Toàn tỉnh có gần 6 ngàn hòa giải viên
Hàng năm, Sở Tư pháp tỉnh Lai Châu đều ban hành văn bản chỉ đạo Phòng Tư pháp các huyện, thành phố tích cực phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cùng cấp hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Ủy ban MTTQ cấp xã trong việc rà soát, thành lập, kiện toàn tổ hòa giải và công nhận, cho thôi tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên.
Việc củng cố, kiện toàn tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở được các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện thường xuyên, đối tượng được lựa chọn, bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải, hòa giải viên là những người có uy tín, năng lực, nhiệt tình, có sự am hiểu pháp luật. Trước năm 2009, số lượng tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh là 994 với 4.148 hòa giải viên. Đến nay, toàn tỉnh có 1.443 tổ hòa giải với 5.841 hòa giải viên.
Ngoài ra, do đặc thù địa bàn tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống không tập trung, nhận thức, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế nên việc phổ biến, quán triệt các nội dung pháp luật nói chung, pháp luật về hòa giải ở cơ sở nói riêng trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng đổi mới, linh hoạt sao cho phù hợp với đối tượng, địa bàn cụ thể.
Ngoài việc Sở Tư pháp tổ chức các hội nghị, các lớp tập huấn, biên soạn, cấp phát các tài liệu để các hòa giải viên nghiên cứu tìm hiểu, Phòng Tư pháp các huyện, thành phố cũng chủ động biên soạn các loại tài liệu tuyên truyền phù hợp với thực tế địa bàn; phối hợp với Công an huyện, Huyện Đoàn, Hội Phụ nữ, Tòa án nhân dân huyện… tổ chức các buổi nói chuyện, giao lưu tại các trường học; tổ chức các buổi xét xử lưu động để tuyên truyền các quy định về phòng, chống ma túy; an toàn giao thông; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng, chống bạo lực gia đình.
Trong quan hệ phối hợp, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp của tỉnh Lai Châu cũng chỉ đạo việc triển khai thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở trong các phong trào, cuộc vận động tại cộng đồng dân cư. Đặc biệt, Ban công tác Mặt trận cùng các tổ hòa giải đã tích cực phối hợp với các khu dân cư để giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh ngay từ cơ sở, xây dựng các “nhóm nòng cốt”, kịp thời phát hiện các “điểm sáng chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”… Qua đó kịp thời nắm bắt, hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở, tránh tình trạng vượt cấp và kéo dài.
Đưa nội dung hòa giải vào hương ước
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ cấp xã đã phối hợp với UBND cùng cấp hướng dẫn, chỉ đạo khu dân cư đưa nội dung thực hiện pháp luật về hòa giải ở cơ sở vào xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, trong đó đề ra các biện pháp duy trì, bảo vệ trật tự an toàn xã hội.
Phát hiện kịp thời và đấu tranh với mọi hành vi vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, giải quyết những mâu thuẫn, giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư, góp phần hỗ trợ tích cực cho hoạt động quản lý nhà nước bằng pháp luật, giảm thiểu những tác động tiêu cực phát sinh, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa trong các khu dân cư.
Năm 2016, Sở Tư pháp tỉnh đã phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và một số cơ quan liên quan đề xuất UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 712/KH-UBND ngày 21/4/2016 về tổ chức Hội thi hòa giải viên giỏi tỉnh. Hội thi đã tạo điều kiện để các hòa giải viên ở cơ sở giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, đồng thời biểu dương và tôn vinh những điển hình xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Từ đó, góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành; kịp thời phổ biến một số lĩnh vực pháp luật có liên quan trực tiếp tới người dân như: Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bảo vệ môi trường; Bộ luật Dân sự…
Nhờ sự phối hợp chặt chẽ ấy, công tác hòa giải ở cơ sở đã ngày càng được gắn kết với nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội của địa phương, đưa kết quả thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở thành một tiêu chí trong đánh giá thực hiện cuộc vận động. Đồng thời góp phần động viên, tôn vinh, nhân rộng các mô hình, điển hình về hòa giải ở cơ sở.
Đặc biệt, giúp nâng cao hiệu quả phối hợp với chính quyền, vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hòa giải, khuyến khích những thành viên của gia đình mình và những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm hòa giải tham gia tổ hòa giải.