Là các nhà báo, không ai không cảm thấy hạnh phúc khi được tôn vinh và thấy hơn trách nhiệm khi được tôn vinh.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang “gõ cửa” từng tòa báo, “nhảy nhót” trên từng bàn phím của người làm báo. Vận hội và thách thức, trách nhiệm và nghĩa vụ, thành công và khủng hoảng...đang xảy ra “chưa từng có”. Không chỉ nền báo chí cách mạng mà báo chí nói chung của thế giới đang đứng trước tất cả, trong đó có những “nguy cơ tiềm tàng” về “khủng hoảng đạo đức”.
Báo chí cách mạng Việt Nam do Bác Hồ khai sinh, khác với mọi nền báo chí. Đó là báo chí đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trung thành tuyệt đối với hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam đứng đầu. Tiêu chí đạo đức của báo chí Việt Nam là trung thành với lợi ích của Đảng.
Với tiêu chí đó, nhà báo có nghĩa vụ tuyên truyền, quảng bá, giải thích, vận động, cổ vũ và tổ chức thực hiện những đường lối, chính sách của Đảng; biểu dương những cá nhân và tổ chức thực hiện tốt, chống lại những quan điểm, hành động đi ngược hoặc chống đối Đảng và hệ thống chính trị. Đó là một nguyên tắc và cũng là tiêu chuẩn đạo đức của người làm báo Việt Nam.
Tuy nhiên, áp lực của ngành “công nghiệp truyền thông” đang tạo ra thách thức lớn. Lợi nhuận kinh doanh, thời gian hoàn thành công việc đặt một bộ phận không nhỏ phóng viên vào tình thế sẵn sàng vi phạm các nguyên tắc đạo đức để kịp thời tạo ra được những ấn phẩm truyền thông có thể tiêu thụ nhanh với giá hời.
Hệ quả tất yếu của quá trình này là sự xuất hiện tràn lan, không thể kiểm soát được các thông tin mang nặng tính giải trí, nội dung nghèo nàn và nhiều khi không thể kiểm chứng.
Trong những hành vi không chuẩn mực bị xử lý gần đây, có những hành vi do non yếu về trình độ, bản lĩnh chính trị, nhưng cũng có những hành vi cố tình vi phạm về pháp luật, vi phạm về đạo đức nghề nghiệp. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, phương tiện để lan truyền những sai lệch nhanh, mạnh mẽ, gây tác động lớn hơn nhiều so với trước.
Bên cạnh đó, do đặc thù của mạng xã hội nên thông tin có độ lan tỏa với tốc độ chóng mặt. Nhiều khi những thông tin không được kiểm chứng gây bão trên mạng xã hội và có tác động tiêu cực đến tâm lý xã hội, làm cho người dân tiếp cận thông tin không chuẩn mực bị phân tâm, hoang mang hay hiểu sai về chính sách, chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước.
Không ít những vụ việc, chúng ta có cảm giác, cơ quan thừa hành pháp luật chịu sức ép của “dư luận”. Nhiều vụ việc xảy ra gần đây được khởi tố nằm trong “cơn lốc” của truyền thông. Điều đó cho thấy trách nhiệm của nhà báo là vô cùng lớn và vận dụng pháp luật trong thời kỳ “hội tụ số” đang vô cùng hệ trọng.
Hoa hồng và trách nhiệm, đòi hỏi nhà báo bản lĩnh, tinh thông và đạo đức.