Vụ phá nhà xôn xao dư luận
Khi gia đình tìm đến báo PLVN, ông Tâm và con trai là Nguyễn Cảnh Thực (SN 1994) đã bị Công an Thị xã Hoàng Mai khởi tố, bắt tạm giam về tội “Cố ý hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” theo quy định tại Điều 178 BLHS 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Cha con ông Tâm bị bắt ngày 1/4/2019, sau hơn 2 tháng xảy ra sự việc. Hoảng hốt trước hậu quả nghiêm trọng, gia đình ông Tâm mới viết đơn cầu cứu gửi báo PLVN. Vợ ông Tâm rầu rĩ thừa nhận hành vi của chồng con mình là thiếu hiểu biết pháp luật, nhưng bà cho rằng “nguồn cơn sự việc không đúng như dư luận phê phán lâu nay về chồng tôi”.
Vợ ông Tâm trình bày sự việc sau khi chồng con đã bị tạm giam. |
Sự việc nhanh chóng gây xôn xao dư luận, nhiều ý kiến bất bình “ném đá” hành vi của ông Tâm và xót thương cho tình cảnh của mẹ con bà Hựu. Trao đổi trên các kênh truyền thông, bà Hựu cho rằng ngôi nhà cấp 4 của gia đình bà xây từ năm 2003, trên mảnh đất vốn là của người bác bà Hựu. Người bác này đã viết giấy chuyển nhượng cho bà Hựu, đồng ý cho bà xây nhà ở.
Đến năm 2010, do nợ tiền ông Tâm, bà Hựu ký giấy chuyển nhượng diện tích đất trên cho ông, sau đó đi xuất khẩu lao động. Trong suốt 8 năm bà ở nước ngoài, chồng con bà Hựu vẫn ở trong ngôi nhà trên. Đến khi bà về nước có tiền đề nghị “chuộc” lại mảnh đất thì ông Tâm không đồng ý. Sau đó, ông Tâm nhiều lần yêu cầu gia đình bà Hựu chuyển đi để ông lấy đất, và đỉnh điểm là việc ông Tâm ủi sập nhà, ném đồ đạc của bà ra ngoài.
Người phụ nữ “nhảy dù” vào mảnh đất tranh chấp?
Tuy nhiên, gia đình ông Tâm phản bác, cho rằng sự thật không đúng như bà Hựu nói. Vợ ông Tâm phân trần: “Chồng tôi bị mang tiếng oan quá. Bấy lâu nay gia đình tôi vẫn âm thầm chịu đựng “tiếng ác”, chờ đợi cơ quan chức năng phân xử. Chồng tôi vốn chất phác, ông ấy cứ nghĩ đơn giản đất đã mua thì có quyền sử dụng. Người khác đến ở là bất hợp pháp, ông ấy yêu cầu họ chuyển đi không được, báo chính quyền công an đến giải quyết cũng không được nên mới kích động đưa máy san mặt bằng. Trong lúc việc đúng sai liên quan đến mảnh đất còn chưa rõ thì dư luận đã phê phán gia đình tôi. Tôi mong trình bày rõ ràng sự việc để mọi người nhìn nhận khách quan, việc nào ra việc nấy”.
Ngôi nhà cấp 4 xây từ năm 2003 trên phần đã bị phá dỡ. |
Theo vợ ông Tâm, nguồn gốc thửa đất số 888.5, lô số 02 (được UBND huyện quỳnh Lưu (Nghệ An) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 10/05/1996) là của bác bà Hựu, tức ông Nguyễn Đình Phú. Ngày 20/06/2003, ông Phú chuyển nhượng thửa đất này cho bà Hựu với diện tích là 203m2 để xây nhà ở. Trong giấy chuyển nhượng viết tay có đầy đủ chữ ký của vợ chồng ông Phú.
Đến năm 2009, bà Hựu bàn bạc với ông Tâm về việc bán lô đất trên và đã nhiều lần ứng trước tiền đất từ ông Tâm. Cụ thể, ngày 25/11/2009, bà Hựu ứng ông Tâm 50 triệu đồng; Ngày 05/12/2009, ứng thêm 50 triệu đồng. Cả hai lần ứng tiền này đều có bản ảnh và chữ ký xác nhận.
Ngày 28/03/2010, tại UBND xã Quỳnh Xuân, bà Hựu làm giấy chuyển nhượng QSDĐ tại thôn 12 xã Quỳnh Xuân, huyện Quỳnh Lưu (nay thuộc phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai) cho ông Nguyễn Cảnh Tâm với số tiền 260 triệu đồng. Giấy chuyển nhượng được UBND xã Quỳnh Xuân xác nhận là hợp pháp, đúng sự thật.
Sau khi trừ đi khoản tiền đã ứng trước, ông Tâm giao cho bà Hựu 160 triệu đồng ngay tại trụ sở UBND xã Quỳnh Xuân. Sau khi nhận đủ số tiền chuyển nhượng, bà Hựu đã ký tên dưới giấy chuyển nhượng.
Sau khi mua đất của bà Hựu, ông Tâm cho gia đình bà Hựu ở tạm thời gian ngắn vì có mối quan hệ thân tình. Đến năm 2011, khi bà Hựu đi xuất khẩu lao động thì chồng con bà Hựu không ở nhờ trong nhà căn nhà đó nữa.
Tháng 11/2018, bà Hựu về nước và đến nhà ông Tâm xin mua lại mảnh đất trên, gia đình ông Tâm không đồng ý. Ông Tâm trả lời thêm rằng nếu bà Hựu muốn mua đất ông sẽ tìm và giới thiệu cho bà mảnh đất khác. Còn mảnh đất ông đã được bà Hựu chuyển nhượng, giá thời điểm hiện tại đã quá chênh lệch so với trước đây, trong khi bà Hựu muốn mua lại đất với giá như thời điểm đã chuyển nhượng năm 2010.
Khi nghe trả lời từ ông Tâm thì bà Hựu giữ im lặng, không tỏ thái độ và không ý kiến gì thêm. Bà Hựu thuê nhà trọ ở một địa chỉ khác cùng địa phương. Nhưng sau đó đến 3h sáng gần tết (gia đình không nhớ thời gian cụ thể - PV) bà Hựu đã phá khóa chuyển đồ vào nhà ở trên mảnh đất đã chuyển nhượng cho ông Tâm.
Khi phát hiện sự việc, ông Tâm đã làm đơn đề nghị địa phương yêu cầu bà Hựu thu dọn đồ đạc và tài sản ra khỏi khu đất của gia đình ông nhưng không được chính quyền địa phương giải quyết.
Khoảng thời gian cuối tháng 01/2019, vì nhu cầu dùng đất để xây dựng nhà hàng cung ứng thực phẩm sạch nên ông Tâm tiến hành phá dỡ một phần ngôi nhà cấp 4 (được xây dựng năm 2003 đã xuống cấp). Khi bắt đầu phá dỡ, ông Tâm có thông báo cho chính quyền địa phương và cơ quan công an, nhưng sau khi phá dỡ xong các cơ quan chức năng mới có mặt tại hiện trường.
Khi chuyển đồ đạc của bà Hựu ra khỏi nhà, ông Tâm có làm thủ tục bàn giao tài sản cho Công an phường Quỳnh Xuân nhưng không được tiếp nhận nên đã gửi nhờ vào nhà hàng xóm bên cạnh.
Phá dỡ xong nhà, ông Tâm tiến hành san lấp mặt bằng để xây dựng công trình thì bà Hựu mang giường, chiếu tạm bợ đến. Vì bị ngăn cản nhiều lần không thực hiện được việc xây dựng, ông Tâm bị kích động và đốt chiếc giường nói trên.
Hơn 2 tháng sau, ngày 1/4, ông Tâm cùng con trai bị Công an thị xã Hoàng Mai bắt tạm giam, khởi tố về tội “cố ý hủy hoại tài sản”.
Gia đình ông Tâm cho biết, việc ai đúng ai sai sẽ có pháp luật xử lý. Gia đình chỉ mong sự việc được trình bày đúng sự thật.
Giấy ứng tiền bán đất ở của bà Hựu với vợ chồng ông Tâm. |
Chính quyền thất trách?
PLVN đã liên hệ với người dân địa phương để xác minh thêm về sự việc. Ông Lê Hữu Thịnh nhà ở đối diện mảnh đất trên cho hay, trong thời gian bà Hựu đi xuất khẩu lao động thì chồng con có ở tại ngôi nhà đó một thời gian, nhưng khi ở khi không, sau đó căn nhà khóa cửa. Hàng xóm không rõ nội tình việc trao đổi mua bán đất giữa hai nhà, chỉ biết khi bà Hựu đi nước ngoài về có dọn đến ở. Sau đó giữa hai gia đình xảy ra tranh chấp đất đai.
Cũng theo lời người hàng xóm, hôm ông Tâm tiến hành phá nhà cũng không phải giấu diếm gì mà nhiều người hàng xóm cũng biết chuyện đến chứng kiến. Không thấy lực lượng chức năng, người dân đã gọi điện báo cho công an địa phương. Công an sau đó có đến nhưng “không can thiệp mà chỉ đứng nhìn rồi ra về”.
Ngay khi sự việc xảy ra, người dân đã đặt câu hỏi về vai trò của cơ quan chức năng trong vụ việc. Nhiều người cho rằng nếu chính quyền có động thái xử lý vụ việc ngay từ đầu, có hướng dẫn cụ thể cho người dân thì không xảy ra việc đáng tiếc.
“Nếu quả thật anh Tâm đã bỏ tiền ra mua đất thì việc anh ấy cho người đập phá căn nhà đó khi đang xảy ra tranh chấp vẫn là sai. Hôm anh ấy cho người làm việc đó, tôi có khuyên nên dừng lại thì anh ấy trả lời: “Nhà của tôi thì tôi phá”. Giờ thì anh Tâm và con trai đã bị bắt giam. Khổ thân anh ấy đã mất tiền, mất đất, nay lại ngồi tù”, ông Thịnh xót xa cho người hàng xóm.
Hiện dư luận địa phương đang tồn tại nhiều luồng quan điểm. Việc tranh chấp về mảnh đất giữa ông Tâm và bà Hựu chưa rõ đúng sai. Một số ý kiến cho rằng ông Tâm phá dỡ ngôi nhà là vi phạm pháp luật, nhưng bà Hựu cố tình “nhảy dù” trong ngôi nhà đang tranh chấp cũng “không vừa”.
Đặc biệt là sự thờ ơ của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đã đẩy sự việc diễn biến căng thẳng hơn, khiến những người dân chỉ mới nhận biết mặt chữ như ông Tâm, bà Hựu lâm vào tình cảnh tranh chấp, hành xử bộc phát đáng buồn.
Trao đổi với PLVN qua điện thoại, bà Nguyễn Thị Hựu xác nhận trước đây có nợ tiền lô đề với gia đình anh Tâm, nhưng bà phủ nhận việc mình chuyển nhượng đất mà chỉ cho rằng đó là giấy “cấn nợ” do vợ chồng ông Tâm tự soạn. “Vì thiếu hiểu biết, không biết chữ nên tôi đã ký vào giấy đó. Sau khi đi nước ngoài về, với mong muốn chuộc lại mảnh đất của gia đình mình, tôi đã sang trình bày với anh Tâm thì được anh cho biết chỉ bán lại với giá hơn 1 tỷ đồng. Sau đó, anh ấy cho người san mất căn nhà của chúng tôi”. Bà Hựu nói thêm, nếu bà muốn chuyển nhượng đất cần có chữ ký của chồng bà nữa, một mình bà không có quyền. Bà Hựu khẳng định mảnh đất đó hiện trên giấy tờ vẫn thuộc quyền sở hữu của gia đình mình. Mấy tháng nay, bà và hai con khi thì thuê khách sạn, lúc thì tá túc nhà họ hàng. Chồng bà mỗi lần đi làm xa về cũng thuê khách sạn ở tạm. Cuộc sống vẫn chưa ổn định.
Trong khi đó, gia đình ông Tâm lại cho rằng đã “mua xong” mảnh đất số 888.5 từ bà Hựu, việc bà chuyển nhượng cho vợ chồng ông Tâm có chính quyền địa phương xác nhận, hai bên đều ký tên.
Bà Hựu nói mình không biết chữ, chỉ ký tên. Còn gia đình ông Tâm cũng cho biết ông không thạo mặt chữ, chỉ ký và viết “nghuệch ngoạc” tên mình.
Câu chuyện ai mới là chủ sở hữu mảnh đất đang tranh chấp giữa ông Tâm và bà Hựu có nhiều tình tiết rắc rối. Giấy tờ chuyển nhượng là do UBND phường Quỳnh Xuân (thời điểm đó là xã Quỳnh Xuân) soạn, ông Tâm không biết chữ, chỉ biết ký mỗi tên Nguyễn Cảnh Tâm. Hiện giấy tờ mua bán đang có bản gốc có xác nhận của UBND xã Quỳnh Xuân. Bà Hựu cũng nói bà không biết chữ, một mình bà không có quyền bán đất, cần có chữ ký của chồng bà.
Hơn nữa, thông tin từ gia đình ông Tâm cho biết, khi giải phóng mặt bằng làm đường quốc lộ 1A, địa phương xác định đền bù tài sản trên đất cho ông Tâm chứ không phải đền cho bà Hựu. Gia đình cho rằng như vậy địa phương đã “khẳng định” tài sản trên đất là của ông Tâm.
Tranh cãi hiện chưa có hồi kết.