Mới đây, UBND TP Huế đã kết luận cô Thanh có những vi phạm trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành nên cần phải luân chuyển đến đơn vị khác.
Kiểm điểm giáo viên đến nỗi phải nhập viện
Trường Mầm non An Đông có 11 lớp, 24 giáo viên (GV), cơ sở 1 đóng ở đường Lê Minh, cơ sở 2 đường Trần Thanh Mại (đều thuộc TP Huế). Hiệu trưởng Thanh trước là giáo viên trường Mầm non 8/3, sau đó được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng trường Mầm non Thủy Biều, cách đây 5 năm về trường Mầm non An Đông giữ chức hiệu trưởng.
Mới đây, UBND TP Huế đã có kết luận về việc giải quyết đơn kiến nghị của tập thể giáo viên trường. Kết luận nêu, hành vi của Hiệu trưởng Thanh vi phạm các điều khoản quy định về đạo đức nhà giáo, quy tắc ứng xử của nhà trường… UBND TP Huế cho rằng Hiệu trưởng Thanh về năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành chưa linh hoạt, chưa mềm dẻo, còn nóng vội nên mới xảy ra các sự việc trên.
Trước đó, vào ngày 30/8/2016, dù chỉ mới nghe qua thông tin cô Dương Thị Trang (53 tuổi) có hành vi đánh học sinh, Hiệu trưởng Thanh vội vàng họp hội đồng sư phạm, lấy phiếu kín để “buộc tội” giáo viên Trang có sai phạm. Cuộc họp kéo dài từ 17h30’ đến chừng 22h30’, dù trước đó hàng chục nữ giáo viên trong trường vừa trải qua một ngày ròng vất vả nuôi giữ trẻ, bụng đói meo.
Những ngày sau đó, bà hiệu trưởng tiếp tục “trừng phạt” giáo viên gần tuổi nghỉ hưu Dương Thị Trang với “độc chiêu” bắt làm kiểm điểm. Đỉnh điểm vào ngày 19/9/2016, cô Trang bị buộc phải làm việc trực tiếp với hiệu trưởng, tiếp tục viết kiểm điểm nhiều giờ, trong tình trạng sức khỏe suy kiệt, ngồi không vững trên ghế. Hậu quả, cô Trang bị đột quỵ, gục ngay trên bàn vào thời điểm 11h30’ trưa, phải cấp cứu tại khoa Cấp cứu Hồi sức Bệnh viện TW Huế.
Kết luận của UBND TP Huế nêu, hành vi của Hiệu trưởng Thanh là tùy tiện, nóng vội, trái quy định pháp luật. Buổi họp hội đồng sư phạm quá kéo dài, quá khuya vì các cô giáo đã làm việc cả ngày.
Lẽ ra Hiệu trưởng Thanh với vai trò là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành hoạt động nhà trường phải có kế hoạch tổ chức bố trí thời gian họp hợp lý hơn trên phương châm “Vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà”, tạo điều kiện để cho các cô giáo về sớm nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình, tái tạo sức lao động phục vụ công tác cho ngày hôm sau.
Hiệu trưởng Thanh cũng đã không có động thái chỉ đạo khẩn cấp để cấp cứu kịp thời mà chờ người nhà cô Dương Thị Trang đến chở đi cấp cứu và nhập viện điều trị từ ngày 19/9 đến 13/10/2016 với bệnh án: Ngất, do stress tâm lý, suy nhược cơ thể. Hành vi này là thiếu khoa học, thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Trao đổi với PLVN, một giáo viên trường Mầm non An Đông bức xúc: “Chúng tôi nghĩ cô Thanh không chỉ thiếu trách nhiệm, vi phạm đạo đức, mà còn quá tàn nhẫn, coi thường tính mạng người khác, khi bình thản nhìn đồng nghiệp bằng tuổi mẹ mình ngất ngay tại trường nhưng không trực tiếp đưa đi cấp cứu mà đợi người nhà đến xử lý hậu quả sau đó”.
Vẫn lời giáo viên này: “Hai năm qua, hầu như tháng nào cô Thanh cũng cho họp đột xuất, đến 10h đêm mới về là chuyện thường. Về muộn bị chồng thắc mắc phải giải thích rất mệt. Có hôm chồng một giáo viên trẻ vì sốt ruột khi đã muộn mà vợ vẫn chưa về nên tới trường tìm, thế là cô Thanh với người đó cãi nhau. Giáo viên chúng tôi đi làm cả ngày, đa phần con đều nhỏ mà nhưng phải về muộn ai cũng lắc đầu ngao ngán. Có lẽ trường chúng tôi là trường hay họp về muộn nhất Việt Nam”.
|
Nữ hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Thanh (ngoài cùng bên trái) |
Nhiều chuyện “động trời” khác
Theo một số cô giáo trong trường, Hiệu trưởng Thanh còn có nhiều vi phạm. Cụ thể vào tháng 7/2014, cô Liêu Linh Châu đang nằm viện điều trị cắt bỏ tử cung toàn phần nhưng bà Thanh vẫn yêu cầu nguyên Hiệu phó của trường (giờ đã nghỉ hưu) điện thoại “lệnh” cô Linh Châu về trường họp gấp.
Ngoài ra, đến ngày 31/7/2014, vị hiệu trưởng này còn nhắn tin vẻ dọa nạt, thiếu lịch sự với người mắc bệnh nặng: “Chị có ngon hãy ra trước cuộc họp hay gặp Thanh mà góp ý phê bình chứ đừng nói linh tinh. Thanh còn nghe chị nói linh tinh một lần nữa thì sẽ không hay mô…”, “Tốt nhất chị nên nói cẩn thận, biết thì nói, không biết thì không nên nói lung tung. Sẽ có hậu quả không tốt đâu”. Nhận xét về những tin nhắn này, lãnh đạo TP Huế khẳng định, bà Thanh đã “ứng xử không văn minh, lịch sự trong giao tiếp với đồng nghiệp”.
Một cô giáo khác phản ánh: “Người ta phạm pháp, đang ngồi tù, pháp luật vẫn nhân đạo cho nằm viện điều trị, thế mà cô Hiệu trưởng này biết chắc nhân viên mình đau ốm vẫn ép tới trường họp cho bằng được. Quyền của chúng tôi là được hưởng sự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo chế độ nhưng vị Hiệu trưởng này đâu có thực hiện”.
Chưa dừng lại, trong cuộc họp vào tháng 6/2015, thành phần tham dự là những giáo viên có đi tham quan hè, nghi ngờ cô giáo Tống Thị Phương Thảo dùng điện thoại cá nhân để ghi âm trong một cuộc họp của nhà trường, vị Hiệu trưởng này yêu cầu cô Thảo đưa điện thoại để kiểm tra.
Cô giáo Thảo không đưa rồi bỏ chạy. Bà Thanh đã rượt đuổi cô giáo này ra tận cổng trường, giằng co lấy điện thoại kiểm tra nội dung bên trong, gây nên hình ảnh bạo lực, phản cảm với giáo viên và người dân xung quanh.
Lãnh đạo TP Huế nhận xét, với vai trò là người quản lý, lẽ ra cô Thanh phải chấp hành quy định đạo đức nhà giáo, tuy nhiên cô Thanh lại đi rượt đuổi cô Thảo. Đây là cách ứng xử không đúng, gây phản cảm trong giao tiếp với đồng nghiệp, không đúng tác phong một người lãnh đạo.
Tiếp tục, vào ngày 4/9/2016, toàn thể giáo viên tập trung để sắp xếp trang hoàng hội trường chuẩn bị cho lễ khai giảng thì một giáo viên báo mất điện thoại di động. Bà Thanh chỉ đạo bảo vệ khóa cổng trường, “nhốt” toàn bộ giáo viên có mặt hôm đó để kiểm tra túi xách, tư trang, lục cốp xe, chất vấn giống như tội phạm.
Sau cùng, bà Thanh nghi ngờ cô Trần Thị Thùy Hương (29 tuổi), vì nuôi con nhỏ phải về sớm là người lấy trộm điện thoại, khiến cô này hết sức bức xúc, yêu cầu công an cần làm rõ để bảo vệ danh dự. Tuy nhiên bà Thanh không chấp nhận lời đề nghị của cô Thùy Hương.
Kết luận của UBND TP Huế nêu rõ, bà Thanh chỉ đạo khám xét túi xách, tư trang và cốp xe của giáo viên, nhân viên là việc làm “tùy tiện, không đúng thẩm quyền, xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của giáo viên, nhân viên nhà trường”.
Chưa hết, vào lúc 11h15’ ngày 21/10/2016, cô Thùy Hương xuống văn phòng để trả ca nước nhưng văn phòng đóng cửa nên cô vào lớp B1 để nhờ cô Linh Châu cất vào tủ lạnh giúp. Lúc này, bà Thanh bắt gặp cô Hương rồi buông lời xúc phạm:
“Để tôi bắt gặp một lần nữa thì không được với tôi đâu, tôi không thích cô nói chuyện với cô Châu. Cô có thích dạy lớp B1 không, nếu thích thì tôi sẽ cho cô xuống liền”. Kết luận của UBND TP Huế nêu rõ, hành vi này của bà Thanh thể hiện sự thiếu tôn trọng nghề nghiệp với giáo viên của nhà trường.
Kết luận chậm trễ thi hành
Kể từ khi kết luận nêu trên ban hành đến nay đã hơn 2 tháng rưỡi, việc luân chuyển Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Thanh vẫn chưa được tiến hành khiến nhiều giáo viên đứng ra tố cáo tỏ ra bức xúc, nghi ngờ có sự “chống lưng”, bao che. Nhiều giáo viên còn lo lắng kết luận trên sẽ đi vào lãng quên,
Trao đổi với PLVN, ông Phan Nam (Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo TP Huế) cho biết): “Sau khi nhận đơn của nhóm giáo viên trường Mầm non An Đông tố cáo hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Thanh, tôi đã nhanh chóng cử người xuống cơ sở để xác minh sự việc. Nhiều vấn đề được mổ xẻ, đặc biệt trường hợp cô Dương Thị Trang trong lúc viết kiểm điểm ngất xỉu, phải nhập viện, là rất nghiêm trọng.
Cũng may, sức khỏe của cô Trang giờ đã hồi phục chứ có mệnh hệ gì, bản thân tôi cũng phải chịu trách nhiệm liên quan. Còn những việc cô Hiệu trưởng này có sai phạm trong công tác quản lý đã rõ, đây là một bài học cho cô Thanh nói riêng và của cả ngành giáo dục nói chung. Quan điểm của tôi là phải luân chuyển cô Thanh đi nơi khác. Làm Hiệu trưởng, Hiệu phó, hay giáo viên tùy thuộc vào mức độ vi phạm để xem xét, xử lý”.
Ông Nguyễn Văn Thành (Chủ tịch UBND thành phố Huế) cho biết, đã yêu cầu Phòng Nội vụ phối hợp Phòng GD&ĐT tham mưu điều chuyển bà Nguyễn Thị Hồng Thanh sang đơn vị khác. “Tuy nhiên, thời gian qua, do các phòng tập trung triển khai kế hoạch tuyển dụng viên chức đầu năm 2017 nên hai đơn vị trên chưa có thời gian xử lý thuyên chuyển bà Thanh. Quan điểm của TP là thực hiện đúng như kết luận trước đây”.
Về phần bà Nguyễn Thị Hồng Thanh, cho biết sẽ rút kinh nghiệm, chấp thuận với những nội dung kết luận của UBND TP Huế đưa ra: “Hiện, tôi không có nguyện vọng gì, cấp trên luân chuyển tôi đi ở đâu, làm gì, tôi đều chấp hành. Tôi tự hứa sẽ khắc phục những khuyết điểm, sai phạm, sự nóng nảy, vội vàng của mình”.