Hơn 2 năm sau khi Nghị định 100/2015/NĐ-CP có hiệu lực, tháng 4 vừa qua, NHCSXH triển khai cho vay ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, gọi tắt là cho vay nhà ở xã hội. Đây là tin vui đối với những người thu nhập thấp cả nước nói chung, người thu nhập thấp ở Huế nói riêng.
Gia đình bà Hà Thị Loan (trú tại 288 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, TPHuế) thuộc diện hộ cận nghèo phấn khởi kể về quá trình xây dựng ngôi nhà mới mà cả gia đình bà đang sinh sống và niềm vui khi trở thành những khách hàng đầu tiên được vay vốn chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP tại NHCSXH Thừa Thiên - Huế: “Ngôi nhà này vợ chồng con gái tôi mới vừa xây xong, bằng số tiền dành dụm được và tiền vay từ NHCSXH đấy. Khi NHCSXH thông báo triển khai cho vay, con gái tôi đã liên hệ với UBND, Hội Phụ nữ phường và được NHCSXH hướng dẫn đăng ký và làm thủ tục vay vốn. Các cháu được vay số tiền 150 triệu đồng. Số tiền vay đã được NHCSXH giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt để gia đình thanh toán tiền nhân công và mua vật liệu xây dựng”.
Nhiều gia đình khác cũng có chung niềm vui như gia đình bà Loan. Ông Trần Minh Khôi (trú ở tổ dân phố 4, thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) là một trong số đó. Cả hai vợ chồng ông Khôi thuộc đối tượng cán bộ, công chức, viên chức. Được biết về chương trình từ lâu và luôn quan tâm theo dõi việc triển khai thực hiện chương trình, gia đình ông thực sự may mắn vì xây nhà đúng thời điểm giải ngân vốn vay chương trình này. Được chính quyền địa phương và NHCSXH huyện Phú Lộc tạo điều kiện, gia đình ông được vay 313 triệu đồng để xây dựng nhà ở. “Hiện tại NHCSXH đã giải ngân 156,5 triệu đồng và số tiền còn lại sẽ được giải ngân để hoàn thiện ngôi nhà”, ông Khôi cho biết.
Nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội mang nhiều ý nghĩa, tạo cơ hội cho các gia đình thuộc đối tượng chính sách, công nhân hay các hộ có thu nhập thấp tại khu vực đô thị ổn định chỗ ở, yên tâm làm ăn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, có những điều kiện vay vốn mang tính bắt buộc tác động đến tiến độ thực hiện chương trình. Ví dụ, đối với điều kiện người vay vốn phải có hộ khẩu thường trú và đất làm nhà cùng một địa chỉ, nhiều hộ đã phải mất thời gian để đáp ứng điều kiện này do quy định phải có nhà ở mới tiến hành nhập hộ khẩu được. “Trong thực tế, chúng tôi đang ở nhờ nhà bố mẹ và mới dành dụm mua được mảnh đất nên khó có thể có hộ khẩu trên mảnh đất đó được. Nên chăng, NHCSXH xem xét sửa đổi quy định này thành người vay có quyền sử dụng hợp pháp đối với mảnh đất nơi sẽ xây nhà (đứng tên trên sổ đỏ thửa đất), vừa phù hợp với quy định về hộ khẩu, vừa tạo điều kiện cho người có nhu cầu tiếp cận vốn vay” - một công chức trẻ ở thành phố Huế kiến nghị.
Một nguyên nhân khác tác động tới tiến độ giải ngân chương trình nhà ở xã hội, theo ông Văn Đức Thọ - Phó Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Thừa Thiên - Huế, là do thời điểm này, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế đang vào mùa mưa nên tâm lý người dân chưa muốn xây dựng hay sửa chữa nhà. Ngoài ra, đối với trường hợp vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, hầu hết các chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đang vay vốn ngân hàng thương mại và đã thế chấp dự án nhưng chưa giải chấp được nên người vay không thể dùng căn hộ mua hoặc thuê mua đó làm đảm bảo nợ cho NHCSXH.
Ông Văn Đức Thọ cũng cho biết, năm 2018 NHCSXH Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên - Huế được giao 20 tỷ đồng nguồn vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội. Dự kiến đến hết tháng 11/2018, NHCSXH sẽ cho vay hết 15.560 tỷ đồng, ước đạt 77,8% kế hoạch được giao. Số vốn còn lại, NHCSXH sẽ phấn đấu hoàn thành trong tháng 12 tới. Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của người dân, dự kiến năm 2019, nhu cầu vốn để cho vay chương trình nhà ở xã hội trên địa bàn Thừa Thiên-Huế là khoảng trên 30 tỷ đồng.