Ngày càng gần với quan niệm hiện đại
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) Nguyễn Phước Thọ nhấn mạnh, Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiên chính thức khẳng định Chính phủ thực hiện quyền hành pháp. Theo đó, đã có một số sửa đổi, bổ sung quan trọng về phạm vi và nội dung quyền hành pháp của Chính phủ. Với nội dung quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 96 của Hiến pháp mới, quyền hành pháp của Chính phủ được bổ sung, đổi mới, hoàn thiện một bước, phù hợp với bản chất, chức năng của quyền hành pháp hiện đại: hoạch định, điều hành chính sách quốc gia và tổ chức thi hành các đạo luật.
Phó Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Cương phân tích cụ thể thẩm quyền của Chính phủ theo Hiến pháp mới không chỉ có việc “tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội” như trước đây mà còn được bổ sung nội dung “đề xuất, xây dựng chính sách trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều này” cùng với thẩm quyền “trình dự án luật, dự án ngân sách Nhà nước và các dự án khác trước Quốc hội; trình dự án pháp lệnh trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội” (Điều 96 Hiến pháp năm 2013). Phù hợp với những bổ sung trên, thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ (Điều 98 Hiến pháp năm 2013) cũng được bổ sung nội dung “lãnh đạo việc xây dựng chính sách”.
Quyền hành pháp ngày nay không chỉ là công việc điều hành chính sách quốc gia mà còn phải thực hiện công việc hoạch định chính sách quốc gia để cơ quan lập pháp phê chuẩn chính sách một cách chính thức. “Như vậy, với việc ghi nhận rõ hơn các nội dung thuộc về quyền hành pháp trong Hiến pháp năm 2013, quan niệm của chúng ta về quyền hành pháp đã ngày càng tiệm cận với các quan niệm trong chính trị học hiện đại ở các nước phát triển” – ông Cương nhận định.
Còn nhiều công việc cần phải làm
Nhiều chuyên gia nhận định, để thực thi Hiến pháp 2013, có nhiều công việc cần phải làm. Ông Cương nêu lên 3 vấn đề mới cần phải giải quyết: Thứ nhất, công việc hoạch định và điều hành chính sách quốc gia của Chính phủ tới đây có đơn thuần chỉ là việc chuẩn bị và trình các dự án luật và một số dự án chính sách khác như lâu nay chúng ta thường hiểu?
Thứ hai, khía cạnh phân công lao động nội bộ của hệ thống bộ máy thực thi quyền hành pháp ở nước ta có diễn ra theo hướng phân tách khá rõ công việc hành pháp chính trị (hoạch định chính sách quốc gia) với công việc chấp hành và điều hành chính sách của bộ máy hành chính chuyên nghiệp không?
Thứ ba, kinh nghiệm quốc tế cho thấy quá trình xây dựng các đạo luật vẫn luôn là sản phẩm của sự tương tác giữa cơ quan thực hiện quyền hành pháp và cơ quan thực hiện quyền lập pháp, thì để Chính phủ thực hiện đầy đủ quyền hành pháp, các dự luật do Chính phủ trình Quốc hội, Chính phủ có quyền bảo vệ nội dung của dự luật tới tận thời điểm Quốc hội bấm nút thông qua?
Một chuyên gia đến từ Văn phòng Chính phủ lại kiến nghị cần làm rõ, phân biệt và tách bạch các loại chức năng cụ thể của Chính phủ và của các cơ quan của Chính phủ trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) cần tập trung quy định cụ thể, tiếp tục hoàn thiện cách thức, phương thức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp trao cho…
Không những thế, phân công, phân cấp mạnh cho các Bộ, ngành và chính quyền địa phương, kể cả việc phân cấp cho thị trường, thực hiện những công việc thuộc phạm vi tổ chức thi hành pháp luật để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ “chăm lo các vấn đề cơ bản, chiến lược trong công tác quản lý vĩ mô”.