Hòa Bình: Ai “vẽ đường” cho doanh nghiệp san phẳng hơn 4 hecta đất rừng sản xuất trái phép

(PLVN) - Công tác quản lý hàng nghìn hecta đất rừng sản xuất tại (xóm Khai Đồi, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi) vốn dĩ đã bộc lộ dấu hiệu sai phạm lớn từ nhiều năm, không được cơ quan có thẩm quyền xử lý khiến người dân nghi ngờ có sự “vẽ đường” cho doanh nghiệp san phẳng hơn 4 hecta đất rừng sản xuất để chủ đích lập dự án.
Đất trồng rừng sản xuất đã bị doanh nghiệp san phẳng trái phép tại xóm Khai Đồi, xã Sào Báy

Dù chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, nhận đất, chưa có giấy tờ đứng tên sở hữu hơn 4 hecta đất rừng sản xuất tại xóm Khai Đồi, xã Sào Báy, huyện Kim Bôi. Tuy nhiên, ông Vũ Minh Hiếu, giám đốc Công ty Cổ phần thương mại du lịch Lạc Hồng (Công ty Lạc Hồng) đã gửi hồ sơ đến UBND xã Sào Báy, tự xác lập chủ quyền sử dụng khu đất trên, bằng thuyết trình khu đất hơn 4 hecta đất rừng sản xuất được UBND huyện Kim Bôi cho thuê 50 năm để làm Dự án Nhà máy sản xuất nước khoáng thiên nhiên Nami. 

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Ngọc Tuyết, cán bộ địa chính xã Sáo Báy, cho biết: “Công ty Lạc Hồng cung cấp cho UBND xã hồ sơ về việc lập dự án Nhà máy nước tại khu đất rừng sản xuất, xóm Khai Đồi và Công ty nói đang được UBND huyện làm thủ tục cho thuê đất. Nhưng việc cho thuê thế nào họ không qua UBND xã mà làm thủ tục trực tiếp với Phòng TN&MT huyện. UBND huyện cũng không lấy ý kiến của UBND xã. Đến nay, Công ty Lạc Hồng đã tự ý “xẻ” đất đồi để san lấp mặt bằng trên diện tích toàn bộ hơn 4 hecta”.

Công trường thi công, san lấp trái phép, chính quyền địa phương vẫn 'khoanh tay' đứng nhìn 
San phẳng từ đất trồng rừng thành dự án  

Xác minh thực tế tại hiện trường, cho thấy hiện nay khu đất trồng rừng sản xuất tại xóm Khai Đồi, xã Sào Báy đang được thi công, san lấp mặt bằng rầm rộ. 

Tại đây, một số người dân địa phương cho hay, khu đất này trước đây là của hợp tác xã quản lý, sau đó, thôn cho người dân thuê trái pháp luật, nhiều lần người dân trong thôn đã đề nghị UBND xã giải thích về việc cho thuê, giao đất nhưng không nhận được câu trả lời. Mới đây thì xuất hiện nhiều xe máy xúc, xe tải hoạt động như một công trường để xẻ đất đồi, múc đất san lấp chuyển đất trồng rừng sang mục đích sử dụng khác.

Theo quan sát, khu đất trồng rừng sản xuất đang được san lấp sát cạnh dự án Serena Lạc Hồng (khu nghỉ dưỡng). Nhiều người dân cho rằng việc san lấp này là có chủ đích của doanh nghiệp muốn thâu tóm khu đất này làm nơi kinh doanh.

Theo đại diện UBND xã Sào Báy, từ năm 1993 hợp tác xã cho người dân ở địa phương thuê, sau đó, họ không có nhu cầu thuê nên lại chuyển nhượng cho người nhà sử dụng, thuê đi, thuê lại.

“Sự việc được UBND huyện phát huyện việc cho thuê là trái thẩm quyền, xong bằng cách nào đó năm 2015 và 2016 UBND huyện cho bà Nhung và ông Phạm Đức Dân thuê thầu 50 năm đối với khu đất hơn 4 hecta trên. Cho đến nay, UBND huyện lại thu hồi của ông Dân giao cho Công ty Lạc Hồng thuê thầu cũng có vấn đề về thủ tục pháp lý nhưng UBND xã lại không được tham gia”, đại diện UBND xã Sào Báy cho biết thêm.

Theo hồ sơ tài liệu, năm 2015, ông Nguyễn Việt Hòa, Trưởng phòng TN&MT đã có một loạt tờ trình đề nghị UBND huyện cho ông Phạm Đức Dân để thuê thầu lô đất trồng rừng sản xuất hơn 4 hecta trên và đã được UBND huyện Kim Bôi ký Quyết định cho ông Dân thuê 50 năm và cấp sổ.

Tháng 6/2020, gia đình ông Phạm Đức Dân đã chuyển nhượng tài sản trên đất và đề nghị với UBND huyện cho ông Vũ Minh Hiếu tiếp tục thuê đất.

Đến ngày 7/7/2020, UBND huyện Kim Bôi đã có Quyết định về việc thu hồi đất, cho thuê đất tại xóm Khai Đồi, xã Sào Báy. Theo đó, thu hồi hơn 4 hecta của ông Phạm Đức Dân giao cho ông Vũ Minh Hiếu thuê.

Ông Bùi Duy Hưng, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Kim Bôi, cho biết, mặc dù UBND huyện đã có Quyết định thu hồi, giao đất cho ông Vũ Minh Hiếu thuê, nhưng huyện vẫn chưa giao Quyết định cho thuê đến ông Hiếu và chưa làm các thủ tục giao đất theo quy định.

“Đến nay ông Hiếu, giám đốc Công ty Lạc Hồng tự ý san lấp như vậy là vi phạm pháp luật, đồng thời đây là cho thuê thầu đất trồng rừng sản xuất chứ không phải để kinh doanh hay làm dự án mà san lấp như vậy, tôi sẽ báo cáo lãnh đạo huyện”, ông Hưng khẳng định.

Đối với vấn đề quy hoạch, sử dụng đất và việc UBND huyện liên tục giao đất, cho thuê thầu 50 đối với khu đất hơn 4 hecta xóm Khai Đồi, xã Sào Báy có thông qua Nghị quyết, Hội đồng nhân dân và lấy ý kiến quy hoạch, đăng ký biến động sử dụng đất tại địa phương xã Sào Báy như thế nào. Tuy nhiên một số cấu hỏi ông Hưng không nắm được và cho rằng, việc thực hiện giao đất, cho thuê là do lãnh đạo UBND huyện.

Như những gì đang diễn ra tại khu đất trồng rừng hơn 4 hecta đất tại xóm Khai Đồi, xã Sào Báy, khiến người dân và dư luận đặt dấu hỏi, liệu ai là người vẽ đường cho doanh nghiệp san phẳng đất trồng rừng để làm dự án kinh doanh Nhà máy nước. 

Liệu rằng, chủ đích của vấn đề trên có được thực hiện và những sai phạm lớn trong việc cho thuê, san lấp trái phép sẽ bị xử lý ra sao.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Đọc thêm