Kỳ hóa đơn tháng 7, 8 sẽ còn phức tạp?
Trong số các cuộc gọi đến đường dây nóng của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD), số lượng phản ánh về điện chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm? Nội dung người dân phản ánh là gì, thưa ông?
- Hiện tại, Cục CT&BVNTD tiếp nhận thông tin, phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng qua 4 phương thức, gồm: Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838; Email bvntd@moit.gov.vn và vcca@moit.gov.vn; Điện thoại, fax; Trực tiếp và qua đường bưu điện tới trụ sở và văn phòng ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong 6 tháng đầu năm 2020, Cục CT&BVNTD mới nhận được một số ít đơn thư khiếu nại chính thức từ người tiêu dùng liên quan đến diễn biến bất thường của hóa đơn tiền điện qua các kênh điện thoại phản ánh và email.
Tuy nhiên, qua các thông tin phản ánh trên báo chí, Cục CT&BVNTD ghi nhận nhiều vụ việc hóa đơn tiền điện tăng cao đột biến, gấp nhiều lần so với các giai đoạn trước đó. Các vụ việc hiện tại chủ yếu liên quan đến kỳ hóa đơn tiền điện tháng 5 và tháng 6. Theo dự báo, vụ việc sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp trong kỳ hóa đơn tháng 7 và tháng 8 tới.
Người dân đã lên tiếng rất nhiều về vấn đề hóa đơn tiền điện, ngành Điện cũng đã tiến hành đo chỉ số công tơ và có kết luận công tơ vẫn chạy ổn định. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa khiến người dân hài lòng khi trong tháng 6/2020, có rất nhiều phản ứng vì lượng điện sử dụng tăng đến 2-3 lần. Vậy, Cục CT&BVNTD sẽ có động thái gì trong tình hình này?
- Trước vấn đề nêu trên, Cục đã, đang và sẽ tiến hành một số hoạt động có liên quan theo thẩm quyền. Cụ thể, Cục CT&BVNTD đang tiến hành rà soát, thu thập thông tin, tài liệu để đánh giá về vụ việc. Trong trường hợp phát hiện dấu hiệu của hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục sẽ trình cấp có thẩm quyền thực hiện các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý theo quy định.
Tiếp theo, Cục sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan trong Bộ Công Thương (Cục Điều tiết điện lực…) và các cơ quan, tổ chức bên ngoài (Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam…) giám sát vụ việc, thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về những diễn biến mới cho người tiêu dùng và xã hội.
Bên cạnh đó, xét trên góc độ cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục dự kiến sẽ có những đề xuất liên quan đến chính sách nhằm giảm thiểu tối đa các khả năng dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời gian tới.
Cần bên thứ 3 để khách quan
Nhiều ý kiến cho rằng, Cục nên đứng ra “làm trọng tài” trong một số vụ việc giữa người tiêu dùng và ngành Điện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
- Căn cứ theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ được giải quyết thông qua các phương thức quy định tại Điều 30, bao gồm: Thương lượng, Hòa giải, Trọng tài và Tòa án. Khi tiếp nhận các vụ việc khiếu nại giữa người tiêu dùng và ngành Điện, chúng tôi sẽ tư vấn, hỗ trợ để hai bên ưu tiên giải quyết qua phương thức Thương lượng và Hòa giải. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận thì có thể tính đến phương thức Trọng tài và Tòa án.
Bên cạnh hỗ trợ các bên giải quyết khiếu nại, tranh chấp, Cục CT&BVNTD cũng sẽ tiến hành rà soát, đánh giá theo chức năng quản lý nhà nước được phân công. Trong trường hợp phát hiện các hành vi có dấu hiệu vi phạm quyền lợi người tiêu dùng, Cục sẽ tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.
Theo ông, liệu có cần một bên thứ 3 đứng ra kiểm định công tơ độc lập hay không? Vì sao?
- Theo Điều 25 Luật Điện lực, khi có nghi ngờ thiết bị đo đếm điện không chính xác, bên mua điện có quyền yêu cầu bên bán điện kiểm tra. Trong trường hợp không đồng ý với kết quả kiểm tra, sửa chữa hoặc thay thế của bên bán điện, bên mua điện có quyền đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện tại địa phương tổ chức kiểm định độc lập.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc bảo đảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Vì vậy, trong trường hợp có tranh chấp, các bên hoàn toàn có thể tự mình hoặc phối hợp để mời các đơn vị độc lập có thẩm quyền và năng lực đứng ra đánh giá về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp. Điều này không chỉ hỗ trợ giải quyết các tranh chấp mà sẽ giúp đảm bảo sự minh bạch hóa thông tin tới người tiêu dùng cũng như sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, đồng thời củng cố niềm tin của người tiêu dùng.
Xin cảm ơn ông!