Hồ sơ Cienco5: Tại sao sau 10 năm, Hà Nội đòi sửa những quyết định giao đất đã “an bài”?

(PLVN) - Lý do của sự việc UBND Thành phố Hà Nội “sửa” quyết định giao đất khu đô thị Mỹ Hưng, thay tên Tổng Công ty công trình giao thông 5 vào vị trí của Doanh nghiệp dự án đã được giao đất 12 năm trước đó có liên quan đến những thất bại của nhóm doanh nghiệp bất động sản Hải Phát khi thâu tóm Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5.

Từ quan hệ “mẹ - con” trở thành người dưng sau cổ phần hóa

Tổng Công ty công trình giao thông 5 là doanh nghiệp nhà nước do Bộ Giao thông vận tải quản lý là doanh nghiệp có trụ sở chính ở TP Đà Nẵng nhưng lại thực hiện rất nhiều dự án bất động sản ở phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh và Hà Tây (cũ). Doanh nghiệp này thành lập rất nhiều công ty “con”, công ty liên hết để thực hiện các dự án bất động sản ở khu vực hai địa phương này.

Tại Hà Tây (cũ), Tổng Công ty công trình giao thông 5 được biết đến là “nhà đầu tư” dự án đường trục phía Nam; dự án bất động sản tại xã Tân Lập, huyện Đan Phượng.

Đối với dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây, Tổng Công ty công trình giao thông 5 được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt và giao thực hiện theo hình thức hợp đồng xây dựng – chuyển giao BT.

Để thực hiện Hợp đồng BT dự án đường trục phía Nam và các dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tây, Tổng Công ty công trình giao thông 5 đã thành lập Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 (Cienco 5Land). Do vậy, theo quy định của pháp luật, Cienco 5 Land là doanh nghiệp dự án nhận vốn đầu tư từ “nhà đầu tư” để thực hiện các dự án mà nhà đầu tư được chính quyền chấp thuận đầu tư.

Về mối quan hệ giữa Tổng công ty công trình giao thông 5 với Công ty Cienco 5 Land, chỉ nhìn vào cái tên cũng có thể thấy mối quan hệ “mẹ con” giữa hai doanh nghiệp này. Có điều, mối quan hệ mẹ con giữa hai doanh nghiệp này lỏng lẻo, phụ thuộc vào các cá nhân giữ vai trò chủ chốt trong Tổng Công ty công trình giao thông 5 vì các cá nhân trong bộ máy lãnh đạo Tổng Công ty công trình giao thông 5 là các cổ đông lớn của Cienco 5 Land.

Tính đến năm 2016, Tổng Công ty công trình giao thông 5 chỉ sở hữu 5% vốn điều lệ của Công ty Cienco 5 Land, gần như không có tiếng nói gì ở doanh nghiệp này. Song, do các cá nhân giữ vai trò quan trọng ở Tổng công ty công trình giao thông 5 cũng là cổ đông của Cienco 5 Land nên sự chi phối của Tổng Công ty đối với Cienco 5 Land là rõ ràng.

Năm 2013, Tổng Công ty có sự chuyển giao quyền lực khi ông Thân Đức Nam, Chủ tịch HĐQT rời ghế để chuyển công tác đến Văn phòng Quốc hội, ông Bạch Ngọc Du, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cienco 573 (trước đây là Chi nhánh Tổng Công ty công trình giao thông 5 tại Hà Nội) nhận chức Chủ tịch HĐQT Tổng công ty.

Năm 2016, Tổng Công ty công trình giao thông 5 thực hiện cổ phần hóa, nhà nước chuyển nhượng vốn cho các nhà đầu tư chiến lược. Trong đó, nhóm cổ đông là Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát và Công ty cổ phần Hải Phát Thủ đô đã nhận chuyển nhượng khoảng 55% vốn điều lệ của Tổng Công ty công trình giao thông 5 và trở thành cổ đông lớn của Tổng công ty này. Việc mua cổ phần của Tổng Công ty công trình giao thông năm gắn với mục tiêu nhằm vào các dự án bất động sản tại Hà Nội, trong đó có 3 dự án khu đô thị Thanh Hà A, khu đô thị Thanh Hà B và khu đô thị Mỹ Hưng. Tuy nhiên, để làm chủ được 3 dự án này, bắt buộc phải “thâu tóm” cả Công ty Cienco 5 Land.

Cũng tại thời điểm này, việc mua bán cổ phần tại Cienco 5 Land cũng là một cuộc đua giữa những cổ đông đang nắm giữ Tổng Công ty và Tập đoàn Mường Thanh. Cuối cùng, Tập đoàn Mường Thanh đã mua được 95% cổ phần của Cienco 5 Land và “Doanh nghiệp dự án" này trở thành “công ty con” của Tập đoàn Mường Thanh. Quan hệ “mẹ con” giữa Cienco 5 Land với Tổng Công ty công trình giao thông 5 cũng coi như chấm dứt.

Lúc này, với thực tế pháp lý là Công ty Cienco 5 Land là chủ đầu tư các án khu đô thị Thanh Hà A, khu đô thị Thanh Hà B và khu đô thị Mỹ Hưng thì nhóm cổ đông Hải Phát đã không đạt được mục tiêu sử dụng Tổng Công ty công trình giao thông 5 để tiếp cận 3 dự án bất động sản dọc đường trục phía Nam.

Do vậy, cuộc tranh cãi “ai là chủ đầu tư” dự án đường trục phía Nam và các dự án hoàn vốn bắt đầu chính thức nổ ra năm 2016.

Màu “lợi ích nhóm” trong các văn bản của Thành phố Hà Nội

Quan hệ giữa Tổng Công ty công trình giao thông 5 và Công ty Cienco 5 Land từ năm 2008 đến 2016, trước khi có sự thay đổi cổ đông lớn  đã làm rõ lý do tại sao từ không có sự “bất hòa” giữa hai doanh nghiệp này liên quan đến việc thực hiện dự án. Trái lại, các văn bản pháp lý đều cho thấy, Tổng Công ty đã giao cho Cienco 5 Land làm chủ đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tây.

Chỉ cho đến khi nhóm cổ đông Hải Phát mua lại cổ phần của Tổng Công ty mà không có được Cienco 5 Land và mấu chốt là việc nhóm cổ đông Hải Phát thất bại trong việc tiếp cận 3 dự án bất động sản do Công ty Cienco 5 Land được giao đất để thực hiện đầu tư thì Tổng Công ty mới “trở chứng” đi đòi quyền lợi như ngày nay.

Về các căn cứ pháp luật mà Công ty Cienco 5 Land là chủ đầu tư thì đã rõ. Đó là căn cứ vào Hợp đồng BT ký năm 2008 và chính các văn bản nội bộ của Tổng Công ty công trình giao thông 5 giao cho Công ty Cienco 5 Land thực hiện toàn bộ các dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tây. Đặc biệt, Tổng Công ty đã nhận tiền “lợi nhuận khoán” của dự án đường trục phía Nam với số tiền gần 132 tỷ đồng.

Nói cho rõ ra thì Tổng Công ty công trình giao thông 5 không còn quyền gì trong việc thực hiện dự án đường trục phía Nam và 3 dự án hoàn vốn là dự án khu đô thị Thanh Hà A, khu đô thị Thanh Bà B và khu đô thị Mỹ Hưng.

Song, sau khi nhóm cổ đông Hải Phát thất bại trong việc mua lại Công ty Cienco 5 Land nên đã sử dụng danh nghĩa Tổng Công ty công trình giao thông 5 để đòi quyền đầu tư các dự án này. Và, điều này có sự giúp đỡ nhiệt tình từ các cơ quan chức năng TP Hà Nội, phải kể đến là các sở Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường.

Cụ thể, tại văn bản ngày 29/9/2020 gửi Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, theo quyết định cho phép đầu tư dự án bất động sản do UBND tỉnh Hà Tây ban hành tháng 4/2008 có ghi chủ đầu tư là Tổng Công ty công trình giao thông 5 nên việc giao đất cho Công ty Cienco 5 Land là không đúng nên đề nghị “điều chỉnh” nội dung quyết định giao đất.

Tại các tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở này lập luận rằng, sở dĩ phải “đổi tên” đối tượng giao đất từ Công ty Cienco 5 Land sang Tổng Công ty công trình giao thông 5 là do theo quyết định cho phép đầu tư do UBND tỉnh Hà Tây ban hành năm 2008 đã ghi Tổng Công ty công trình giao thông 5 là “chủ đầu tư”. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội còn viện dẫn quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc đổi tên Tổng công ty công trình giao thông 5.

Điều đáng ngạc nhiên là việc đổi tên Tổng Công ty công trình giao thông 5 sau cổ phần hóa không liên quan gì đến nội dung quyết định 3128 về việc giao 182 ha đất dự án khu đô thị Mỹ Hưng cho Công ty Cienco 5 Land nhưng vẫn được Sở Tài nguyên và Môi trường đưa vào làm căn cứ. Sở này còn “bổ sung” thêm nội dung “Tổng công ty công trình giao thông 5 – CTCP đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng dự án khu đô thị Mỹ Hưng theo đúng kế hoạch được phê duyệt” vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong các văn bản của cơ quan chức năng TP Hà Nội không hề đề cập đến các căn cứ pháp lý quan trọng nhất để ban hành quyết định giao đất, đó là Hợp đồng BT. Trong hợp đồng BT đã nêu rõ doanh nghiệp dự án (Cienco 5 Land) là pháp nhân trực tiếp đầu tư dự án đường trục phía Nam và các dự án hoàn vốn (Thanh Hà A, Thanh Hà B và Mỹ Hưng).

Đặc biệt, Cienco 5 Land mới là chủ thể sử dụng đất và là chủ thể được giao đất theo Luật Đất đai. Để giành lại các khu đất này cho Tổng Công ty công trình giao thông 5, các cơ quan tham mưu của UBND TP Hà Nội còn bất chấp cả thực tế là Tổng Công ty này không bỏ vốn vào các dự án, đã thu “phế” gần 132 tỷ đồng để thực hiện việc làm “chưa có tiền lệ” là điều chỉnh tên chủ sử dụng đất trong quyết định giao đất để lấy đất của doanh nghiệp này cho doanh nghiệp khác.

Những bất thường trong việc sửa quyết định hành chính của UBND TP Hà Nội làm lợi cho Tổng Công ty công trình giao thông 5 mà nhóm doanh nghiệp bất động sản Hải Phát hiện chi phối, rõ ràng phải được làm rõ để những toan tính lợi ích không xâm phạm sự tôn nghiêm và công bằng của pháp luật.

Đọc thêm