Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn, không để tình hình phức tạp; đồng thời chịu trách nhiệm quản lý, bố trí sử dụng Trụ sở Trạm Kiểm soát liên hợp Than Muội đúng quy định, không để lãng phí.
Trước đó, như Báo Pháp luật VN điện tử đã thông tin, trước tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp ở Lạng Sơn, UBND tỉnh này đã bỏ hơn 64 tỉ đồng để xây dựng trạm Kiểm soát liên hợp (KSLH mới): Trạm KSLH tại ngã tư Than Muội, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng (gọi tắt là trạm Than Muội), trên diện tích 22.613 m2, với mục đích thay thế trạm KSLH Dốc Quýt hiện đang hoạt động.
Nhưng, điều oái ăm đã xảy ra, trạm KSLH Tham Muội nay đã xây dựng xong và đang sẵn sàng đưa vào sử dụng để thay thế trạm Dốc Quýt thì chính UBND tỉnh Lạng Sơn lại đề xuất với Thủ tướng giữ nguyên trạm Dốc Quýt vì trạm Than Muộn đã đầu tư xây dựng “nhầm chỗ”, sẽ không phát huy được hiệu quả chống buôn lậu.
Trạm kiểm soát chống buôn lậu đặt đâu cho đúng. Ảnh: XH |
Về việc nhầm lẫn, đầu tư chống buôn lậu “nhầm chỗ” đối với trạm Than Muội đi đến lãng phí? Ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn cho biết, nguyên nhân khách quan trạm Than Muội xây xong chưa sử dụng do dự án đường cao tốc Lạng Sơn-Bắc Giang được khởi công từ cuối năm 2015, dự kiến hết năm 2017 sẽ được hoàn thành.
Chính vì thế, vị trí đặt trạm Than Muội lúc này không còn phù hợp khi con đường này hoàn thành, do đó hoạt động sẽ rất hạn chế.
Thứ hai, việc đặt trạm KSLH ở Than Muội với mục tiêu chống buôn lậu, nhưng vị trí đặt trái tuyến, mật độ xe hàng ngày đi lại qua khu vực rất đông khoảng 7-8 nghìn xe nên sẽ dẫn đến xung đột giao thông.
Thứ 3, đặt trạm KSLH ở Than Muội sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của Lạng Sơn trong thu hút đầu tư, trong thúc đẩy hoạt động XNK vì vị trí đặt gần khu vực trước khi vào thành phố. Thêm nữa, khi chuyển trạm Dốc Quýt về trạm Than Muội thì việc hàng hóa nhập lậu từ cửa khẩu vào thành phố Lạng Sơn cũng như thị trấn Đồng Mỏ sẽ có diễn biến phức tạp, đồng thời buôn lậu tuyến đường sắt Đồng Đăng sẽ nguy cơ gia tăng.
Theo Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, tình hình buôn lậu vào thời điểm cuối năm 2014 - đầu 2015 diễn biến phức tạp; trạm Dốc Quýt cơ sở hạ tầng đã xuống cấp không đáp ứng được công tác chống buôn lậu. Nên Sở Công thương đồng tình phương án di dời trạm Dốc Quýt. Lúc này, đặt trạm Than Muội là cần thiết vì có thể bao quát được cả những chiến lược khác ngoài việc kiểm soát hàng hóa nhập theo các tuyến đường truyền thống.
Ông Vũ Hồng Thủy, Giám đốc Sở Công thương cho biết, khi xác định vị trí đặt trạm KSLH mới tại Than Muội, phía tỉnh Lạng Sơn không lường hết được các vấn đề nên khi xây xong có nhiều ý kiến trái chiều dẫn đến việc chưa thể dời trạm Dốc Quýt về Than Muội hoạt động.
“Việc trạm Dốc Quýt có chuyển đi hay giữ nguyên đang là vấn đề rất nhạy cảm của tỉnh Lạng Sơn. Sở Công thương chỉ là tổ chức thực hiện, được giao là chủ đầu tư xây trạm Than Muội, đầu tư xong mình báo cáo là xong, còn hoạt động mình không quyết được. Do đó, Sở Công thương sẽ chờ ý kiến chỉ đạo của cơ quan thẩm quyền cao hơn và thực hiện theo”, ông Thủy nói.
Buôn lậu Lạng Sơn diễn biến phức tạp. Ảnh: HH |
Rõ ràng tình hình buôn lậu ở Lạng Sơn đang diễn biến phức tạp, khiến các cơ quan chức năng rất đau đầu.
Ngày 22/7, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất 2 phương án hoạt động của trạm KSLH: Một, giữ nguyên hoạt động của trạm KSLH Dốc Quýt hiện tại. Hai, giải pháp đối với trạm KSLH Than Muội là UBND tỉnh Lạng Sơn giao cho UBND huyện Chi Lăng tiếp nhận, quản lý và sử dụng để bố trí cho UBND xã Quang Lang làm trụ sở.