Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Có chọn lọc, có ưu tiên!

(PLO) - Với 97% doanh nghiệp hiện nay là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), liệu Nhà nước có đủ nguồn lực để hỗ trợ đối tượng này khi Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành?
Không phải tất cả các DNNVV đều được hỗ trợ. Ảnh minh họa

Dự thảo mới nhất Luật Hỗ trợ DNNVV vừa được Bộ KH&ĐT công bố đã thu hẹp đối tượng được thụ hưởng và để ngỏ khả năng ngân sách nhà nước (NSNN) trong từng thời kỳ để lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho phù hợp…

Hỗ trợ để khích lệ

Tại Hội thảo “Dự thảo Hỗ trợ DNNVV” do Bộ KH&ĐT tổ chức hôm 18/10, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, sau 2 năm phối hợp với các ban ngành, Dự thảo đã được UBTVQH xem xét thông qua và dự kiến sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp Quốc hội lần này.

Dự thảo Luật gồm 6 chương với 45 điều, được thiết kế với hai phần quan trọng: Các nội dung hỗ trợ cơ bản (Chương II, từ Điều 7 đến Điều 18), bao gồm các quy định về gia nhập và rút khỏi thị trường, tiếp cận tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, đào tạo, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ; Các chương trình hỗ trợ trọng tâm (Chương III, từ Điều 19 đến Điều 32), là những hỗ trợ có mục tiêu, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế.

Cụ thể, gồm 3 chương trình hỗ trợ trọng tâm (hỗ trợ DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; và hỗ trợ DNtham gia cụm liên kết ngành) và các chương trình khác do Chính phủ quy định phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển và điều kiện NSNN trong từng thời kỳ.

Điểm mới trong dự thảo lần này là những nội dung hỗ trợ đưa vào Dự thảo là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các DNNVV. Tuy nhiên, không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp cho DNNVV mà những hỗ trợ cơ bản này thực hiện chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các DNNVV.

Theo ước tính của Bộ KH&ĐT, với thiết kế thu hẹp đối tượng được hỗ trợ, đối tương tham gia chương  trình trọng tâm mỗi năm không lớn nhưng sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của DN, khuyến khích các DNNVV hiện thực các ý tưởng mới, phát triển và thương mại hóa sản phẩm có tính sáng tạo, ứng dụng cao, ưu việt về giá cả và chất lượng, tạo giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của DN trên thị trường trong nước và quốc tế.

Hỗ trợ bằng cơ chế, chính sách

Để giải bài toán nguồn lực hỗ trợ DNNVV trong điều kiện NSNN còn nhiều khó khăn, dự luật khẳng định một trong các nguyên tắc xây dựng luật là hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn lực Nhà nước được thực hiện chủ yếu thông qua lựa chọn các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV theo quy định của pháp luật và thông qua thiết lập cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV. 

Theo Dự thảo , nguồn lực hỗ trợ chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách hỗ trợ (ưu đãi đầu tư, thuế, tiền sử dụng đất…) và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, tổ chức trung gian để tạo ra và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ DNNVV. Ngoài ra nguồn lực từ xã hội, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đóng vai trò quan trọng. Luật có cơ chế huy động để cùng với nhà nước hỗ trợ DNNVV.

Về nguồn lực thực hiện các chương trình hỗ trợ DNNVV trọng tâm, theo Bộ KH&ĐT, tùy điều kiện ngân sách trong từng thời kỳ các cơ quan, tổ chức chủ trì chương trình tính toán và cân đối phù hợp với khả năng đáp ứng từ NSNN và huy động từ khu vực tư nhân để thực hiện các chương trình này.

Liên quan đến cách thức thực hiện hỗ trợ DNNVV, dự thảo quy định nguyên tắc thực hiện hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn lực Nhà nước và ngoài Nhà nước. Ngoài nguồn lực Nhà nước thông qua việc tạo cơ chế chính sách để hỗ trợ các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV, việc thực hiện hỗ trợ DNNVV còn được thực hiện thông qua lựa chọn các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ DNNVV theo quy định của pháp luật. Việc thực hiện hỗ trợ DNNVV sử dụng nguồn lực ngoài Nhà nước được thực hiện theo quy định, mô hình và phương thức của các tổ chức, cá nhân tài trợ…

Lợi ích to lớn từ khu vực DNNVV năng động mạnh mẽ

Theo bà Gloria Steele, Phó tổng giám đốc phụ trách khu vực Châu Á của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tổ chức giúp Bộ KH&ĐT xây dựng Luật hỗ trợ DNNVV,  cái mà DN cần hơn cả chính là môi trường kinh doanh. “Một môi trường tốt sẽ giúp cho DNNVV phát triển, từ đó giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng…”- Bà Gloria Steele lưu ý.

Theo tính toán của  Ban soạn thảo, tính đến tháng 10/2016, Việt Nam có 590.000 DN đang hoạt động và đang thực hiện các nghĩa vụ thuế (trong tổng số 959.000 DN đã đăng ký kinh doanh). Với mục tiêu sẽ có 1 triệu DN thực sự đi vào SXKD và có thực hiện các nghĩa vụ về thuế vào năm 2020, sẽ có  thêm 410.000 DN mới được thành lập và thực sự đi vào hoạt động trong vòng 4 năm tới.

Với quy mô vốn đăng ký bình quân của DN hiện nay là 7,5 tỷ đồng/DN thì sẽ có có ít nhất 3.075 ngàn tỷ đồng (136.7 tỷ USD) được đưa vào đầu tư SXKD. Nếu con số này được hiện thực hóa trong 4 năm tới (tính đến năm 2020), mỗi năm sẽ có khoảng 34,17 tỷ USD được các DN trong nước đăng ký đưa vào SXKD(chưa bao gồm con số tăng vốn của các DN hiện tại do các chính sách hỗ trợ DNNVV trở lên thuận lợi hơn). Con số này cao gấp 1,5 lần mức vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam năm 2015và gấp hơn 2 lần vốn FDI thực hiện trong cùng năm. 

Ngoài ra, với mức nộp NSNN của một DNNVV trung bình đạt khoảng 0,5 tỷ đồng/năm thì 410.000 DN mới thành lập và đi vào hoạt động sẽ hình thành một cơ sở nguồn thu thuê mới vô cùng quan trọng trong trung hạn. Với các DNNVV mới được thành lập và đi vào hoạt động, dự báo tới năm 2020 sẽ có thêm khoảng 7 triệu việc làm mới được tạo ra bởi các DNNVV.

“Với 1 triệu DN được thành lập và duy trì hoạt động, Việt Nam sẽ hình thành hàng triệu chủ DN, nhà quản lý DN, nhà đầu tư vào các DN… Điều này hỗ trợ cho việc hình thành một tầng lớp trung lưu tại Việt Nam. Tầng lớp trung lưu này sẽ có mức chi tiêu và tiêu dùng cao hơn, góp phần trực tiếp cho việc mở rộng tiêu dùng, hỗ trợ cho phát triển kinh tế cũng như các mục tiêu về gắn kết xã hội…”- Ông Lê Văn Khương, Trưởng phòng DNNVV (Cục phát triển DN. Bộ KH&ĐT) kỳ vọng.

Đọc thêm