động buôn lậu…

Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế nêu thực trạng, ngoài việc sẵn sàng tấn công lực lượng thi hành công vụ, sự liều lĩnh của đối tượng buôn lậu thuốc lá khi điều khiển phương tiện vận chuyển với tốc độ cao còn có thể gây tai nạn trên đường vận chuyển hoặc trốn chạy lực lượng kiểm tra. Do đó, muốn đấu tranh an toàn và hiệu quả, các lực lượng đấu tranh chống thuốc lá lậu, các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ để tăng cường sức mạnh, đủ sức chống lại số đông hoặc các băng nhóm buôn lậu. 

Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tây Ninh, Đại tá Lê Hồng Vương nêu một số kinh nghiệm trong công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá tại địa bàn. Theo Đại tá Vương, Bộ đội Biên phòng Tây Ninh cần phải quyết liệt trong đấu tranh nội bộ, chống câu móc, bảo kê buôn lậu và xử lý nghiêm những vi phạm. Đồng thời cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các địa phương giáp ranh như Đức Huệ (Long An) và Trảng Bàng (Tây Ninh) trong công tác quản lý đối tượng người dân tham gia vận chuyển tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá.

Mặt khác, phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh, Bộ đội biên phòng Tây Ninh cũng thường xuyên tổ chức khen thưởng, động viên khích lệ tinh thần cán bộ, chiến sỹ nêu gương dũng cảm, liêm khiết trong đấu tranh phòng chống buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá.

Ông Võ Thiện Ngộ - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Long An kiến nghị: Nghị định 124/2015/NĐ-CP quy định hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu số lượng từ 500 bao trở lên thì truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong khi đó, Thông tư liên tịch 36/2012/BCT-BCA-BYT-VKSNDTC-TANDTC quy định số lượng từ 1.500 bao trở lên. Do sự chồng chéo trong hệ thống văn bản như trên nên việc bắt giữ các đối tượng vận chuyển 500 bao thuốc lá điếu trở lên vẫn không khởi tố hình sự được.

Ông Ngộ đề nghị cần sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC phù hợp với quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP. Đồng thời kiến nghị về việc xem xét cho bổ sung thêm biên chế lực lượng; trang bị bổ sung các điều kiện vật chất để phục vụ công tác chống lậu và nhất là phải bảo vệ an toàn về con người trong quá trình thực thi công vụ.

Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá lậu lấy đi 20% thị phần trong nước, mất sản lượng 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng 10.000ha), mất 5 triệu công lao động/năm của nông dân, mất việc làm của 600.000 công nhân lao động/ năm và nhiều ảnh hường khác. Đặc biệt gây thất thu thuế nặng nề cho ngân sách. Năm 2012, con số thất thu thuế khoảng 6.500 tỷ đồng, sang năm 2013 là 6.700 tỷ đồng và hai năm gần đây, con số này đã lên đến 10.000 tỷ đồng mỗi năm.

Đọc thêm