Không gian văn hóa dân tộc Mông (Hà Giang) tại Hà Nội gồm nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn. Chương trình sẽ tái hiện không gian văn hóa đồng bào dân tộc Mông ngay giữa Thủ đô bằng một loạt các hoạt động đặc sắc như khèn Mông, sáo Mông, gậy sinh tiền, kèn lá, kèn môi...
Du khách sẽ có cơ hội xem quy trình dệt vải lanh truyền thống, tái hiện lễ hội Gầu Tào - lễ hội mùa xuân hàng năm của người Mông, thử trang phục đồng bào...
Ngoài ra là các tiết mục văn nghệ đặc sắc sẽ được trình diễn bởi các nghệ nhân người Mông và các diễn viên chuyên nghiệp. Đặc biệt, hoa tam giác mạch, một loài hoa nổi tiếng của Hà Giang, sẽ khoe sắc tại đây, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho du khách: được ngắm, chụp ảnh ngay trong không gian tổ chức.
Trong những ngày diễn ra chương trình, du khách sẽ có cơ hội thưởng thức những món ăn độc đáo như bò khô cao nguyên, bánh kẹo của đồng bào, đặc sản hồng không hạt, cam sành Hà Giang...
Và một loại rượu trứ danh, rượu hoa tam giác mạch, một sản vật gắn với loài hoa đặc trưng nhất của tình đầu tiên biên giới, cũng sẽ được giới thiệu, hứa hẹn tăng thêm gia vị cho không gian văn hóa.
Cũng với chuỗi các hoạt động động văn hóa, nghệ thuật, Ban tổ chức còn bố trí các điểm chụp ảnh, không gian ẩm thực và các gian hàng triển lãm, quảng bá. Các nghệ sĩ, nghệ nhân thực hiện biểu diễn nghệ thuật đường phố xung quanh khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm trong trang phục dân tộc Mông, giúp du khách hòa cùng văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.
Cũng trong tháng 11, “Ngày hội văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II” tại tỉnh Hà Giang năm 2016 và Tuần "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam" trong 2 ngày 18 và 19/11. Ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Mông trong nền văn hóa thống nhất mà đa dạng của 54 dân tộc Việt Nam.
Đây cũng là dịp để các nghệ nhân, nghệ sĩ, vận động viên gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày hội năm nay có sự tham gia của 13 tỉnh: Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Thái Nguyên…Chương trình gồm có phần lễ và phần hội, với nhiều hoạt động như: Trình diễn nét đẹp trong trang phục phụ nữ dân tộc Mông; giới thiệu các trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc Mông; ẩm thực và sản phẩm đặc trưng của dân tộc Mông; thi bắn nỏ, đánh tu lu, ném pao, đánh yến…