Hỗ trợ thiệt hại dịch tả lợn châu Phi ở Bắc Ninh: Người dân được hướng dẫn lên Hà Nội đòi quyền lợi?

(PLVN) - Chuyện thật như đùa này đang xảy ra tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh khi gần 500 con lợn của 21 hộ dân chăn nuôi thuộc Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu mặc dù đã nghiêm chỉnh chấp hành lệnh tiêu hủy của chính quyền địa phương nhưng khi đề nghị hỗ trợ thiệt hại thì lại bị địa phương này từ chối và hướng dẫn người dân lên Sở NN&PTNT TP Hà Nội để đòi hỏi quyền lợi.
Ảnh minh họa

Dân hoang mang

 Phản ánh đến Báo PLVN, 22 hộ dân chăn nuôi thuộc Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu (đóng trên địa bàn 2 xã Trạm Lộ, Nghĩa Đạo thuộc huyện Thuận Thành) cho biết, từ ngày 15/4 đến ngày 19/4, các hộ chăn nuôi ở đây bắt đầu thấy có hiện tượng lợn chết bất thường trong chuồng trại. Nghi ngờ dính dịch tả lợn nên các hộ đã chủ động báo cáo ngay với trạm thú y, UBND xã và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Thuận Thành để lấy mẫu xét nghiệm, có biện pháp xử lý theo quy trình.

Theo ông Trần Mạnh Cường, đại diện cho các hộ chăn nuôi, qua kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng cho thấy, hầu hết lợn các hộ chết là do dương tính với dịch tả lợn Châu Phi. “Sau đó, Trạm Thú y xã Trạm Lộ và  Nghĩa Đạo và Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Thuận Thành cùng các hộ dân đã lập biên bản kiểm đếm, xác định số lượng, trọng lượng lợn mắc bệnh. Huyện lập danh sách đồng thời tiến hành tiêu hủy kịp thời toàn bộ số lợn mắc bệnh theo đúng quy trình tiêu hủy của bệnh dịch tả lợn Châu Phi”- ông Cường cho hay.

Tỉnh Bắc Ninh lúng túng trong xử lý hỗ trợ cho người dân Xí nghiệp Tam Thiên Mãu bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi

Xác nhận của các cơ quan chức năng cũng cho thấy, tính đến thời điểm ngày 13/5, chính quyền địa phương đã tiêu hủy 484 con lợn với số lượng là hơn 40 tấn của 22 hộ chăn nuôi thuộc Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu. Theo người dân, số lợn phải tiêu hủy lớn đã gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho các hộ chăn nuôi ở đây nên sau khi bị tiêu hủy để ổn định đời sống các hộ đã tiến hành làm các thủ tục để mong được chính quyền các cấp xem xét hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ.

Tuy nhiên, mặc dù đã nhiều lần liên hệ với UBND xã Trạm Lộ, UBND xã Nghĩa Đạo, UBND huyện Thuận Thành nhưng đề nghị hỗ trợ thiệt hại của người dân không những không được thông qua, không giải thích rõ ràng mà họ còn bị “đùn đẩy” lên Sở NN&PTNT Hà Nội để được xem xét hỗ trợ.

Sau khi bị hướng dẫn như vậy, các hộ dân cho hay họ cảm thấy rất hoang mang vì hiện không biết cơ quan chức năng nào sẽ xem xét việc hỗ trợ thiệt hại cho họ. “Mới đây, trong buổi tiếp dân ngày 15/5, chúng tôi đã hỏi Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành là người dân có được xem xét hỗ trợ thiệt hại hay không thì ông Chủ tịch có nói là: Bây giờ các anh về bảo Giám đốc Xí nghiệp của các anh sang bên Sở NN&PTNT TP. Hà Nội làm việc để xem Hà Nội hỗ trợ hay không hỗ trợ như nào thì chúng tôi ở đây mới xem xét, giải quyết cho các anh được”- ông Cường cho biết.  

Lúng túng xử lý hỗ trợ cho dân               

Trao đổi với PV Báo PLVN, ông Nguyễn Phương Đông, Chủ tịch UBND xã Trạm Lộ xác nhận số lượng, trọng lượng lợn của 22 hộ dân Xí nghiệm Tam Thiên Mẫu đã tiêu hủy nhưng đúng là  chưa được tỉnh Bắc Ninh xem xét hỗ trợ.

Theo giải thích của ông Đông, do địa điểm lợn bị dính dịch tả lợn xảy ra trong Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu. Mà Xí nghiệp này tuy đóng trên địa bàn huyện Thuận Thành nhưng lại thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Hà Nội (HADICO). “Nên trong các cuộc họp giao ban mới đây chúng tôi nhận nhận được thông tin từ Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành là yêu cầu các hộ làm việc với HADICO và Sở NN&PTNT Hà Nội để xem bên Hà Nội xử lý như thế nào để tránh hỗ trợ 2 lần”, ông Đông xác nhận.   

Ông Trần Mạnh Cường nói các hộ bị thiệt hại hiện không biết kêu cứu cơ quan nào để được xem xét hộ trợ 

Đáng chú ý, theo tìm hiểu của PV, ngày 16/4/2019, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Thuận Thành đã có công văn xin ý kiến hướng dẫn triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh động vật lên Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh để gỡ rối một số tình huống trong công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi mà địa phương này đang gặp phải.

Văn bản phúc đáp sau đó của Sở quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh cũng chỉ dừng lại ở mức độ trích dẫn quy định chứ không đưa ra một quan điểm rõ ràng trong xử lý đối với các tình huống cụ thể như trường hợp 22 hộ dân ở Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu.

Cụ thể, theo Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Ninh, tại Khoản 1, Điều 1, Quyết định số 186 ngày 6/3/2014 của UBND tỉnh Bắc Ninh về việc ban hành chính sách hỗ trợ  kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có nội dung: Hỗ trợ kinh phí cho chủ chăn nuôi bao gồm: hộ gia đình, cá nhân, trang trại, HTX, các cơ sở chăn nuôi và đơn vị quân đội có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy.

Tại Điểm 1, Điều 2, Nghị quyết 147 của HĐND tỉnh Bắc Ninh, về việc ban hành quy định hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh quy định đối tượng áp dụng: các cá nhân, tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật, tham gia các hoạt động sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. 

“Căn cứ vào những quy định trên Sở NN&PTNT đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật huyện Thuận Thành thực hiện hỗ trợ chính sách sản xuất nông nghiệp, phòng chống dịch bệnh theo đúng quy định”, Sở NN&PTNT phúc đáp.     

Nói là có hướng dẫn từ cơ quan chuyên môn nhưng Chủ tịch UBND xã Trạm Lộ thừa nhận rằng, chính quyền hiện khá lúng túng trong việc xem xét hỗ trợ cho 22 hộ Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu vì việc xác định đối tượng hỗ trợ trong trường hợp này là khá phức tạp, khi các quy định hiện hành chưa có hướng dẫn cụ thể đối với những tình huống kiểu như vậy.  Việc xem xét hỗ trợ cho các hộ dân Xí nghiệp Tam Thiên Mẫu sẽ được HADICO, SỞ NN&PTNT TP. Hà Nội xử lý ra sao? Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật.

Đọc thêm